Nghị luận “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/ Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng” lớp 8 hay nhất

Hướng dẫn làm bài văn nghị luận về câu nói: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/ Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng” lớp 8

Các bài viết liên quan tới chủ đề tài và đức đáng chú ý:

  • Dàn ý nghị luận về câu nói: ” Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”
  • Nghị luận xã hội về câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” lớp 9
  • Nghị luận nêu suy nghĩ của em về câu “Được sinh ra trên đời đã là một niềm hạnh phúc”
  • Nghị luận xã hội về câu nói : “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương”

Mỗi chúng ta sinh ra và lớn lên luôn được đặt trong mối quan hệ với tài và đức. Chữ tài làm nên khí chất, còn chữ đức lại làm nên nhân cách con người. Bạn sẽ trở thành người thông minh sáng suốt, hay một người với tấm lòng cao thượng, hướng thiện? Sẽ thật khó phải không? Bởi từ thuở xưa, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: “Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó” và “Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng”. Bạn có bao giờ nghĩ đến điều này? Để bàn luận về hai câu nói ấy, trước tiên chúng ta phải đi bàn luận từng ý kiến một. Vì sao có tài mà không có đức là kẻ vô dụng, và vì sao có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó? Một bước quan trọng không kém là chúng ta phải tìm ra mối quan hệ giữ hai ý kiến ấy, bởi mỗi ý kiến đều có ý đúng. Trong quá trình làm bài, các bạn nên chú ý dẫn dắt các dẫn chứng cho lí lẽ của mình để bài viết thuyết phục hơn. Chúc các bạn làm bài thành công!

BÀI VĂN MẪU NGHỊ LUẬN VỀ CÂU NÓI: “CÓ ĐỨC MÀ KHÔNG CÓ TÀI THÌ LÀM VIỆC GÌ CŨNG KHÓ/ CÓ TÀI MÀ KHÔNG CÓ ĐỨC LÀ KẺ VÔ DỤNG”

Từ thuở khai sinh, người ta thường lấy chữ nhân làm gốc rễ của con người, làm người, chữ đức phải đặt lên hàng đầu. Nhưng trong xã hội ngày nay, chữ tài lại đặc biệt quan trọng, thậm chí nhiều khi nó được đề cao hơn tất cả. Chúng ta nên giải thích sao về hiện tượng này? Câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh như một câu trả lời thoả đáng: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó” và “Có tài mà không có đức là kẻ vô dụng”.

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về câu nói: “Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó”.
Trong câu nói ấy, Người đề cao chữ đức của con người. Đức là đạo đức, là phẩm chất, là nhân cách làm người. Những người mang chữ đức ấy thường sống một cuộc đời trong sáng, cao đẹp và cao thượng. Họ luôn ẩn chứa một lòng vị tha vô hạn, luôn đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân. Không bao giờ những người ấy làm chuyện trái với lương tâm của mình. Đức của con người còn thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, như trung thực, nhân nghĩa, cao thượng,… Một cuộc sống có chữ đức là cuộc sống luôn yên bình và tươi đẹp. Vậy chữ đức có thật sự quan trọng?

Đúng vậy, nhưng khi chỉ có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó. Những người mang nhân tính tốt đẹp luôn muốn giúp đỡ mọi người với hết khả năng của mình. Họ muốn cống hiến cuộc đời mình cho xã hội. Nhưng khi họ không có khả năng, sự cống hiến ấy lại trở nên sai lầm. Họ khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn vì không biết cách để giúp đỡ. Hoặc có những chuyện, họ dốc sức để làm, nhưng lại trở thành “Dã tràng se cát biển đông/Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì” Luôn muốn cố gắng nhưng vì tài năng có hạn nên lại không giúp ích được gì cho cộng đồng. Vậy chẳng phải tấm lòng có tốt mấy cũng chẳng thể thành công?

Thế nhưng, chính Người cũng lại nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”
Tài ở đây lại trở thành tài năng, trí tuệ, trí thông minh của con người. Họ có năng lực làm được những việc mà người đời ít khi làm được. Chúng ta có thể nhắc đến Newton, Anhxtanh là những người có tài trên thế giới này. Tài năng giúp cho họ phán đoán được sự việc, giải quyết mọi chuyện một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đó là điều mà xã hội chúng ta đang rất cần, chúng ta cần những người trẻ trung, năng động và có tài năng thực sự. Đó là nguồn lực để phát triển đất nước và xã hội.
Có tài nhưng lại thiếu đi đạo đức sẽ thế nào? Chính là trở thành một người “vô dụng”. Những người có tài ấy, khi họ thông minh nhưng lại thiếu đi chữ nhân dẫn dắt, họ làm mọi chuyện có lợi cho bản thân mà quên đi bổn phận với cộng đồng. Họ sẵn sàng dùng tài năng để cướp đi thành công trên tay người khác, hoặc hãm hại người khác. Một xã hội với những con người thiếu chữ nhân như vậy, liệu có thể phát triển được không? Như vậy, đó chẳng phải là một tài năng vô dụng hay sao? Như những tên bán nước, phản quốc khi xưa, họ cũng là những người có tài, nhưng lại để cho tài năng bị cái xấu, cái ác dẫn dụ và đi vào con đường sai trái, thật đáng thất vọng!

Vậy suy cho cùng, con người ta cần cân bằng cả tài và đức. Chỉ khi con người ta rèn luyện được lương tâm trong sáng, cao đẹp và trí tuệ sắc sảo, chúng ta mới có thể trở thành người có ích cho xã hội. Nếu thiếu đi một trong hai yếu tố ấy, rất khó để mỗi chúng ta có thể thành công trong cuộc sống. Bởi vậy, chúng ta vẫn có tấm gương sáng ngời Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc. Người mang trong mình một tấm lòng vĩ đại, nghĩ về nghìn đời, về nhân dân. Cũng vì có trí tuệ, Người có thể bôn ba khắp năm châu bốn bể, để tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Người đã chứng minh được châm ngôn đúng đắn của mình.

Mỗi chúng ta, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, hãy tu dưỡng đạo đức cho thật tốt và rèn luyện để trí tuệ mình phát triển, để mình có thể trở thành người có ích cho xã hội.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *