Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Phò giá về kinh” – Tụng giá hoàn kinh sư lớp 7

Hướng dẫn làm bài văn phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Phò giá về kinh” hay nhất. Trong văn học trung đại Việt Nam, yêu nước là một đề tài lớn thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ chắp bút. Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong quá trình đó dân tộc ta liên tiếp phải đối phó với những vó ngựa của kẻ xâm lược.

Các bài viết về chủ đề Phò giá về kinh được quan tâm :

  • Soạn bài Phò giá về kinh lớp 7
  • Soạn bài Phò giá về kinh ngắn gọn lớp 7

Tuy nhiên, bằng sức mạnh của lòng đoàn kết, của tinh thần đấu tranh, lòng tự tôn dân tộc, thì nước ta đã vượt qua bao thăng trầm, khẳng định được nền độc lập như ngày nay. Cũng viết về tình yêu tha thiết đối với đất nước cùng sự tự hào đối với sức mạnh của dân tộc, Trần Quang Khải đã sáng tác bài thơ “Phò giá về kinh”. Đọc bài thơ ta sẽ cảm nhận được thấm thía tình yêu cũng như sự tự hào to lớn này. Trong chương trình ngữ văn lớp 7, ta sẽ bắt gặp đề bài Cảm nghĩ bài thơ “Phò giá về kinh”. Dưới đây là bài văn mẫu tham khảo. Hy vọng với bài văn mẫu này, các bạn sẽ hoàn thành bài tập thật tốt.

BÀI VĂN MẪU CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ “PHÒ GIÁ VỀ KINH”

Trần quang Khải là một vị tướng giỏi của triều đại nhà Trần. Ông được cử đi đón thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về kinh thành Thăng Long sau chiến thắng Chương Dương và Hàm Tử. Bài thơ “Phò giá về kinh” ra đời vào hoàn cảnh đó. Bài thơ thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần.

Hai câu thơ đầu:

  • “Đoạt sáo Chương Dương độ
  • Cầm Hồ Hàm Tử quan”
  • Dịch:
  • (Chương Dương cướp giáo giặc
  • Hàm Tử bắt quân thù)

Chương Dương và Hàm Tử Quan là hai địa danh lừng lẫy lưu danh sử sách. Trước hết là Chương Dương là bến sông nằm phía hữu ngạn sông Hồng thuộc Hà Tây cũ, trận đánh này do Trần Quang Khải trực tiếp chỉ huy. Hàm tử là địa danh ở tả ngản sông Hồng ,trận này do tướng Trần Nhật Duật lãnh đạo cùng với sự hỗ trợ đắc lực của Trần Quang Khải. Trong hai câu thơ đầu tiên, Trần Quang Khải đã gợi lại những chiến thắng hiển hách của dân tộc trong niềm tự hào. Tuy đây không phải những chiến thắng lớn nhất, lừng lẫy nhất nhưng đây lại là những chiến thắng cuối cùng, quyết định sự thắng lợi của quân ta. Giọng thơ sảng khoái hào hùng phản ánh khí thế của nhân dân ta lúc bấy giờ. Tác giả không dừng lâu trong chiến công cũng không say sưa với chiến thắng nhưng ta vẫn cảm  nhận được niềm phấn khởi, kiêu hãnh toát ra từ âm hưởng của bài thơ.

Hào quang chiến thắng làm cho người ta ngây ngất nhưng không choáng ngợp. Nên ngay trong lúc đang tận hưởng niềm vui chiến thắng, Trần Quang Khải đã mong ước một nền thái bình muôn thuở cho đất nước:

  • “Thái bình tu trí lực
  • Vạn cổ thử giang san”
  • Dịch thơ:
  • (Thái bình nên gắng sức
  • Non nước ấy nghìn thu)

Đây là lời tự nhủ của vị thượng tướng về tương lai của đất nước, cũng là lời nhắn nhủ toàn thể quân dân ta bấy giờ. Tiếng nói, khát vọng của một người đã trở thành động lực, quyết tâm của toàn dân tộc. Trần Quang Khải tự nhắc mình nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng “tu trí lực”, bởi tu dưỡng trí tuệ, rèn luyện sức lực là hai yếu tố tiên quyết của một con người và một dân tộc nếu muốn làm nên chiến thắng, muốn xây dựng hòa bình. Đồng thời, ông động viên quân dân gắng sức, đồng lòng phát huy thành quả chiến thắng để xây dựng đất nước thanh bình, bền vững dài lâu chứ không được ngủ quên trên chiến thắng. Câu thơ cuối vừa chỉ ra cái chặng đường đi tiếp của đất nước vừa bày tỏ lòng mong muốn, niềm khát khao mãnh liệt về một tương lai tươi sáng muôn đời của dân tộc. Nghĩa của thơ biểu ý, nhưng nhạc của thơ lại mang tính biểu cảm. Lời răn dạy hài hòa với niềm tin, niềm hy vọng của quân dân ta. Lời thơ bình thường, giản dị nhưng hàm chứa tư tưởng vĩ đại, thể hiện tầm nhìn sáng suốt, chiến lược xa của vị tướng.

Với hình thức diễn đạt cô đúc, dồn nén cảm xúc vào bên trong ý tưởng, bài thơ đã thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình thịnh trị của dân tộc ta thời nhà Trần.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *