Giải thích câu tục ngữ “Học học nữa học mãi” – BÀI VIẾT SỐ 6 LỚP 7 ĐỀ 5

Hướng dẫn làm Bài viết số 6 lớp 7 đề 5: Giải thích “Học học nữa học mãi ” hay và đầy đủ nhất

Các bài viết liên quan tới chủ đề Bài viết số 6 lớp 7, Học học nữa học mãi đáng chú ý:

  • Bài viết số 6 lớp 7 đề 2: Giải thích Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng
  • Dàn ý Bài viết số 6 lớp 7 đề 5: Giải thích “học, học nữa, học mãi”
  • Dàn ý Bài viết số 6 lớp 7 đề 4: Giá trị, ý nghĩa của lời nói trong cuộc sống
  • Bài viết số 6 lớp 9 đề 1: Suy nghĩ của em về tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ

Trong cuộc sống này, tất cả mọi thứ đều phải thông qua sự ham mê, tìm hiểu, nhận thức thì nó mới trở thành một định lí, một khái niệm hay nói một cách khác là kiến thức. Từ xưa đến nay, con người qua lao động sản xuất đã tiếp nhận được bao nhiêu điều thú vị trên thế giới. Đó cũng là một cách tích luỹ kiến thức. Chẳng những vậy, những kiến thức được lưu truyền từ đời này sang đời khác bằng rất nhiều hình thức như truyền miệng hay sách vở v.v… Vai trò của việc học tập đã được khẳng định từ xa xưa. Chính vì vậy, Lê-nin, một vị lãnh tụ vĩ đại đã có một câu nói rất nổi tiếng. Đó chính là :”Học, học nữa, học mãi”. Khi làm bài văn nghị luận về câu nói này, cần giải thích được ý nghĩa của câu nói, chứng minh bằng cách đưa ra lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục. Phần cuối nên mở rộng và lật ngược vấn đề để bài văn thêm sâu. Hy vọng bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các bạn hoàn thành bài tập thật tốt.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 BÀI VIẾT SỐ 6 LỚP 7 ĐỀ 5 GIẢI THÍCH “HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI”.

Xã hội ngày càng phát triển thì việc học càng có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc sống và tương lai của mỗi con người. Vì thế Lê-nin đã khuyên rằng: “Học, học nữa, học mãi”

Thật vậy, việc học rất quan trọng đối với mỗi con người. Vậy “học” là gì? Học là quá trình tiếp thu kiến thức, tìm hiểu, lĩnh hội tri thức thông qua việc học tập ở trường và ngoài xã hội. Việc học ở đây không chỉ diễn ra ở trường mà ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được sống trong vòng tay chăm sóc của ba mẹ, được học ăn học nói, học cách cư xử. Khi đến trường ta được học kiến thức một cách toàn diện dưới sự giảng dạy của thầy cô giáo. Ngoài ra chúng ta còn học ở mọi nơi, học ở bạn bè học ở ngoài xã hội, học đi đôi với hành để vận dụng những kiến thức đã học vào đời sống. “Học nữa” là quá trình học tiếp nối từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Những người ham học thường không bao giờ thoả mãn với chính mình, luôn muốn học thêm nữa để nâng cao tầm hiểu biết. Học một cách toàn diện để đáp ứng nhu cầu của xã hội. “Học mãi” nghĩa là luôn luôn học tập, rèn luyện không ngừng để nâng cao tầm hiểu biết về mọi mặt. Như vậy chúng ta phải học tập mọi lúc mọi nơi, mọi lứa tuổi để có vốn hiểu biết sâu rộng, nâng cao chất lượng công việc sau này. Lời dạy của Lê-nin gồm ba vế, ba lần nhắc lại từ “học” để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học. Từ đó động viên, khuyến khích tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ hãy tích cực học tập để cống hiến cho đất nước.

Vậy vì sao Lê-nin lại dạy “Học, học nữa, học mãi”. Trước hết, học vì chính bản thân mình. Nếu không học tập, chúng ta sẽ không có kiến thức, không có sự hiểu biết để vận dụng vào cuộc sống sau này. Nếu không học, chúng ta sẽ không thể tìm được những công việc mà mình mong muốn. Có học tốt, chúng ta mới có được công việc tốt, nuôi sống được bản thân, nuôi dưỡng gia đình và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Nghĩa là học tập trang bị cho chúng ta đầy đủ hành trang để bước vào đời một cách vững vàng và tự tin nhất. Kiến thức của loài người là vô tận. Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, từng ngày từng giờ sẽ có thêm những phát minh tìm tòi sáng tạo mới. Nếu không học, chúng ta sẽ không theo kịp sự phát triển của xã hội. Chúng ta sẽ trở thành những người lạc hậu, tụt lùi so với xã hội. Hơn nữa, hiếu học là một truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của ông cha ta truyền lại cho con cháu. Mỗi chúng ta cần giữ gìn và phát huy truyền thống đó, nhất là thế hệ trẻ.

Thực tế đã cho thấy câu nói của Lê-nin là hoàn toàn đúng đắn. Là giám đốc của một công ty lớn cần học tập, học để điều hành công ty, học để tìm kiếm thị trường, học để nâng cao năng suất hiệu quả công việc. Học cũng là để đưa công ty ngày một phát triển hơn. Người nông dân cũng cần phải học, học để biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gieo trồng để đạt năng suất cao. Họ học để biết cách sử dụng máy móc kĩ thuật, hiện đại để cho ra được những sản phẩm có chất lượng, có năng suất cao.

Để thực hiện tốt lời dạy của Lê-nin, mỗi chúng ta cần tìm niềm say mê, hứng thú trong học tập và luôn sáng tạo trong công việc để đạt kết quả tốt hơn. Không những thế, chúng ta phải có nghị lực và tinh thần quyết tâm trong học tập, phải học ở mọi lúc, mọi nơi, ở nhà, ở trường để trở thành con người có cả tài lẫn đức để bước vào tương lai. Phải học lý thuyết đi đôi với thực hành, học toàn diện thì việc học mới thật sự có ý nghĩa. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay vẫn còn có những người không chú tâm vào học hành, không có ý chí phấn đấu trong học tập. Họ sẽ bị xã hội đào thải khỏi vòng xoáy phát triển, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Câu nói của Lê-nin là hoàn toàn đúng đắn. Mỗi chúng ta cần tích cực học tập vì học tập chính là con đường quyết định tương mai của mỗi chúng ta. Là một học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước, thì việc học tập càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nó góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 GIẢI THÍCH “HỌC, HỌC NỮA, HỌC MÃI”.

Chúng ta đều đã biết, con người có thể phát triển đến ngày hôm nay chính nhờ trí tuệ vượt bậc. Để có được trí tuệ ấy, chúng ta đã phải làm gì? Theo tôi, câu nói của Lênin chính là câu trả lời cho điều kì diệu ấy: Học, học nữa, học mãi.

Học là gì? Đó là hành động tiếp thu kiến thức từ thầy cô, bạn bè, cha mẹ, từ thế giới xung quanh. Mỗi khi ta biết thêm một điều gì mới mẻ, tức là chúng ta đã học được điều gì đó. “Học nữa” tức là, học một cách không ngừng nghỉ, dù đã biết rồi nhưng vẫn ham học hỏi. Còn “học mãi” là học cho đến cuối đời. Việc học không chỉ dừng lại ở mười hai năm trường lớp hay bốn năm đại học, nó đi theo ta suốt cả cuộc đời. Không chỉ học trong sách vở mà học ngay từ chính những điều xung quanh ta. Bởi vậy, câu nói của Lênin vừa như một lời thuyết giáo, lại vừa thúc giục chúng ta hãy học, học nữa, học mãi.
Vậy vì sao chúng ta nên học, học nữa, học mãi?

Trước hết, bởi vì kiến thức là biển trời mênh mông vô hạn. Càng học, chúng ta càng thấy rằng mình chỉ là một hạt cát trên sa mạc. Kiến thức mà ta học được chưa bao giờ là đủ. Càng đi ra ngoài, ta càng thấy rằng có rất nhiều điều để học. Ai cũng có thể là người thầy của ta. Một em bé dạy chúng ta về tính trung thực, một chú chó lại có thể dạy mình về tình yêu thương đồng loại,… chỉ cần mang một tâm thế sẵn sàng, ta có thể đón nhận được muôn vàn kiến thức. Bởi thế mà quá trình học diễn ra không ngừng, nó là “nữa” và “mãi”.

“Học, học nữa, học mãi” vì xã hội giờ đây ngày càng phát triển, cuộc cách mạng 4.0 đã làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta ngày nay. Và trong thế giới phẳng ấy, người ta đòi hỏi cao ở con người kiến thức và kĩ năng. Chỉ những người có tài năng thật sự mới có thể tồn tại trong xã hội ấy. Con đường duy nhất để không bị đẩy khỏi guồng quay của xã hội chính là học. Học nữa để bồi đắp cho trí tuệ và tâm hồn mình, học mãi để không bao giờ trở nên lạc hậu. Hãy thử tưởng tượng các bạn là những con người nghèo nàn về kiến thức, lại thiếu những kĩ năng cơ bản, các bạn có thể tồn tại được không?
Vậy học ở đâu mới là hiệu quả nhất? Giờ đây, khi công nghệ ngày càng phát triển, chúng ta có thêm nhiều nguồn tư liệu phong phú để học tập. Học trên sách vở, học ở internet, học ở thầy cô và học ở cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta có biết chắt lọc những gì tốt đẹp nhất để học hay không. Mỗi người phải biết mình cần gì, để tránh xa những dụ dỗ lôi kéo. Có như vậy, quá trình học mới thực sự hiệu quả và đạt được mục đích của nó.

Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta còn đang được tiếp xúc với những kiến thức căn bản nhất. Quá trình học tập sẽ còn nhiều gian lao vất vả, khi trải qua rồi mới hái được trái ngọt. Chúng ta cần học nhiều trong sách vở, vì đó là nguồn tư liệu phong phú, cũng học cả ở thầy cô và bạn bè, vì họ luôn để lại cho ta những bài học quý giá. Hãy hiểu rằng, tương lai của đất nước phụ thuộc vào chúng ta.

Khi các thế hệ đi trước đã để lại những kinh nghiệm, điều ấy có lẽ sẽ không thể sai. Khi loài người còn tồn tại, quá trình học sẽ không bao giờ chấm dứt. Hãy là một con người văn minh và học thức, để sau này có thể làm đẹp cho cuộc đời.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *