Tả cảnh hoàng hôn trên quê hương em, trên biển, ở thành phố, ở cánh đồng lớp 6

Hướng dẫn làm bài văn miêu tả cảnh hoàng hôn trên quê hương em hay trong chương trình Ngữ Văn 6, bài văn miêu tả quang cảnh hoàng hôn trên biển, trên cánh đồng ở thành phố hoặc ở nông thôn

Các bài viết về chủ đề Tả cảnh hoàng hôn trên quê hương được quan tâm :

  • Dàn ý tả cảnh hoàng hôn trên quê hương em lớp 6

Điều gì mở đầu rồi cũng sẽ kết thúc, khởi đầu bằng ngày thì đêm lại là sự kết thúc, nếu bình minh là sự bắt đầu thì hoàng hôn lại là sự đóng lại. Nhiều người yêu thích cảnh bình minh, bởi nó là sự khởi đầu tràn đầy hi vọng. Nhưng có những người lại thích ngắm nhìn hoàng hôn như ngắm nhìn lại những gì mình đã đạt được, thử cảm giác khi kết thúc một điều sẽ là như thế nào: niềm vui hay nuối tiếc? Trong chương trình Ngữ Văn 6, các bạn sẽ gặp đề bài tả cảnh hoàng hôn trên quê hương em. Để làm dạng bài này, các bạn cần chú ý miêu tả từ khái quát đến cụ thể, miêu tả cảnh thiên nhiên, sự vật và sinh hoạt của con người. Đặc biệt là sự biến chuyển từ ngày, từ chiều sang tối. Có thể vận dụng sự liên tưởng của mình, các biện pháp so sánh, nhân hóa, ẩn dụ để làm bài viết thêm sinh động. Và sau đây sẽ là một vài gợi ý cho các bạn. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 MIÊU TẢ CẢNH HOÀNG HÔN TRÊN QUÊ HƯƠNG EM

Một buổi chiều về muộn, bước đi một mình giữa cánh đồng thênh thang, nhìn những giọt nắng còn sót lại trên cành cây, tôi bỗng giật mình: hoàng hôn. Hoàng hôn trên quê tôi đẹp đến thế mà lâu nay tôi không biết!

Hoàng hôn buông xuống làng quê âm thầm, lặng lẽ từ những vệt nắng cuối cùng đang tắt dần sau rặng tre ngà cuối làng. Những tia nắng rực rỡ đang đùa nghịch trên đường như những đứa trẻ, bỗng bị mẹ gọi về. Vì vậy, dù không muốn nhưng chúng cũng dần dắt tay nhau đi về. Mặt trời đỏ ửng cũng dần hạ xuống, trở về nhà sau cả ngày vất vả. Trên bầu trời giờ chỉ còn “bảng lảng bóng hoàng hôn”- một chút sắc cam cho còn sót lại. Thay vào đó, màu đen từ đâu đến dần chiếm lấy cả bầu trời. Những đám mây cuối ngày cũng vội vã bay về nhà nơi cuối trời để nghỉ ngơi. Những đàn chim thấy thế cũng gọi nhau về tổ. Hoàng hôn tức là nghỉ ngơi, là thư giãn sau một ngày mệt mỏi thì phải?

Ở kia, nơi những bông lúa còn xanh mơn mởn, vang lên những tiếng cười nói vui vẻ của người nông dân. Bên bờ ruộng, văng vẳng có tiếng người vợ gọi chồng nghỉ sớm. Họ nghỉ tay, xếp lưỡi cày và dắt trâu ra sông để tắm rửa. Những chú trâu lại được thỏa mình tắm trong nước. Còn những tiếng cười đùa chuyển từ nơi đồng ruộng đến bên bờ sông. Tiếng trai gái trêu nhau, tiếng mấy bác nông dân cười khoái chí rộn vang cả một vùng. Khi tiếng nói cười đã xa khuất vào làng, thì ngoài kia, họ hàng nhà cò vẫn cần mẫn, chăm chỉ kiếm ánh. Cánh cò trắng mềm mại trước mênh mông biển lúa khiến tôi nhớ đến mà cất tiếng:

  • “Việt Nam đất nước ta ơi
  • Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn” 
  • (Nguyễn Đình Thi)

Thật không ở đâu có những cảnh đẹp hơn thế! Bức tranh còn có cả âm thanh của tiếng ếch nhái ngân vang bên bờ để gọi đêm xuống, tiếng sáo diều của những đứa trẻ vi vu trong không gian. Cứ tối đến, lũ chúng tôi lại thi nhau chơi sáo diều, xem diều ai bay cao, diều ai kêu to hơn. Dần dần, mặt trăng màu trắng nhạt hiện ra bên những cánh diều.

Hoàng hôn buông xuống, chính là lúc mọi người về nhà, tụ họp đầy đủ với nhau. Tiếng những bác nông dân chào nhau, những bà, những mẹ đi chợ về còn đang rôm rả chưa hết chuyện. Lũ trẻ trong xóm thì nghĩ xem tối nay sẽ chơi trò chơi gì mới. Rồi không ai bảo ai, từ những ngôi nhà mái ngói, những làn khói gặp nhau, nghi ngút rồi tan vào cùng với mây. Tiếng lách cách của bát đũa, xoong nồi của những người nội trợ chuẩn bị cơm tối cho gia đình. Ở ngoài vườn, bầy gà con được mẹ mớm cho no, giờ lại xếp hàng, “chiếp chiếp” theo gà mẹ về tổ. Rồi chúng vui vẻ chào bác chó vẫn đang cần mẫn làm việc, canh gác cho ngôi nhà. Những ngôi nhà đã bật đèn sáng trưng, bố ngồi xem tin tức và hỏi thăm chúng tôi việc học hôm nay thế nào. Chúng tôi lại hào hứng kể cho bố nghe những điều thú vị học được. Khi tiếng mẹ gọi ăn cơm, chúng tôi lại quây quần bên mâm cơm, kể tiếp những chuyện còn dang dở. Tiếng cười vang khắp cả không gian.

Và thế là trời đã tối rồi. Một buổi hoàng hôn đẹp mà tôi chưa từng được cảm nhận và thưởng thức.

Đoàn Hương – wikihoc.com

canh hoang hon
Cảnh hoàng hôn là cảnh vào tầm chiều tối của 1 ngày khi mặt trời bắt đầu lặn xuống giao thoa giữa ban ngày và bạn đêm tạo nên những cảnh tượng rất đẹp

BÀI VĂN SỐ 2 MIÊU TẢ CẢNH HOÀNG HÔN TRÊN QUÊ HƯƠNG EM LỚP 6

Em may mắn được sinh ra và lớn lên ở “thành phố biển” Vũng Tàu. Quê hương em đẹp vào mọi khoảnh khắc trong ngày, nhưng đối với em có lẽ đẹp nhất là lúc ánh hoàng hôn buông dần trên mặt biển.

Chiều chiều, em thường đi dạo một mình trên bãi cát trải dài, ngắm nhìn khoảnh khắc tuyệt đẹp khi mặt trời buông xuống. Xa xa, mặt trời đỏ rực như hòn lửa xuống dần ở phía chân trời, lúc thì ẩn sau đám mây, lúc lại như nằm một nửa trên mặt biển, nửa kia bị chìm xuống biển. Màu trời chuyển từ xanh ngọc, sang vàng ruộm, rồi từ đỏ lựng sang tím ngắt như có người thợ nhuộm vừa làm việc. Từng đám mây hồng chuyển dần sang màu vàng nhạt, chầm chậm bay trên trời cao rồi chuyển sang xám xịt lấp ló trên bầu trời những ánh sao nhỏ bé. Những tia nắng cuối cùng của ngày như còn bịn rịn, trút hết sinh khí của mình trên những cành cây, mái nhà, tràn xuống cả bãi cát dài mênh mông. Gió thổi rì rào như cối xay lúa, từ biển thổi vào mát rượi, khiến tâm hồn con người cũng trở nên thanh thản sau chuỗi ngày làm việc mệt mỏi. Gió thổi hai rặng phi lao ven bờ nghe xào xạc như đang cất lên khúc ca ca ngợi vẻ đẹp diệu kì của vùng biển quê hương.

Đằng xa, đàn chim lũ lượt kéo nhau về tổ. Một vài con sà xuống sát mặt biển như tìm kiếm nốt chút gì đó. Thủy triều làm cho nước biển rút dần nhưng những cơn sóng vẫn mang sinh khí tràn trề. Từng đợt sóng gối lên nhau, xô vào bờ cát để lộ ra những mảnh vỏ sò trắng muốt.

Đâu đây vang lên tiếng nói, tiếng cười, tiếng cảm thán của du khách khi được chứng kiến vẻ đẹp tuyệt bích của thiên nhiên. Một ngày đã dần kết thúc nhưng nhịp sinh hoạt mới lại bắt đầu mở ra. Hoàng hôn buông xuống cũng là lúc người dân chài chuẩn bị ra khơi đánh cá. Gương mặt ai cũng rạng rỡ vì sắp sửa được đi chinh phục thiên nhiên rộng lớn. Từng chiếc thuyền lần lượt tiến ra biển khơi. Chiếc nào cũng mạnh mẽ như con tuấn mã, lướt băng băng trên mặt biển. Những cánh buồm vút cao, thon thả, rướn thân trắng để thâu góp gió. Những người dân chài cất lên khúc hát yêu đời, yêu sống, cầu mong một chuyến đi thuận lợi, sóng yên biển lặng, cá đầy khoang.

Ngồi trên những tảng đá, gió thổi vào mát rượi mang theo hương vị mặn mòi của biển cả khiến mắt cay cay, đưa mắt xa xăm ngắm cảnh hoàng hôn dần buông xuống, một cảm xúc khó tả cứ chực trào dâng lên trong lòng em. Đó có phải là cảm giác vui sướng, ngỡ ngàng khi được chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục của thiên nhiên, hay đó là tình yêu quê hương, tình yêu biển cả tha thiết ? Thật tự hào khi được trở thành người con của biển cả. Sau này dù có đi đến những phương trời xa lạ thì Vũng Tàu và cảnh hoàng hôn trên biển quê hương vẫn in đậm trong tâm trí em như một điểm tựa tinh thần, một kỉ niệm tuổi thơ.

Thanh Thủy

BÀI VĂN MẪU SỐ 3 TẢ CẢNH HOÀNG HÔN TRÊN QUÊ HƯƠNG EM

Mọi người thường thích ngắm cảnh bình minh, khi mặt trời tỏa rạng muôn nơi tiếp thêm sức sống, năng lượng cho vạn vật đất trời. Thế nhưng niềm vui thích của tôi lại là được ngắm nhìn, đắm say và thả hồn vào cảnh hoàng hôn trên quê hương mình. Trái ngược với sự nhộn nhịp, huyên náo của buổi bình minh thì cảnh hoàng hôn lại yên ả đến lạ thường, đem đến cho người ta cảm giác rất thanh bình, rất Việt Nam.

Những tia nắng vàng chói chang, oi bức của ngày hè dần yếu ớt rồi biến mất. Bao trùm lên làng cảnh giờ đây là bóng chiều bảng lảng ánh hoàng hôn. Không còn cái nóng nực của những ngày hè, những cơn gió thổi mát rượi như xua tan đi mọi mệt nhọc của ngày lao động dài. Phía xa, lũy tre làng in bóng trên nền trời thật bình dị. Bầu trời trong xanh với những gợn mây như lũ trẻ con nắm tay thong thả đi chơi.

Cánh đồng đang thì con gái như tấm thảm xanh khổng lồ trải dài đến tận chân trời, xào xạc gió thổi như nói với nhau điều gì sau ngày dài. Các bác nông dân cũng tranh thủ kết thúc việc đồng áng để trở về nhà. Vừa đi họ vừa tíu tít trò chuyện, nụ cười mãn nguyện nở trên môi khi bàn về một mùa vàng bội thu. Đàn trâu nằm ngoan ngoãn dưới gốc đa cổ thụ như những đứa trẻ rất ngoan và vâng lời. Đôi mắt nhắm lim dim như nghỉ ngơi sau buổi cày đồng, thong thả nhai cỏ. Cạnh đó là quán nước chè của bà cụ Tứ đã bán ở đây từ lâu lắm rồi. Các cụ già ngồi nhâm nhi cốc nước chè và bàn luận về những sự kiện, vấn đề trong ngày. Trên con đường làng thân thuộc là hình ảnh những cô cậu học trò tung tăng đi học về, nói chuyện, nô đùa tung tăng; là màu áo xanh của các cô chú công nhân vừa đi vừa tâm sự sau giờ tan ca. Hai bên đường là những rặng dừa thẳng tắp, trái căng tròn như những đàn lượn đủng đỉnh trên cao. Hòa cùng tiếng gió và tiếng chim, một bản đàn thiên nhiên như được vang lên để xoa dịu bao mệt nhọc ngày dài, để hòa vào niềm vui khi hoàn thành công việc.

Thôn xóm bắt đầu nổi lửa để chuẩn bị cho bữa cơm sum họp cuối ngày. Từ những mái nhà tranh đơn sơ đến những ngôi nhà ngoi đỏ chót, khói bốc lên nghi ngút. Từng luồng khói trắng, cuộn xoáy hòa với không gian chiều tối tạo nên một bức màn kì ảo bao trùm khắp làng quê. Trời tối dần, tối dần đến khi mọi ánh sáng đã tan biến nhường chỗ cho màn đêm buông xuống. Nhà nhà lên đèn, từ xa nhìn lại, ngôi làng thân yêu ấy như một dòng sông dài rộng với những ánh hoa đăng bồng bềnh trên sóng nước. Đâu đây vang lên âm thanh của những tiếng đài cũ, là một giọng hò xứ Huế thân thương, là một làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào, say đắm. tất cả, tất cả bình yên đến lạ.

Cảnh hoàng hôn trên quê hương em thật đẹp. Với em thì đó không chỉ còn là cảnh mà đã trở thành một phần hồn, một phần đời, một nỗi niềm gắn bó sâu thẳm, một miền kí ức thân thương.

Vân Anh – wikihoc.com 

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *