Kể về người thân của em lớp 7 – Kể chuyện về bố em, ông em hay

Hướng dẫn làm bài văn mẫu kể về người thân lớp 7 hay nhất bạn đọc có thể tham khảo kể về bố của em và ông nội ngoại của em

Các bài viết về chủ đề Kể về người thân được quan tâm :

  • Dàn ý kể về người thân của em lớp 6

Mỗi người chúng ta khi sinh ra và lớn lên đều được bao bọc, che chở bởi cái nôi gia đình. Gia đình là điểm tựa vững chắc để ta có thể vượt qua những sóng gió, khó khăn của cuộc đời. Là tiếng gọi thân thương, là bến bờ bình yên đón ta trở về sau mỗi bon chen, nhọc nhằn của cuộc sống đời thường. Gia đình và người thân là những điều quan trọng và quý giá nhất mà mỗi người đều phải trân trọng  bởi vì họ chính là những  người sẽ sát cánh đi cùng ta đến cuối cuộc đời, giống như câu tục ngữ người xưa đã nói “ Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Đằng sau những xô bồ, ồn ã khi trở về với vòng tay yêu thương của người thân là lúc chúng ta hạnh phúc nhất. Có lẽ người bố trong gia đình sẽ cho ta một bờ vai vững chắc, ấm áp để dựa vào lúc mỏi mệt. Bài làm văn mẫu dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết cho các bạn bài kể về người thân, khi làm bài các bạn chú ý đưa những từ ngữ thể hiện cảm xúc của mình vào. Chúc các bạn thành công!

BÀI LÀM VĂN MẪU SỐ 1 KỂ VỀ NGƯỜI THÂN CỦA EM LỚP 7 – TẢ BỐ

  • “Cánh cò cõng nắng qua sông
  • Chở luôn nước mắt cay nồng của cha
  • Cha là một dải ngân hà
  • Con là giọt nước sinh ra từ nguồn”.

Mỗi lần đọc những câu thơ trên tôi lại vô cùng xúc động và nghĩ về bố của mình- người đã sinh thành ra tôi, nuôi nấng dạy dỗ tôi lớn khôn đến ngày hôm nay.

Bố của tôi năm nay đã gần năm mươi tuổi nhưng trông bố trẻ hơn tuổi của mình rất nhiều. Bố có khuôn mặt vuông chữ điền với vầng trán cao và đôi mắt sáng ấm áp. Dáng người bố dong dong cao hơi gầy,bố có làn da rám nắng do công việc vất vả. Đôi bàn tay bố hằn lên nhiều vết chai sạn vì lao động cực nhọc nuôi chị em tôi ăn học, nhưng lòng bàn tay bố rất ấm, chính đôi bàn tay ấy đã dắt tôi những bước đi chập chững đầu tiên trong đời. Tôi thương lắm đôi bàn tay đã vụng về tết những bím tóc cho tôi khi mẹ vắng nhà. Mái tóc của bố đã điểm vài sợi bạc do thời gian và những vất vả của cuộc sống mưu sinh đời thường. Bố của tôi làm nghề thợ mộc nên đôi bàn tay bố to với những vết sần do thường xuyên phải tiếp xúc với gỗ, nhưng bố lại rất khéo léo trạm khắc ra những đồ thủ công tinh xảo, ở làng tôi thường thấy các ông các bác khen bố là người thợ mộc có tiếng. Với ba chị em tôi bố không chỉ là người đã sinh thành và nuôi nấng chúng tôi nên người mà bố còn giống như một người thầy, người bạn vậy. Bố thường dạy cho chúng tôi những điều hay lẽ phải trong cuộc sống và bài học mà tôi nhớ nhất khi được bố dạy từ bé đó là làm người thì phải luôn sống trung thực, khiêm nhường và biết giúp đỡ mọi người. Mặc dù làm nghề thợ mộc nhưng bố lại có sở thích đọc sách báo và tìm hiểu về lịch sử. Tôi vẫn còn nhớ như in những buổi tối mùa hạ trăng sáng ba chị em tôi lại trải chiếu ra sân háo hức ngồi nghe bố kể những câu chuyện lịch sử về vua Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán trên dòng sông Bạch Đằng, về người anh hùng áo vải Quang Trung- Nguyễn Huệ, rồi những câu chuyện về cuộc đời nàng Kiều trong thơ cụ Nguyễn Du đã gắn liền với tuổi thơ của tôi. Chính nhờ bố mà càng lớn lên tôi lại càng ham đọc sách và nó cũng đã trở thành một sở thích của tôi cho đến bây giờ. Bố thường bảo chị em tôi rằng “ Sách là tri thức quý giá nhất của con người các con ạ, có đọc sách thì mới mở mang được đầu óc và kiến thức ”. Mỗi lúc rảnh rỗi bố thường sang hàng xóm chơi, ai có việc gì bố đều không nề hà giúp đỡ rất nhiệt tình như sửa ống nước cho cụ Tư cạnh nhà, vá xe đạp giúp bác Tám, chính vì vậy bà con chòm xóm ai ai cũng yêu mến bố. Chưa bao giờ tôi thấy bố nặng lời với ai bao giờ cả, lúc nào bố cũng rất nhỏ nhẹ, từ tốn. Có những lần tôi ham chơi về nhà muộn bị mẹ mắng bố đều bênh vực nói đỡ cho tôi nhưng sau đấy lúc nào bố cũng gọi riêng tôi ra một chỗ nhẹ nhàng chỉ cho tôi những lỗi sai và khuyên dạy tôi từ sau không được tái phạm nữa. Mỗi lần được điểm cao ở trường tôi thường ríu rít mang về khoe bố, lúc đó trông bố vui lắm, bố nhìn tôi bằng ánh mắt lấp lánh hạnh phúc, mỉm cười xoa đầu tôi rồi trìu mến bảo “ Con gái của bố giỏi quá!”. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày tôi vào lớp một, mẹ có việc bận về thăm bà ngoại nên bố đã dẫn tôi đi nhận lớp, lúc tôi bước vào lớp ngoái đầu lại bố vẫn đứng đó nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến xen lẫn niềm tự hào và khích lệ, chính ánh mắt đó đã là niềm động lực cho tôi trong những năm tháng cắp sách đến trường.

Mặc dù bố thường không hay thể hiện ra nhưng tôi biết tình yêu thương mà bố dành cho tôi là bao la, to lớn nhường nào, tôi chỉ biết cố gắng học hành thật giỏi để đền đáp được phần nào công ơn sinh thành, dưỡng dục của bố. Tôi yêu bố rất nhiều!

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 KỂ VỀ NGƯỜI THÂN CỦA EM – TẢ ÔNG

-Hương ơi, đâu rồi? Ra đây xem con sâu to chưa này!

Nghe tiếng gọi, tôi bật dậy từ trong nhà phóng ra ngoài vườn. Tiếng ông tôi đấy- người ông tôi thương yêu nhất trên đời.

Ông bà chuyển đến sống cùng với gia đình tôi từ khi tôi còn nhỏ xíu. Tuổi thơ của tôi từ lâu đã gắn bó với ông, như một phần kí ức không thể thiếu.

Tôi luôn tự hào về ông mình là một cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mĩ. Ông mang đúng dáng vẻ của một trung đội trưởng lãnh đạo mọi người. Ông tôi có dáng người cao lớn. Chỉ có mái tóc đã bạc trắng mới nói lên ông đã bảy mươi tuổi, chứ trông ông vẫn còn khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Mọi việc sửa chữa, bê vác trong nhà, không cần đến bố tôi, ông cũng có thể làm được hết. Những thanh gỗ nặng, cồng kềnh vác trên vai ông bỗng nhẹ tênh. Ông còn vừa đi vừa cười khà khà rất tự đắc.

Vết sẹo trên chân ông trong một lần rơi vào vòng vây của địch đen, dài và thỉnh thoảng lại phồng lên, nhức nhói khi trái gió trở trời. Nhưng ông lại tự hào về vết sẹo đó ghê gớm. Những buổi trưa gió mát, trên chiếc chõng tre, gối đầu lên đùi ông, nghiêng mặt về phía vết sẹo, tôi nghe ông kể về những năm tháng hào hùng và anh dũng của thời tôi chưa ra đời cái thời mà ông bảo là “vàng son một đi không trở lại”. Giọng ông hơi trầm, giọng hào hùng của đúng thời cả đất nước chung một niềm vui, một lí tưởng. Theo làn gió, những tưởng tượng của tôi về những ngày ấy cứ mở ra. Ông kể rất nhiều, có những khi toàn những chuyện lặp lại nhưng ông vẫn kể rất say sưa. Lúc ấy, tôi chỉ lặng yên, ngồi ngắm những vết nhăn, vết chân chim đã hằn sâu trên khuôn mặt nhuộm đầy nắng gió, vất vả và có khi là cả sương máu nữa.

Giã từ cuộc chiến, về với cuộc sống hòa bình nhưng ông vẫn giữ những thói quen và kỉ luật của một người lính Cụ Hồ. Một ngày của ông bắt đầu từ 5 giờ sáng, với thú pha trà và chăm sóc cây. Ngồi nhìn ông từ tốn đổ nước, pha rồi nhâm nhi li trà, đôi mắt hướng ra ngoài xa xăm, tôi lại nghĩ đến những vị tiên ông ở trên trời, cũng ung dung và tự tại như thế. Những lúc rảnh rỗi, tôi lại cùng ông ra vườn để chăm sóc cây và bắt sâu. Có lẽ trong những đứa cháu, ông quý tôi nhất vì chỉ có tôi mới chịu ra vườn, ngắm cây với ông. Ông chỉ tôi cách tỉa lá, cách xem bệnh cho cây và cả cách bắt sâu nữa. Tôi thường “vạch lá tìm sâu” để thể hiện chiến tích của mình. Nhưng thường là không thấy gì cả. Ông thường cười:

-Người ta trồng cây mong không sâu, không bệnh. Đây lại có người muốn có sâu mà bắt.

Thường ngày ông rất vui tính và hiền từ, nhưng khi nói đến chuyện nề nếp, nhất là chuyện trung thực và cách ứng xử trong cuộc sống ông lại rất nghiêm túc. Ông dạy chúng tôi về những hạt gạo, những đồ đạc và từng giây phút yên bình trong thực tại này đều là mồ hôi xương máu của biết bao nhiêu con người. Ông bảo: “Chuyện gì cũng có thể tha thứ, duy về sự dối trá, không trung thực là không thể chấp nhận được”. Dối trá và lừa lọc, dù là những điều nhỏ nhặt nhất cũng không được phép, vì nó sẽ là con sâu, gặm nhấm dần những điều tốt đẹp trong mỗi con người. Hồi nhỏ tôi hay quậy phá, có lần làm bể bình hoa hay gãy cành cây quý của ông, tôi đã định nói dối để chối tội. Nhưng nhìn ánh mắt của ông và những lời ông dạy, tôi lại không thể mở lời nói dối. Và chẳng lần nào ông trách mắng tôi cả. Vì biết lỗi mà nhận, biết sai mà đối mặt con người không bao giờ xấu và chẳng có gì phải trách, giận.

-Người biết thành thật với người khác, với chính bản thân mình mới thực sự là con người đúng nghĩa.

Câu nói của ông vẫn còn văng vẳng trong tâm trí tôi, mà giờ ông đã đi xa mãi… Những ngày tháng bên ông, những câu chuyện và lời dạy của ông, mãi mãi là những kỉ niệm đẹp, là một phần của cuộc đời tôi.

Similar Posts

4 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *