Phân tích bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” lớp 8 hay ngắn gọn – Phan Châu Trinh

Hướng dẫn làm bài văn Phân tích bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” lớp 8 hay nhất

Các bài viết về chủ đề Đập đá ở Côn Lôn được quan tâm :

  • Phân tích hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong Đập đá ở Côn Lôn
  • Chứng minh lòng yêu nước qua 2 tác phẩm “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” và “Đập đá ở Côn Lôn” lớp 8
  • Dàn ý chứng minh tinh thần yêu nước trong hai tác phẩm ” Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác ” và ” Đập đá ở Côn Lôn”
  • Soạn bài Đập đá ở Côn Lôn lớp 8

Những năm đầu thế kỉ XX, cùng với Phan Bội Châu, tên tuổi Phan Châu Trinh trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, đồng bào cả nước đều ngưỡng mộ ông. Hình ảnh Phan Tây Hồ, nhà chí sĩ giàu lòng yêu nước, khảng khái sống mãi với non sông, đất nước và trong tâm tưởng của nhân dân Việt Nam. Bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” làm trong thời gian ông bị đày ở đảo Côn Lôn thể hiện khí phách quật cường, một bản lĩnh ngang tầm với dũng sĩ thần thoại. Trong chương trình ngữ văn lớp 8, ta sẽ bắt gặp đề bài Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn. Sau đây là bài làm văn mẫu để giúp các bạn hoàn thành bài tập thật tốt. Để làm bài tập này, chúng ta cần giới thiệu tác giả, tác phẩm sau đó đi vào phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH BÀI THƠ “ĐẬP ĐÁ Ở CÔN LÔN”

 “Đập đá ở Côn Lôn” là một bài thơ viết bằng chữ Nôm, sáng tác vào năm 1908. Lúc đó Phan Châu Trinh bị khép tội xúi giục nhân dân nổi loạn trong phong trào chống thuế ở Trung Kì nên bị đày ra Côn Đảo. Bài thơ bộc lộ cảm xúc của ông trong lúc cùng các tù nhân khác bị bắt lao động khổ sai.

Bốn câu thơ đầu khắc họa dáng vẻ bề ngoài của bức chân dung:

  • “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
  • Lừng lẫy làm cho lở núi non.
  • Xách búa đánh tan năm bảy đống,
  • Ra tay đập bể mấy trăm hòn”

Hai câu đề trực tiếp miêu tả người đập đá, tư thế, địa điểm, sức mạnh của động tác và hiệu quả công việc, thật rõ ràng. Đó là một đấng nam nhi, đứng hiên ngang giữa đất Côn Lôn. Nói tới Côn Lôn, mọi người Việt Nam thuở ấy đều hiểu rằng đây là Côn Đảo, mảnh đất giữa đại dương mênh mông, nơi thực dân Pháp dùng để xây nhà tù, giam cầm, đày đọa giữa đại dương mênh mông, nơi thực dân Pháp dùng để xây nhà tù, giam cầm đày đọa những người yêu nước đứng lên chống lại chúng. Cho nên hình ảnh “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn” dễ dàng làm cho người đọc nghĩ tới một con người hiên ngang, ngạo nghễ giữa ngục tù xiềng xích.

  • “Lừng lẫy làm cho lở núi non”

Câu thơ thứ nhất tính, câu thơ thứ hai chuyển sang nét động. Hình tượng nhân vật hiện lên oai hùng, lẫm liệt như một anh hùng. Ngỡ như vị thần ấy đang xẻ núi, khơi sông để sắp xếp lại núi non, trời đất. Thực tế, Phan Châu Trinh đang phải làm lao dịch khổ sai, đập đá, chuyển đá để làm đường xây nhà…theo sự ép buộc của bọn cai ngục, sự quản thúc của bọn lính ngục. Vậy mà tác giả lại coi như không có gì. Thật là những câu thơ lãng mạn của một bản lĩnh anh hùng vượt lên trên mọi khổ đau của cuộc đời, để khẳng định phong cách làm người, một phong cách sống. Đến hai câu thơ thực, phong cách ấy càng bộc lộ rõ hơn:

  • “Xách búa đánh tan năm bảy đống,
  • Ra tay đập bể mấy trăm hòn”

Hình ảnh đối xứng hài hòa, kết hợp các từ ngữ nôm na vừa chạm khắc chân dung nhân vật, vừa ngân vang thanh âm, nhịp điệu của công việc. Hóa ra đây đâu phải là việc đập đá tầm thường như kẻ địch ép buộc người tù, mà chính là việc biến cải càn khôn, vũ trụ của người dũng sĩ phá tan những gò đống, đập vỡ những tảng, những hòn ngăn cản đường đi. Cặp từ “đánh tan”, đối xứng với “đập bể” vang lên, nghe thật hào hùng. Phóng bút tưởng tượng và dùng suy nghĩ để tự họa chân dung mình, tác giả đã nâng lên miêu tả hình ảnh một con người phi phàm, một anh hùng thần thoại đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng.

Chuyển xuống bốn câu sau, hai câu luận và hai câu kết, nhà thơ chuyển giọng từ miêu tả sang suy nghĩ lắng sâu:

  • “Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
  • Mưa nắng càng bền dạ sắt son”

“Tháng ngày”, “mưa nắng”, những thử thách của thời gian và hoàn cảnh không làm cho người chiến sĩ sờn lòng, nản chí, trái lại, lời thơ khẳng định một quyết tâm vượt qua mọi gian lao, khổ hận để giữ tấm lòng son sất.

Hai câu thơ kết, tác giả bộc lộ trực tiếp tâm tư, tình cảm của “những kẻ vá trời khi lỡ bước”. Nếu nói rằng âm hưởng chủ đạo của bài thơ là khẩu khí anh hùng của một người tuy thất thế nhưng vẫn nuôi mộng lớn dời non lấp bể thì ở hai câu kết ý tưởng đó được thể hiện nổi bật nhất:

  • “Những kẻ vá trời khi lỡ bước
  • Gian nan chi kể việc con con!”

Hình tượng kì vĩ “những kẻ vá trời” làm ta liên tưởng đến bà Nữ Oa trong câu chuyện thần thoại, sức mạnh của Nữ Oa là sức mạnh biến cải cả trời đất, vũ trụ. Khí phách của người anh hùng trong bài thơ được tỏa sáng, tạo nên sức truyền cảm góp phần động viên tinh thần những người yêu nước trong những giờ phút nguy nan nhất.

“Có một đề tài trở đi trở lại như một lời khấn khứa, càng viết nhiều càng hay”. Và phải chăng ấy là tinh thần yêu nước. Cùng cảm hứng ấy, trong mạch nguồn văn học đan tộc, “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Châu Trinh đã kín đáo bộc lộ một niềm yêu nước, qua đó thấy được vẻ đẹp người nam nhi thời xưa. Với những câu thơ thần, hơi thơ hùng, khí thơ tráng, bài thơ như tạc lên giữa dòng thời gian vô thủy vô chung chân dung người chiến sĩ cách mạng thật hiên ngang, kiêu hùng.

Similar Posts

3 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *