Kể về một lần em mắc lỗi lớp 6 khiến bố mẹ, thầy cô giáo buồn

Không ai là không mắc lỗi, có những lỗi lầm dù lớn hay nhỏ, điều quan trọng là bạn phải biết khắc phục những lỗi mình đã gây ra và rút kinh nghiệm cho lần sau. Hướng dẫn làm bài văn kể về một lần mắc lỗi hay nhất lớp 6, bài tập làm văn mẫu kể chuyện về lần em mắc lỗi làm bố mẹ thầy cô buồn lấy trộm tiền

Các bài viết về chủ đề Kể về một lần em mắc lỗi được quan tâm :

  • Dàn ý kể về một lần em mắc lỗi lớp 7
  • Kể về một lần em mắc lỗi lớp 7
  • Dàn ý kể về một lần em mắc lỗi lớp 6

Từ xa xưa ông cha ta đã răn dạy: “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người trở lại”. Thế mới biết điều đáng quý trọng hơn cả là sự nhìn nhận, tự phê bình và rút ra bài học sau mỗi lần mắc lỗi. Và tuổi thơ mỗi người có lẽ không ít thì nhiều cũng một lần làm mẹ cha phiền lòng, buồn rầu. Khi ấy ta vô lo, vô nghĩ nhưng khi ngẫm lại thì thấy mình đã sai, đã chưa yêu thương, quý trọng mẹ cha thật nhiều. Vì thế mà những bài học sau những lần mắc lỗi ấy luôn thấm thía và sâu sắc. Trong chương trình ngữ văn lớp 6, ta sẽ bắt gặp đề bài kể lại một lần em mắc lỗi. Khi kể cần chú ý một vài điểm sau đây. Chúng ta cần nêu được hoàn cảnh, diễn biến và kết thúc của câu chuyện. Khi kể nên thêm đối thoại, miêu tả và biểu cảm để bài viết thêm phong phú và chân thực. Dưới đây là hai bài văn mẫu để giúp mọi người hoàn thành bài tập này tốt hơn. Chúc các bạn thành công.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 KỂ VỀ MỘT LẦN EM MẮC LỖI LỚP 6 – LẤY TRỘM TIỀN CỦA MẸ

Tuổi thơ của tôi được lớn lên từ dòng sữa ngọt ngào của mẹ, từ lời ru tha thiết của bà và từ những câu chuyện cổ tích li kì của ông… Thời thơ ấu ấy còn được đong đầy bằng những kỉ niệm khó phai mờ. Trong đó, kỉ niệm về một lần mắc lỗi với mẹ khiến tôi nhớ mãi và đọng lại nhiều bài học sâu sắc.

Hồi ấy, tôi là một đứa bé lớp năm và cũng giống như bao bạn bè cùng trang lứa khác tôi rất thích đọc truyện tranh. Đó không chỉ là sở thích mà đã trở thành lạc thú của bản thân, tôi có thể ngồi “ghiền” truyện từ sáng đến chiếu thậm chí là quên ăn, quên ngủ. Những bộ truyện kinh điển của tuổi thiếu nhi như “Doremon”, “Shin- cậu bé bút chì”, “Tí quậy”, … luôn hấp dẫn tôi một cách lạ kì. Bởi lẽ quá say mê với thế giới nhân vật kì ảo và thú vị mà việc học tập của tôi sa sút trông thấy, lười làm và ôn bài. Mặc dù bố mẹ đã nhiều lần nhắc nhở nhưng tôi vẫn cứng đầu không nghe, đâu lại đóng đấy.

Buổi sáng thứ hai đẹp trời, tôi cùng đứa bạn thân tung tăng đến trường. Những tia nắng sáng sớm vàng như rót mật lên cành lá, như những đứa trẻ tinh nghịch nhảy nhót khắp nơi. Hít thở khí trời thanh khiết, tôi cảm thấy thoải mái và sảng khoái. Bỗng nhiên Lan quay sang hỏi tôi:

Vy ơi, ở siêu thị đang mở hội sách đấy. tớ thấy họ quảng cáo rất nhiều, đặc biệt là truyện tranh.

Tôi quay sang, mắt bừng sáng và đầy ngạc nhiên:

 Thật á cậu. vậy thì chắc chắn tớ phải mua hết bộ Tí Quậy. Tớ ước mơ có nó từ lâu rồi.

Thế nhưng tôi lại không đủ tiền mua. Sau một hồi vò đầu bứt tai suy nghĩ, tôi quyết định sẽ xin tiền mẹ. Trưa hôm ấy tôi về nhà từ rất sớm để giúp mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Trong bữa cơm, mẹ rất vui vẻ và hài lòng về tôi, khuôn mặt đã có vài nếp nhăn vì cuộc sống bươn trải nở nụ cười tươi như hoa. Tôi ngập ngừng nói:

Mẹ… mẹ ơi… mẹ cho con hai trăm nghìn để mua truyện Tí Quậy với ạ. ở hội sách đang có khuyến mại nên phải tranh thủ cơ hội có một không hai này mẹ ạ.

Mặt mẹ nhăn lại, mẹ nhẹ nhàng nói:

 Bây giờ con nên hạn chế đọc truyện để tập trung học tập đi, dạo này con sa sút lắm đấy. Hơn nữa con cũng có nhiều truyện rồi mà, cuối cấp nên chăm chỉ học tập Vy ạ.

Năn nỉ mãi mẹ cũng không đồng ý cho, tôi phũng phịu bỏ cơm, vào phòng đóng rầm cửa lại. Tôi thầm nghĩ “Nhất định mình phải sở hữu bộ truyện này. Và đây là cơ hội ngàn năm có một nên phải tranh thủ chứ”. Nghĩ vậy nhưng một câu hỏi khác lại choáng ngợp suy nghĩ: “Nhưng bây giờ lấy tiền đâu để mua nhỉ. Mình thì không có còn mẹ thì không cho”. Sau một hồi dằn vặt tôi quyết định lấy tiền của mẹ và tự an ủi: “Thôi mình lấy tiền rồi tết trả có sao đâu”. Buổi chiều hôm ấy chờ mẹ đi làm, tôi rón rén xuống nhà mở tủ, nhẹ nhàng rút lấy tờ hai trăm nghìn và đi khuôn một đống truyện về trong niềm thèm khát bấy lâu được thỏa mãn.

Buổi tối, đang say sưa đọc truyện với những tình huống hài hước thì mẹ cất tiếng gọi vọng lên phòng tôi:

Vy ơi, xuống đây mẹ hỏi một tẹo nào.

Tôi cảm thấy hơi chột dạ và lo lắng nhưng lại tự an ủi: “chắc không phải việc đấy đâu. Mẹ làm gì có nhìn thấy mẹ lấy tiền”. Tôi chạy xuống thấy phòng mẹ bừa bộn, đồ đạc lật tung, vứt lộn xộn. Nhìn mẹ có vẻ đang tức giận, mẹ quay sang hỏi:

 Con có lấy tiền của mẹ để trong tủ không. Hôm nọ mẹ bỏ vào đủ mà giờ lại bị mất hai trăm nghìn. Tiền này bây giờ mẹ đang cần gấp.

Chân tay tôi bắt đầu run run, tim đập nhanh hơn nhưng cố lấy lại bình tĩnh, tôi đáp:

Con làm gì có biết tiền nào của mẹ. Chiều qua con sang nhà cái Lan chơi cơ mà.

Mẹ quay đi thở dài, nét mặt tỏ rõ sự buồn bã. Thấy mẹ không nói gì, tôi cũng nhanh chóng đi lên phòng. Cầm quyển truyện yêu thích trên tay nhưng tôi không thể nào đọc được. Hiển hiện trước mắt là ánh mắt ngập tràn thất vọng và buồn rầu của mẹ. Tôi lên giường, đắp chăn, trằn trọc không sao ngủ được. Tâm trí tôi diễn ra một cuộc dằn vặt lương tâm. Thiết nghĩ việc lấy tiền của mẹ mà không xin phép đã là sai rồi. Hơn nữa, cô giáo và bố mẹ cũng đã nhắc nhở về việc học mà tôi vẫn cứ cố tình đọc truyện. Ánh mắt mẹ cứ trở đi trở lại, sự im lặng của mẹ làm tôi thấy ăn năn, hối hận về việc làm của mình. Giờ đây, tôi muốn chạy xuống ôm trầm lấy mẹ và nói lời xin lỗi. Nhưng tôi lại sợ, sợ mẹ mắng, mẹ đánh rồi mẹ mách với cả cô giáo thì tôi rất xấu hổ. Bỗng dưng có tiếng bước chân, mẹ lên phòng đưa sữa cho tôi. Không ngần ngại, tôi chạy đến ôm trầm lấy mẹ, ngập ngừng nói:

 Con… con chính là người đã lấy tiền của mẹ để đi mua truyện. Con xin lỗi mẹ ạ

Xoa đầu và vỗ về tôi, mẹ cất giọng:

 Ban đầu mẹ cũng đoán là con vì bác Thái hàng xóm nói gặp con mua cả một tập truyện ở siêu thị. Nhưng hồi nãy mẹ buồn vì con làm mà không dám nhận, lại nói dối mẹ nữa. Song trong cuộc đời ai cũng từng ít nhất một lần sai lầm nhưng điều quan trọng là phải biết nhận lỗi và sửa sai. Và con của mẹ đã làm được, con lớn rồi và mẹ không có cớ gì trách con.

Lòng tôi nhẹ nhõm hẳn lên như vừa cởi bỏ được một gánh nặng. Tôi chiêm nghiệm được rằng: truyện dù có hay đến mấy cũng chỉ là giá trị tầm thường, hãy luôn trân trọng, yêu quý những người thân quanh ta, những điều nhỏ bé, thân thuộc.

Mẹ là thế đấy, luôn luôn bao dung và vị tha, luôn luôn chở che và bao bọc, luôn luôn dạy tôi làm người tử tế.  Kỉ niệm hồi lớp năm ấy đã để lại cho tôi nhiều bài học quý giá mà đi hết đời sẽ chẳng thể nào quên.

Vân Anh – wikihoc.com

ke ve mot lan em mac loi
Kể cả bạn có là người hoàn hảo thế nào thì cũng phải gặp những lỗi lầm, biết khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm từ những lỗi lầm đó mới là điều quan trọng

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 KỂ VỀ MỘT LẦN MẮC LỖI – GIẤU ĐỒ CỦA BẠN

Người ta thường nói: trong cuộc sống này không có gì hoàn hảo và tuyệt vời. Con người ta dù toàn vẹn đến đâu cũng có lúc có sai sót và lỗi lầm. Nhất là khi còn trẻ và là những đứa trẻ. Nhất là với những đứa trẻ không nghe lời như tôi, mắc lỗi không phải chuyện hiếm gặp. Nhưng có những lỗi lầm, những câu chuyện đã xảy ra thì không thể hàn gắn lại, như câu chuyện đó …

Lớp 6, tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm và cũng ương bướng nhất lớp. Trêu chọc các bạn nữ và phá rối trò chơi của các bạn khác chính là niềm vui của tôi để lấp đầy sự buồn chán ở trường học. Vì thế, các bạn trong lớp không thích tôi cho lắm. Tôi không có bạn, ngay cả bạn cùng bàn. Và tôi thấy mình cũng chẳng cần có bạn.

Hôm đó, một buổi sáng thứ hai, sau khi trêu chọc các bạn nữ với những trò cũ, tôi đi tìm trò chơi khác cho mình. Nhưng khi vào lớp, vào chỗ ngồi, tôi mới phát hiện ra không thấy cặp của mình đâu nữa.

Cặp mình đâu nhỉ? Mình nhớ sáng nay mình có mang cặp mà nhỉ?

Tôi loay hoay quay xung quanh, mấy đứa đang nhìn tôi bồng quay sang chỗ khác. Có một vài bạn thì khúc khích cười- những người mà tôi mới trêu ban nãy. Đi xung quanh lớp, tôi vẫn không tìm thấy cặp của mình. Tôi bắt đầu bực bội, quát lên với cả lớp:

Cặp của tôi đâu? Ai giấu nó thì trả mau, trước khi tôi tìm ra. Nếu không thì không xong đâu!

Một số bạn vì tiếng của tôi mà giật nảy mình. Nhưng vẫn không có ai lên tiếng. Im lặng. Chỉ có tiếng quạt và tiếng cười đùa của lớp khác bên ngoài. Bỗng Hoa- lớp trước đứng lên, bước ra khỏi lớp và đi vào với chiếc cặp. Chiếc cặp giơ ra trước mặt tôi, trước sự sững sờ của cả lớp. Tôi giật lấy, Hoa không nói gì cả và về chỗ. “Là lớp trưởng à? Gương mẫu quá nhỉ? Rồi cậu sẽ phải trả giá!”- Tôi nghĩ thầm và tìm cách trả thù. Một ánh sáng lóe lên trong đầu tôi, tôi mỉm cười.

Chiều hôm đó, tôi biết Hoa phải đến sớm, vì đến lượt cậu ấy trực nhật. Khi lớp còn chưa có ai đến, Hoa đi giặt giẻ lau bảng, tôi vội mở cặp và lấy vở bài tập Toán của Hoa. Chép bài tập Hoa xong, tôi mang đi giấu ở bên bãi cát ở góc trường. Và tôi vẫn ung dung vào lớp, cười vui vẻ.

Đánh trống vào giờ, thầy giáo vào lớp. Thầy yêu cầu tất cả mọi người lấy vở ra để thầy kiểm tra bài về nhà. May quá, tôi lại vừa chép bài của Hoa xong, tôi mừng thầm. Thầy đi xung quanh kiểm tra, đợi Hoa loay hoay tìm bài của mình. Sau một lúc chờ đợi, Hoa khẳng định mình làm rồi và có mang theo, nhưng lại không thấy đâu. “Làm sao mà thấy được, tôi đang cầm mà”- Tôi cười thầm. Và tất nhiên, Hoa không có vở, nhận con 0 vì không làm bài, và cả tội không chịu thừa nhận. Và rồi, bạn ấy bắt đầu khóc, giọt nước mắt lăn dài. Tiếng khóc nức nở giữa lớp học im phăng phắc, giữa bao cái nhìn của cả lớp cùng niềm vui đắc thắng của mình. Có vẻ tôi đã trả thù được rồi.

Lúc về, tôi đang định xách cặp về thì bỗng Lan và Diệp chạy đến xin lỗi. Đang ngơ ngác không hiểu, hình như tôi nghe thấy cặp mình là do họ giấu.

Thế sao nó lại ở trong tay của Hoa?

Cậu ấy vì không muốn cậu mất cặp, nên đã giúp cậu, giúp cả chúng tớ. Lúc đó chúng tớ sợ quá. Thành thật xin lỗi cậu.

Họ nói xong, biến mất, để tôi một mình, thẫn thờ, bàng hoàng. Thi ra tôi đã trách nhầm Hoa, là Hoa giúp tôi. Vậy mà, vậy mà tôi lại … Tôi không hiểu tại sao tôi lại có thể làm như thế, không suy sét, không nghĩ gì. Hoa là lớp trưởng, và có một con 0 to đùng ở đó. Đến tôi còn không dám nhận …

Tôi bước trên con đường về nhà, không nghĩ gì. Tôi không biết phải nghĩ gì nữa. Biết làm sao, tôi không muốn khiến Hoa như thế, nhưng tôi chưa đủ dũng cảm để thừa nhận. Đường về nhà rộng thênh thang.

Đoàn Hương – wikihoc.com

BÀI VĂN MẪU SỐ 3 KỂ VỀ MỘT LẦN EM MẮC LỖI LÀM BỐ MẸ BUỒN

Mỗi ngày tan học trở về nhà, tôi thường bắt gặp những giọt mồ hôi nóng hổi trên gương mặt mẹ. Khi ấy, lòng tôi xót xa, dằn vặt mãi bởi tôi đã từng mắc lỗi khiến mẹ ưu phiền.

Bố tôi đi làm xa vì cảnh nhà thiếu thốn, lâu lâu bố mới ghé về thăm nhà. Ngôi nhà bé nhỏ chỉ có hai mẹ con nhưng luôn đầy ắp tiếng cười hạnh phúc. Cho tới mùa hè năm trước, ở trường học, cái Vân lớp tôi khoe bố mẹ mua cho chiếc xe đạp mới. Chiếc xe màu hồng lấp lánh lại có chiếc nhỏ kêu “ Reng…Reng”, trông thật thú vị. Nhỏ kiêu ngạo, tiến về phía tôi, vênh mặt nói:

 Cậu thấy chiếc xe của tớ thế nào? Muốn đi thử không?…À quên, cậu có đi xe bao giờ đâu!

Nỗi hổ thẹn dồn lên đỉnh điểm, lời khích bác của nó làm tổn thương lòng tự trọng của tôi. Vốn rụt rè, tôi đỏ mặt, im lặng mà lòng tấm tức. Tôi mang nỗi buồn bực ấy về nhà, giọng phụng phịu nói với mẹ:

 Mẹ ơi. Con muốn có một chiếc xe đạp mới.

Ánh nhìn của mẹ thoáng ngạc nhiên trước yêu cầu của tôi. Mẹ ân cần đáp:

 Trường học gần nhà mình, con chịu khó đi học…

Nhưng mẹ nào biết nỗi tủi nhục tôi phải trải qua. Không để mẹ nói hết lời, tôi gắt lên:

 Nhưng con mỏi chân lắm rồi, ngày nào cũng phải đi bộ đến trường. Trong khi bạn bè con thì được đi xe mới!

Nói rồi tôi vụt chạy vào phòng, để mẹ ở đó một mình. Giá như lúc đó, tôi nhận ra ánh mắt buồn đau của mẹ. Giá như tôi để tâm tới lời nói ngập ngừng của mẹ. Vậy mà đứa con gái mẹ yêu thương nhất lại nỡ nói ra những lời vô tâm như thế. Thử hỏi trái tim nào không đau nhói? Nắng mùa hạ vẫn vàng tươi như rót mật. Tiếng ve vẫn dắng dỏi mãi mà sao ngôi nhà thân yêu của tôi trầm lặng đến thế?

Mấy ngày hôm sau, tôi thấy mẹ thường vắng mặt ở nhà. Lòng bồn chồn nhưng tôi đâu dám nói chuyện với mẹ. Cho tới chiều thứ sáu, giữa mùa hè năm ấy, bác Nga- hàng xóm của gia đình tôi hớt hải chạy qua, nói rằng:

 Mẹ con đang nằm bệnh viện do làm việc quá sức. Con theo bác vào thăm mẹ, có người báo với bác như vậy.

Tin đó đến với tôi như tiếng sét, đầu óc tôi tối sầm. Cổ họng nghẹn ứ lại, khẽ gật đầu, tôi liền đi cùng bác. Trên đường đi, bác nói tôi nghe, mẹ đã tâm sự mọi nỗi buồn phiền với bác. Suốt mấy ngày qua, mẹ phải đi cấy thuê cho người ta, dưới cái nắng đổ lửa làm mẹ ngã bệnh. Tới bệnh viện, mẹ tôi đang nằm nghỉ. Nét mặt mẹ xanh xao, hao gầy đi nhiều. Bàn tay mẹ gầy gầy, xương xương. Làn da mỏng manh, làm nổi lên những đường gân ngoằn ngoèo, in dấu cuộc sống lam lũ vất vả của mẹ. Bất giác tôi ôm chầm lấy mẹ, nức nở. Mẹ choàng tỉnh dậy, trông thấy tôi, mẹ gắng nở một nụ cười yếu ớt. Mẹ khẽ nói:

 Trang đi học về rồi à con? Con ăn cơm chưa?

Ngay lúc ốm, mẹ vẫn quan tâm tới tôi sao? Mẹ không giận thái độ ương bướng của tôi sao?

 Con xin lỗi mẹ…Giờ con chỉ cần mẹ khỏi bệnh thôi.- tôi mếu máo

Mẹ nhẹ nhàng vuốt tôi như ngày tôi còn thơ bé.

Chuyện xảy ra đã lâu, mỗi lần nhắc lại là một lần tôi thấy con người nông nổi của mình và tự nhủ: không để buồn lên đôi mắt mẹ một lần nào nữa.

_Thu Hường wikihoc.com _

Ngoài những bài kể lại một lần mắc lỗi của em thì bạn cũng có thể viết những câu chuyện như làm bể bình hoa, làm bể bát ly đĩa, bỏ học, nói dối bố mẹ, trộm tiền của bố mẹ… Và cũng qua câu chuyện kể lại như là 1 lời thú tội và lần sau sẽ không tái phạm những lỗi như thế nữa

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *