Cảm nghĩ về bài thơ “Tiếng gà trưa” lớp 7 hay nhất đầy đủ – Xuân Quỳnh

Hướng dẫn làm bài văn cảm nghĩ về bài thơ “Tiếng gà trưa” hay và đầy đủ nhất. Nhắc đến Xuân Quỳnh, người ta thường nghĩ tới những vần thơ nhẹ nhàng, sâu lắng của một trái tim phụ nữ đa cảm.

Các bài viết về chủ đề Tiếng gà trưa được quan tâm :

  • Dàn ý đề bài nêu cảm nghĩ về tình bà cháu trong “Tiếng gà trưa” lớp 7
  • Soạn bài Tiếng gà trưa lớp 7
  • Cảm nghĩ về tình bà cháu trong tiếng gà trưa lớp 7
  • Soạn bài Tiếng gà trưa ngắn gọn lớp 7

Không da diết, khắc khoải như những sáng tác về tình yêu, trong giây phút hướng về tình cảm gia đình gần gũi, như tình mẹ con, tình bà cháu,… tiếng thơ Xuân Quỳnh thường cất lên với giọng trong trẻo nhưng vẫn thể hiện nét đẹp tâm hồn của một phụ nữ giàu yêu thương. Tiếng gà trưa là một bài thơ như vậy. Sau đây là những bài làm cảm nhận về bài “Tiếng gà trưa” có tính chất tham khảo sẽ gợi cho các bạn những cảm hứng khi làm bài này. Để làm bài tập này, chúng ta sẽ giới thiệu tác giả, tác phẩm của bài thơ, phân tích tác phẩm và nêu cảm nghĩ khi đọc tác phẩm. Hy vọng các bạn sẽ hoàn thành bài tập thật tốt.

BÀI VĂN MẪU CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ “TIẾNG GÀ TRƯA”

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ xuất sắc trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Thơ của bà thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị trong đời sồng hằng ngày. “Tiếng gà trưa” là một trong những bài thơ hay của Xuân Quỳnh, được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Bài thơ là sự bộc lộ tình cảm yêu quê hương, đất nước chân thành, sâu lắng của nhà thơ qua hình tượng tiếng gà trưa. Đó là âm thanh gọi về những kỉ niệm, những cảm xúc thiêng liêng và nơi chốn bình yên cho tâm hồn con người.

Nhân vật trữ tình là người chiến sĩ nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc lên đường vào Nam đánh Mỹ. Bao trùm cả bài thơ là dòng cảm xúc nhớ thương da diết về bà, về quê hương yêu dấu. Cảm xúc về bà, về tuổi thơ được đánh thức từ âm thanh của tiếng gà trưa mà người cháu vô tình bắt gặp trên đường hành quân. Âm thanh ấy đã gợi lên trong cháu những rung cảm vô bờ:

  • “Trên đường hành quân xa
  • Dừng chân bên xóm nhỏ
  • Tiếng gà ai nhảy ổ:
  • “Cục… cục tác cục ta”
  • Nghe xao động nắng trưa
  • Nghe bàn chân đỡ mỏi
  • Nghe gọi về tuổi thơ”

Từ “nghe” được điệp lại ba lần đặt ở đầu ba câu thơ như bật lên niềm xúc cảm xao xuyến bâng khuâng khó tả của lòng người. Tiếng gà dường như có một sức mạnh ghê gớm khiến cho chỉ vừa cất lên đã làm cho nắng ngả phải xao động hay có lẽ chính là lòng người xao động làm cho nắng nhìn như ngả sang. Chỉ cần nghe được tiếng gà ấy mà bao nhiêu mệt nhọc trên con đường hành quân như tan biến hết bởi kí ức tuổi thơ theo tiếng gà ùa về đã làm cho bàn chân vơi mỏi. Khi ấy, mọi hình ảnh của tuổi thơ như ùa về trong tâm trí tác giả:

  • “Tiếng gà trưa
  • Ổ rơm hồng những trứng
  • Này con gà mái mơ
  • Khắp mình hoa đốm trắng
  • Này con gà mái vàng
  • Lông óng như màu nắng
  • Tiếng gà trưa
  • Có tiếng bà vẫn mắng:
  • – Gà đẻ mà mày nhìn
  • Rồi sau này lang mặt!
  • Cháu về lấy gương soi
  • Lòng dại thơ lo lắng”

Lời trách mắng yêu của bà cũng ẩn chứa bao nhiêu yêu thương, nó trở thành một phần kí ức không thể nào phai trong trái tim người cháu. Kỉ niệm ấy còn là tình cảm chắt chiu thầm kín của bà:

  • “Tiếng gà trưa
  • Tay bà khum soi trứng
  • Dành từng quả chắt chiu
  • Cho con gà mái ấp”

Cháu nhớ lắm hình ảnh người bà chắt chia tần tảo, chắt chiu dành dụm từng quả trứng, gửi gắm niềm vui, nỗi lo âu về đàn gà để mong mang đến cho cháu niềm vui ngày Tết. Niềm vui đơn sơ giản dị nhưng đã gói trọn tình cảm ấm áp, thiêng liêng của bà. Đọc những dòng thơ của Xuân Quỳnh, ta đang cảm nhận được nhà thơ như đang nghẹn lòng lại khi viết về bà của mình, bởi bà đã chịu đựng biết bao hy sinh vất vả để nuôi cháu khôn lớn. Hình ảnh người bà ở trong bài thơ này rất giống với người bà thức khuya, dậy sớm, nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm, cũng là nhóm lên ngọn lửa yêu thương, khao khát trong lòng cháu trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.

Được đón nhận tình yêu thương vô bờ bến của bà, nỗi niềm xúc động trong cháu bật ra thành lời:

  • “Cứ hàng năm hàng năm
  • Khi gió mùa đông tới
  • Bà lo đàn gà toi
  • Mong trời đừng sương muối
  • Để cuối năm bán gà
  • Cháu được quần áo mới
  • Ôi cái quần chéo go
  • Ống rộng dài quét đất
  • Cái áo cánh chúc bâu
  • Đi qua nghe sột soạt”

Mọi hi vọng bà đều đặt vào đàn gà, bà lo trời sương muối, đàn gà không chịu được và chỉ mong cuối năm bán gà có được tiền cho cháu mua quần áo mới. Có lẽ hình ảnh của những bộ quần áo được đổi bằng tiền bán gà, đổi bằng những tần tảo sớm hôm của bà vô cùng đặc biệt. Dù chỉ là cái quần chéo go rộng đến quét đất, rồi chiếc áo chúc bâu rộng thùng thình, khi đi lại nghe sột soạt, nhưng ẩn chứa trong đó là cả một biển trời yêu thương mà bà dành cho cháu. Đó là sự kết nối yêu thương mãi vững bền, để rồi người cháu hôm nay đã trưởng thành vẫn không thể nào quên được sự chắt chiu, dành dụm của người bà.

Hạnh phúc gia đình giản dị, đầm ấm mà rất đỗi thiêng liêng cùng bao khát vọng tuổi thơ dường như gói gọn cả trong tiếng gà trưa:

  • “Tiếng gà trưa
  • Mang bao nhiều hạnh phúc,
  • Đêm cháu về nằm mơ
  • Giấc ngủ hồng sắc trứng”

Âm thanh tiếng gà trưa được nhắc đi nhắc lại bởi đó là biểu hiện của cuộc sống bình yên, luôn có bà bên cạnh yêu thương và chở che. Tình yêu thương của bà cùng những âm thanh quen thuộc của quê nhà đã trở thành nguồn động lực lớn lao để người cháu vững vàng chiến đấu:

  • “Cháu chiến đấu hôm nay
  • Vì lòng yêu tổ quốc
  • Vì xóm làng thân thuộc
  • Bà ơi, cũng vì bà
  • Vì tiếng gà cục tác
  • Ổ trứng hồng tuổi thơ.”

Điệp từ “vì” được lặp lại 4 lần liên tiếp nhấn mạnh mục đích chiến đấu của người chiến sĩ. Đó là vì tổ quốc thân thương, vì xóm làng quen thuộc nơi chôn rau cắt rốn của tuổi thơ, nhưng đất nước quê hương vô cũng vô tận, mênh mông ấy cũng chỉ mãi hữu hình trong dáng bà thầm lặng hi sinh, gắn với âm thanh của tiếng gà trưa quen thuộc. Hai tiếng “bà ơi” vang lên nghe mới tha thiết mà đằm thắm làm sao, nó vừa xúc động thiêng liêng, vừa bỏng sôi mãnh liệt. Giống như nó được chực trào ra từ tận đáy lòng thổn thức không thể kìm lòng. Tiếng gà cũng là tiếng gọi thân yêu của bà, của mẹ, của quê hương. Tiếng gọi thân yêu ấy như là niềm tin cho người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương yêu dấu. Qua đây thấy được tình cảm tiền tuyến hậu phương của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến, gian khổ có thể làm mệt mỏi, bom đạn có thể hủy diệt mọi thứ nhưng những tình cảm về bà, về những kỉ niệm ấu thơ cùng tiếng gà trưa không bao giờ chết mà vẫn còn nguyên lửa, vẫn cứ dâng dâng trong lòng người.

Bài thơ với ngôn ngữ mộc mạc giản dị mà thiết tha sâu lắng đã để lại trong lòng người đọc những kỉ niệm về tình bà cháu thật cảm động. Tình bà cháu đã tạo nên hạnh phúc tuổi thơ, trang thơ nữ sĩ đã đi vào đời thường một cách dung dị, tự nhiên, sâu sắc.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *