Dàn ý Thuyết minh về đôi dép cao su chi tiết đầy đủ

Ngày nay chắc hẳn các bạn đều biết đến những đôi dép đẹp đẽ, những đôi giày búp bê xinh xắn hay những đôi giày thể thao khỏe khoắn. Vậy có ai đã từng nhìn thấy đôi dép cao su- đôi dép Bác Hồ, đôi dép độc đáo của nhân dân ta trong chiến tranh chưa? Dưới đây là hướng dẫn làm bài văn thuyết minh về đôi dép cao su lớp 8

Các bài viết về chủ đề đôi dép cao su được quan tâm :

  • Thuyết minh về đôi dép cao su lớp 8
  • “Đôi dép đơn sơ đôi dép Bác Hồ
  • Bác đi từ ở chiến khu Bác về, Bác đi từ ở chiến khu Bác về.
  • Dép này Bác trải đường dài, đã cùng Bác vượt chông gai xây non nước nhà.”

Nhạc sĩ Văn An đã viết lời bài hát xúc động về đôi dép cao su của Bác Hồ như thế đấy. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ của nhân dân ta, đôi dép cao su đã trở thành vật dụng quen thuộc luôn bên cạnh những người lính cụ Hồ. Đôi dép giản dị ấy là một trong những phát minh thể hiện sự sáng tạo và trí tuệ của nhân dân ta. Trong chương trình Ngữ Văn lớp 8, các bạn sẽ bắt gặp đề bài với yêu cầu thuyết minh về đôi dép cao su.Vì đây là dạng bài thuyết minh nên các bạn chú ý nêu rõ những đặc điểm về hình dáng và công dụng của dép để người đọc dễ hình dung. Tuy nhiên yếu tố miêu tả và biểu cảm cũng cần được sử dụng linh hoạt để bài viết thêm hấp dẫn. Dưới đây là dàn ý đầy đủ chi tiết cho đề bài trên. Chúc các độc giả của HSG thành công!

DÀN Ý CHI TIẾT HƯỚNG DẪN LÀM BÀI VĂN THUYẾT MINH VỀ ĐÔI DÉP CAO SU LỚP 8.

I/ Mở bài

  • Giới thiệu về đối tượng thuyết minh.

Hai cuộc kháng chiến giành độc lập của nhân dân ta gắn liền với biết bao huyền thoại. Đó là chiếc mũ cối có hình ngôi sao năm cánh, là chiếc áo lính hòa cùng màu xanh của cây rừng, là những lá thư đẫm nước mắt từ tiền tuyến gửi về hậu phương… Đó còn là đôi dép cao su giản dị, là vật chứng tiêu biểu cho nhân cách và hành trình gian khổ của nhân dân Việt Nam.

II/ Thân bài

1. Nguồn gốc lịch sử

  • Ra đời trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ của dân tộc.
  • Được phát minh để khắc phục hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của chiến sĩ.
  • Là vật dụng yêu thích của Bác Hồ, là đôi dép được Bác sử dụng nhiều nhất bất kể là khi đi gặp nhân dân hay đi công tác.

2. Hình dáng ( đặc điểm cấu tạo)

  • Về hình dáng thì dép cao su có nhiều nét giống như đôi dép bình thường.
  • Dép thường có màu đen hoặc nâu.
  • Thời chiến, đôi dép cao su được chế lại từ lốp xe ô tô bỏ đi. Ngày nay dép cao su vẫn được sử dụng nhưng được cải tiến hơn với chất liệu từ nhựa cây cao su hoặc cao su nhân tạo.
  • Dép có phần đế dày và chắc chắn nhưng đi rất êm. Phía hai bên đế dép được đục khoảng sáu đến tám lỗ tròn nhỏ để quai dép có thể luồn xuyên qua.
  • Dưới đế có những rãnh hình thoi để tránh trơn trượt.
  • Tùy vào từng kiểu dép cao su mà quai dép có dạng to bản hoặc nhỏ hơn. Dép cao su truyền thống có dạng hai quai trước bắt chéo nhau, hai quai sau song song có chiều ngang khoảng 1,5cm. Có loại dép bản to đến 5cm che kín phần mu bàn chân, phía dưới là hai chiếc quai nhỏ hơn ôm sát lấy cổ chân.

3. Công dụng, ý nghĩa

  • Thời chiến dép cao su là vật bất ly thân, đi vào đời sống và chiến đấu của các anh bộ đội.
  • Dép đi nhẹ, ít gây ra tiếng động mạnh làm chú ý quân địch.
  • Chắc không có loại dép nào bền như dép cao su. Đoạn đường hành quân dài hàng trăm cây số, trèo đèo lội suối bao nhiêu quãng không đếm xuể, đôi dép huyền thoại ấy vẫn không mòn, không rách.
  • Không giống như giày nhiều lúc đi sẽ bị bí và nóng lại thấm nước, dép cao su có thể đi dưới trời mưa mà không sợ bị hỏng. Vào mùa hè thì dép cao su tạo cho người đi cảm giác sạch sẽ thoáng mát.
  • Dép cao su là biểu tượng của cả một thời lửa đạn hào hùng. Đó là những năm tháng gian khổ nhưng đoàn kết gắn bó. Đôi dép cao su dưới bước chân của những người lính quả cảm, của những con người thuần hậu chất phác giản dị đã đi vào bao lời ca đẹp, bao vần thơ hay.
  • Ngày nay, dép cao su vẫn được tìm mua bởi những cựu chiến binh ngày xưa không chỉ vì bền mà còn vì những kỷ niệm đẹp và ý nghĩa lịch sử của nó.
  • Dép cao su được thiết kế với nhiều kiểu dáng cũng rất phổ biến với học sinh sinh viên vì giá thành rẻ và tiết kiệm.

4. Cách bảo quản giữ gìn

  • Vì là cao su có tính chất đàn hồi nên dép rất bền và sử dụng được lâu.
  • Cao su có tính chất bắt lửa tốt nên chúng ta cần để dép ở nơi thoáng mát, tránh nơi có nhiệt độ cao.
  • Khi bị bẩn dép có thể rửa sạch lại bằng nước một cách dễ dàng.

III/ Kết bài

  • Nêu cảm nghĩ về đối tượng thuyết minh

Đã trải qua bao nhiêu thập kỉ nhưng dép cao su vẫn là loại dép được ưa chuộng bởi người dân nước ta. Dép cao su gợi về một thời gian khó để con người ngày nay thêm hiểu và trân trọng hòa bình hơn. Dép cao su với ý nghĩa và công dụng của nó sẽ mãi là người bạn thân thiết của con người nước Việt.

Mabt79_ wikihoc.com

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *