Cảm nghĩ về bài “Sông núi nước Nam” lớp 7 hay nhất đầy đủ

Hướng dẫn làm bài văn cảm nghĩ về bài “Sông núi nước Nam” đầy đủ và hay nhất. Yêu nước và tự hào dân tộc là một trong những tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi người dân Việt Nam. Tình cảm ấy thấm đẫm trong tâm hồn dân tộc và dạt dào lai láng trên những trang thơ văn. Nam quốc sơn hà (Sông núi nước Nam) là một áng thơ như thế!

Các bài viết về chủ đề Sông núi nước Nam được quan tâm :

  • Soạn bài Sông núi nước Nam lớp 7
  • Soạn bài Sông núi nước Nam ngắn gọn lớp 7

Sông núi nước Nam không phải là sáng tác duy nhất thời Lí -Trần khơi nguồn từ cảm xúc về đất nước, về dân tộc. Gắn bó với một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt – thời đại hào hùng đấu tranh chống ngoại xâm, dường như đất nước và dân tộc là mối quan tâm hàng đầu của các nhà văn, nhà thơ. Và do đó, tình cảm yêu nước và tự hào dân tộc đã trở thành cảm hứng chủ đạo cho các sáng tác văn chương thời kì này. Ra đời trong máu lửa của cuộc kháng chiến chống Tống, Sông núi nước Nam là tuyên ngôn của Đại Việt về độc lập, chủ quyền đất nước. Đây là tuyên ngôn của hàng triệu trái tim Đại Việt nồng nàn, thiết tha yêu nước mình. Trong chương trình ngữ văn lớp 7, ta sẽ bắt gặp đề bài Cảm nghĩ bài thơ “Sông núi nước Nam”. Khi làm bài văn này cần chia bài thơ thành hai phần để cảm nhận, chỉ ra lòng yêu nước, ý chí quyết chiến để bảo vệ dân tộc. Hy vọng hai bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các bạn hoàn thành bài tập thật tốt.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 CẢM NGHĨ BÀI THƠ “SÔNG NÚI NƯỚC NAM”

Lý Thường Kiệt là một vị tướng thời nhà Lý. Ông được vua Lý Nhân Tông sai đem quân đi đánh quân Tống ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Bài thơ “Sông núi nước Nam” được ra đời vào hoàn cảnh đó. Bài thơ khẳng định chủ quyền về lãnh thổ của đất nước và nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ thù xâm lược.

Có nhiều lời kể về sự ra đời của bài thơ, trong đó có truyền thuyết: Năm 1077, quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược nước ta. Vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt đem quân chặn giặc ở phòng tuyến sông Như Nguyệt (một khúc của sông Cầu, nay thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Bỗng một đêm, quân sĩ nghe từ trong đền thờ hai anh em Trương Hống và Trương Hát – hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục, được tôn là thần sông Như Nguyệt – có tiếng ngâm bài thơ này. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt.

Mở đầu bài thơ, tác giả Lí Thường Kiệt đã khẳng định một cách chắc chắn, mạnh mẽ về vấn đề chủ quyền, ranh giới lãnh thổ của dân tộc Đại Việt, đó là ranh giới đã được định sẵn, là nơi sinh sống của người dân Đại Việt. Lời khẳng định này không phải chỉ là lời khẳng định của tác giả, mà tác giả còn đưa ra những luận chứng sắc sảo, đó là bởi “sách trời” quy định. Tức sự độc lập, chủ quyền về lãnh thổ ấy được trời đất quy định, chứng giám. Một sự thật hiển nhiên mà không một ai có thể chối cãi được:

  • “Sông núi nước Nam vua Nam ở
  • Rành rành định phận ở sách trời”

Tác giả không dùng từ “Nam Vương” mà dùng từ “Nam Đế”. Trong quan niệm của những kẻ thống trị phong kiến phương Bắc, thì chỉ có vua của họ mới được phép xưng là “đế”. Họ tự cho mình là “thiên tử” (con trời), hơn tất cả các vị vua ở các xứ sở khác. Dùng chữ “Nam đế”, tác giả Nam quốc sơn hà biểu hiện một niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Đằng sau câu thơ, ta như nghe được một tiếng nói mạnh mẽ, kiêu hãnh: Phương Nam ta cũng có đế, bình đẳng, ngang hàng với phương Bắc, không kẻ nào được phép coi thường. “Rành rành định phận ở sách trời” có nghĩa vùng lãnh thổ ấy, chủ quyền ấy của người Nam đã được sách trời ghi chép rõ ràng, dù có muốn cũng không thể chối cãi, phủ định. Như vậy, ở hai câu thơ đầu, tác giả không chỉ đưa ra luận điểm là lời khẳng định hào sảng, chắc chắn về vùng lãnh thổ, ranh giới quốc gia và chủ quyền mà tác giả còn rất tỉnh táo, sắc sảo khi đưa ra những luận cứ đúng đắn, giàu sức thuyết phục không một kẻ nào, một thế lực nào có thể phủ định, bác bỏ được nó. Giọng văn hào hùng, mạnh mẽ nhưng không giấu được niềm tự hào của bản thân Lí Thường Kiệt về chủ quyền của dân tộc mình.

Tiếp sau lời khẳng định hùng hồn, đanh thép, tác giả đã mạnh mẽ đe dọa kẻ thù. Đó chính là cái kết cục đầy bi thảm mà chúng sẽ phải đón nhận nếu biết nhưng vẫn cố tình thực hiện hành động xâm lăng lãnh thổ, gây đau khổ cho nhân dân Đại Việt:

  • “Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
  • Chúng bay sẽ bị đánh cho tơi bời”

Câu thơ thứ ba lên án hành động phi nghĩa, phản thiên nghịch địa của quân Tống, tố cáo, vạch trần chuyện xâm lược nước ta, biến nước ta thành quận huyện của Trung Quốc. Câu thơ thứ tư mang hình thức là một câu khẳng định hoàn toàn có cơ sở bởi tác giả đã chỉ ra một chân lý: những kẻ làm trái ngược với ý trời nhất định sẽ phải chuốc lấy thất bại thảm hại.

Bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, giọng thơ dõng dạc, đanh thép, “Sông núi nước Nam” là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên khẳng định chủ quyền và lãnh thổ, nêu cao ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền trước mọi kẻ thù xâm lược.

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 CẢM NGHĨ BÀI THƠ “ SÔNG NÚI NƯỚC NAM” LỚP 7

Lý Thường Kiệt, người con vĩ đại của Thăng Long nghìn năm văn vật, tác giả của bài “ Sông núi nước Nam” bất hủ. Năm 1076, vua nhà Tống sai tướng Quách Quỳ mang đại binh sang xâm chiếm nước Đại Việt, Lý Thường Kiệt lập chiến tuyến Sông Cầu- Như Nguyệt. Trong những giờ phút giao tranh ác liệt ấy, ông viết bài thơ “ Sông núi nước Nam” như để khích lệ động viên tướng sĩ quyết chiến quyết thắng giặc Tống. Bài thơ cũng là niềm tự hào về chủ quyền của dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường của nhân dân ta.

“Sông núi nước Nam vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?

Chúng bay nhất định phải tan vỡ.”

Ý tưởng bảo vệ độc lập, kiên quyết chống giặc ngoại xâm được diễn đạt trực tiếp qua một mạch lập luận khá chặt chẽ và biện chứng. Mở đầu bài thơ là lời tuyên bố đanh thép về chủ quyền đất nước:

“ Nam quốc sơn hà Nam đế cư.”

Câu thơ 7 tiếng tạo thành hai vế đối xứng nhau nhịp nhàng: Nam quốc sơn hà – Nam đế cư. Theo quan điểm phù hợp với lịch sử lúc bấy giờ, thì vua là tượng trưng cho quyền lực tối cao, tối thượng, đại diện cho quyền lực của cả một cộng đồng dân tộc.Ý nghĩa câu thơ không dừng lại ở đó. Tác giả xưng danh là nước Nam với chủ ý gạt bỏ thái độ khinh miệt coi nước ta là quận huyện vẫn tồn tịa trong đầu óc lũ cướp nước bấy lâu nay. Đặt nước mình (Nam quốc) ngang hàng với (Bắc quốc). Xưng vua Nam “ Nam đế” cũng là bác bỏ thái độ ngông nghênh của bọn vua chúa phương Bắc hay tự xưng là thiên tử,  coi thường vua các nước chư hầu gọi họ là vương. Các từ nước Nam, vua Nam vang lên đầy kiêu hãnh, thể hiện thái độ tự hào, tự tôn cùng tư thế hiên ngang làm chủ đất nước của dân tộc Việt. Đó không phải là lời nói suông. Chiến dịch tấn công ào ạt của quân ta vào căn cứ của quân cướp nước mấy tháng trước đó là một bằng chứng hùng hồn. Do đó, chân lí nói trên càng có cơ sở thực tế vững chắc. Mọi niềm tin đều cho ta những sức mạnh.

Hai câu thơ tiếp theo giọng thơ vang lên sang sảng, căm giận. Lý Thường Kiệt lên án nghiêm khắc hành động ăn cướp trắng trợn của giặc Tống. Chúng đã mang quân sang chiếm đóng nước ta. Câu hỏi tu từ là cho lời thơ thêm đanh thép:

“Giặc dữ cớ sao phạm đến đây?”

Một câu hỏi tu từ vang lên, đó cũng là lời lên án sâu sắc quân cướp nước. Hai chữ ” giặc dữ” đã thể hiện hết thảy sự ngoan độc bạo tàn của chúng, những tên nhăm nhe cướp bóc, đàn áp chúng dân, giết người, gây ra chiến tranh điêu tàn. Chúng âm mưu biến nước ta thành quận huyện của Trung Quốc, xâm phạm tới “ Nam quốc sơn hà”, làm trái với “ sách Trời”. Giặc Tống nhất định sẽ bị nhân dân ta giáng cho những đòn trừng phạt đích đáng:

“Chúng bay nhất định phải tan vỡ.”

Ở trên, tác giả gọi quân xâm lược là giặc, là nghịch lỗ thì đến câu này, ông gọi đích danh như có chúng trước mặt: chúng mày. Cách xưng hô không khác gì người trên với kẻ dưới hàm ý coi thường, đồng thời nghiêm khắc cảnh cáo chúng: nhất định phải tan vỡ. Y như là sự việc đã sắp đặt trước, chỉ chờ kết quả. Câu thơ khẳng định niềm tin chiến thắng, chiến hắng vì ta có sức mạnh chính nghĩa đánh giặc để bro vệ Sông núi nước Nam, chiến thắng vì sự đoàn kết trong chiến tranh, truyền thống yêu nước của dân tộc ta.

Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, giọng thơ đanh thép, căm giận hùng hồn, vì thế mà bài thơ được mệnh danh à bài thơ “ Thần”. Bài thơ cũng như một khúc tráng ca chống xâm lăng biểu lộ khí phách và ý chí tự lập tự cường của đất nước và con người Việt Nam, đó là bài ca của “ Sông núi ngàn năm…”

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *