Dàn ý Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên

Vũ Đình Liên với “Ông đồ” là tác giả, tác phẩm quen thuộc với bao màu áo trắng. Hình ảnh ông đồ trong bài thơ là một hình ảnh có dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc. Dưới đây là dàn ý chi tiết mà wikihoc xin giới thiệu với các bạn cho đề bài “Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên”

Các bài viết về chủ đề hình ảnh ông đồ được quan tâm :

  • Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên lớp 8

Vũ Đình Liên là cây bút thơ quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh. Được biết đến như ngọn cờ đầu của Thơ mới Việt Nam, những tác phẩm của Vũ Đình Liên đã ghi dấu ấn đậm nét với bạn đọc, góp phần đổi mới nền thơ ca dân tộc lúc bấy giờ. Cái tên Vũ Đình Liên đi liền với “Lũy tre xanh”, “Người đàn bà điên ga Lưu Xá”,…, nhưng được nhắc đến nhiều hơn cả chính là “Ông đồ”. Bài thơ mang nặng nỗi đau hoài cổ về một nét đẹp truyền thống bị mai một: cho chữ ngày tết. Hình ảnh ông đồ hiện lên như trung tâm của bài thơ, được miêu tả trong mối tương quan so sánh đối lập giữa xưa và nay. Đây là bài thơ nằm trong chương trình giáo dục lớp 8, và các bạn có thể dễ dàng bắt gặp đề bài “Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên”. Để làm được đề bài này, trước hết các bạn cần đảm bảo bố cục ba phần gồm mở bài, thân bài và kết bài. Khi khai triển thân bàu, các bạn cần chia ra hai ý tương ứng với hình ảnh ông đồ trong quá khứ và hiện tại, cần thêm một phần đánh giá mở rông trước khi đi đến phần kết. Nếu cảm thấy khó khăn thì dàn ý dưới đây là một lựa chọn để bạn tham khảo. Chúc các bạn thành công !

DÀN Ý LỚP 8: PHÂN TÍCH HÌNH ẢNH ÔNG ĐỒ TRONG BÀI THƠ CÙNG TÊN CỦA VŨ ĐÌNH LIÊN

I.Mở bài

  • Giới thiệu đối tượng cần phân tích.

Vũ Đình Liên là nhà thơ mở đường cho phong trào Thơ mới của dòng văn học dân tộc. Các sáng tác của ông đã góp phần làm mới nền thơ ca đương thời, mà “Ông đồ” là nét bút tiêu biểu xuất sắc nhất. Ông đồ là hình ảnh trung tâm của bài thơ, là hình ảnh khiến ta thực sự phải suy ngẫm về sự thay đổi của lòng người trước nét đẹp truyền thống của dân tộc.

II.Thân bài

1. Hình ảnh ông đồ thời hoàng kim của Nho giáo

Phân tích hai khổ thơ đầu

a. Khổ 1:

  • “Mỗi năm hoa đào nở                                                                                                          Lại thấy ông đồ già                                                                                                    Bày mực Tàu, giấy đỏ                                                                                                          Bên phố đông người qua”
  • Thời gian: Tết đến xuân về, khi “hoa đào nở”.
  • Không gian: với “mực tàu”, “giấy đỏ”, “bên phố đông người qua”.
  • Ông đồ cùng hoa đào xuất hiện như cặp hình ảnh báo hiệu tiết xuân của đất trời, báo hiệu một năm mới lại bắt đầu.
  • Cặp từ “Mỗi năm…lại…” thể hiện sự xuất hiện của ông đồ vào mỗi dịp xuân đến đã trở nên quen thuộc, như một nhịp sống không thể thiếu mỗi khi sắc đào hồng khoe sắc trên cành xanh. Ông đồ với mực tàu và giấy đỏ giữa dòng người đông đúc nới phố xá ngày xuân đã in đậm như một thói quen khi Tết đến, đã thành thường lệ của dịp xuân sang.

b.Khổ 2:

  • “Bao nhiêu người thuê viết                                                                                            Tấm tắc ngợi khen tài:                                                                                                  “Hoa tay thảo những nét                                                                                                       Như phượng múa, rồng bay””
  • Ông đồ xuất hiện trong không gian ngày Tết như trung tâm của phố xá đi du xuân.
  • Nghệ thuật so sánh trong hai câu thơ cuối khổ đã cho thấy tài nghệ của ông đồ. Đó là nghệ thuật viết chữ_nét đẹp văn hóa dân gian của Việt Nam phát triển rực rỡ khi Nho giáo vẫn còn hưng thịnh.
  • “Như phượng múa rồng bay”: nét chữ phóng khoáng, bay bổng, thể hiện một nét đẹp cao quý.
  • Lời ngợi ca cho thấy sự tôn trọng của tác giả đối với ông đồ_người lưu truyền nét đẹp cổ truyền của dân tộc, đồng thời cũng thể hiện ý thức giữ gìn giá trị truyền thống ấy của Vũ Đình Liên.

2. Hình ảnh ông đồ thời kì suy tàn

Phân tích ba khổ thơ cuối.

a. Khổ 3:

  • “Nhưng mỗi năm mỗi vắng                                                                                          Người thuê viết nay đâu?                                                                                                    Giấy đỏ buồn không thắm                                                                                                    Mực đọng trong nghiên sầu…”
  • Không gian: đìu hiu, vắng vẻ.
  • Cụm từ “mỗi năm một vắng” không chỉ thể hiện khung cảnh hiu quạnh mà còn thể hiện sự suy tàn dần của nét đẹp truyền thống. Theo thời gian, truyền thống cho chữ ngày xuân ngày càng bị quên lãng, bị phai nhạt dần.
  • Câu hỏi tu từ “Người thuê viết nay đâu?” là nỗi lòng đầy xót xa của tác giả trước sự mai một của nét văn hóa cổ truyền, về sự thay đổi của lòng người.
  • Giấy “không buồn thắm”, mực “đọng trong nghiên sầu”: hình ảnh đượm nỗi buồn làm cho không gian ngày xuân của ông đồ trở nên đìu hiu và quạnh quẽ, nỗi buồn của một người, của một nét đẹp bị lãng quên

b. Khổ 4:

  • “Ông đồ vẫn ngồi đấy                                                                                                     Qua đường không ai hay                                                                                                 Lá vàng rơi trên giấy                                                                                                   Ngoài trời mưa bụi bay”
  • Hình ảnh “lá vàng rơi” mang đượm nét buồn của tiết trời khô héo, gợi lên không goan ảm đạm, lạnh lẽo.
  • Ông đồ, vẫn giữa dòng phố xá du xuân, nhưng lạc lõng, đơn độc như một cái bóng vô hình. Không ai để ý và cũng chẳng ai hay có một ông đồ với mực tàu và giấy đỏ như thế.
  • Dường như ta thấy một ông đồ: buồn bã, chán nản như một khối sầu thảm giữa cái rộng ràng của phố phường ngày xuân.

c. Khổ 5:

  • “Năm nay đào lại nở

           Không thấy ông đồ xưa

           Những người muôn năm cũ

           Hồn ở đâu bây giờ?”

  • Mỗi năm một vắng, nay đã thành “không thấy ông đồ xưa”. Không gian xuân trước kia là ông đồ và hoa đào, nay chỉ còn lại sắc hồng của đào xuân mà không thấy nét chữ của ông đồ.
  • Hai chữ “ông đồ” nay đã đi kèm thêm chữ “xưa”, nó gợi lên một cái gì đó cũ kĩ, như là lỗi thời lạc hậu, một điều gì đó chỉ còn là dĩ vãng.
  • Hai câu thơ cuối là tiếng nói của tác giả trước sự xuống dốc của nét đẹp truyền thống và sự thay đổi của lòng người. Câu hỏi tu từ như xoáy sâu vào lòng người đọc và sự mai một truyền thống dân tộc, khiến lòng người day dứt mà ăn năn.

3. Đánh giá, mở rộng vấn đề

  • Nghệ thuật khắc họa hình tượng: Ông đồ được đặt trong mối liên hệ so sánh giữa xưa và nay. Xưa-nay đối lập cũng như ông đồ ngày càng bị quên lãng. Tác giả đã khéo léo sử dụng những hình ảnh để gợi lên không gian và thời gian.
  • Hình ảnh ông đồ là biểu tượng cho sự mai một của giá trị văn hóa cổ truyền. Ông đồ bị bỏ rơi giữa dòng người tấp nập cũng là hình ảnh của nét đẹp truyền thống bị phai mờ giữa dòng sống hiện đại. Có lẽ là lòng người đã đổi thay, có lẽ bởi lòng người không còn mặn mà với những điều mà họ cho là xưa là cũ nữa.
  • Ta thấy được tấm lòng của nhà văn, lòng ngợi ca và tôn trọng văn hóa truyền thống, một lòng muốn gìn giữ mà không biết làm sao để níu kéo lòng người, chỉ có thể mượn đến thơ mà nói, mượn thơ mà giãi bày.
  • Qua đó, tác giả cũng đặt ra một hiện trạng xã hội đang dần quên lãng nét đẹp dân gian truyền thống của dân tộc, đặt ra vấn đề cấp thiết cho xã hội là cần thay đổi thái độ và cách ứng xử với nét văn hóa cổ truyền.

III.Kết bài

  • Nêu cảm nhận của bản thân.

Hình ảnh ông đồ trong bài thơ khiến lòng người thực sự phải day dứt. Từng lời thơ, từng nét chữ khiến ta thấy hổ thẹn với truyền thống dân tộc, thấy thương những nghiên mực giấy đỏ, thấy chính mình phải có trách nhiệm với nét đẹp văn hóa cổ truyền ấy.

QP – wikihoc.com

Similar Posts

2 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *