Tả cây phượng vĩ và tiếng ve vào mùa hè lớp 6

Khi tạo hóa sinh ra các loài cây để làm đẹp cho cuộc đời thì chúng lại mang những ý nghĩa riêng của mình. Nếu cây hoa hồng tượng trưng cho tình yêu nồng cháy, hoa cẩm chướng tượng trưng cho tình mẹ thiêng liêng, cây xương rồng tượng trưng cho sức sống mãnh liệt…thì loài cây dành riêng cho tuổi học trò hồn nhiên, tinh nghịch chính là cây phượng vĩ. Hướng dẫn cách làm bài văn tả cây phượng vĩ vào mua hè với tiếng ve kêu, bài văn mẫu tả cây phương lớp 6

Các bài viết về chủ đề tả cây phượng vĩ được quan tâm :

  • Dàn ý tả cây phượng vĩ lớp 5

Mùa hè sang, những chùm phượng vĩ nở đỏ rực như mâm xôi gấc cùng với tiếng ve rả rích khắp mọi nơi đã khơi gợi những kỉ niệm không thể nào quên trong cuộc đời của những ai đã và đang trải qua quãng thời gian học trò tươi đẹp. Trong chương trình ngữ văn lớp 6, ta sẽ bắt gặp bài văn Miêu tả cây phượng vĩ và tiếng ve vào mùa hè. Bài văn này không khó vì đây là hai hình ảnh thân thiết, gắn bó với chúng ta. Tuy nhiên để bài văn được hay và sinh động thì cần tránh miêu tả lan man và tập trung vào miêu tả các chi tiết nổi bật như thân, rễ, lá, hoa khi miêu tả cây phượng. Khi tả tiếng ve thì nên miêu tả âm thanh bằng các hình ảnh so sánh. Dưới đây là các bài văn mẫu để mọi người tham khảo. Hi vọng với bài văn này, các bạn sẽ viết được một bài văn hay. Chúc các bạn may mắn!

hoa phuong

Hoa phượng vĩ được trồng ở nhiều khuôn viên trường học để tạo bóng mát và cảnh đẹp, hoa phượng nở rất đẹp

BÀI LÀM MẪU SỐ 1 TẢ CÂY PHƯƠNG VĨ VÀ TIẾNG VE VÀO MÙA HÈ

Những cơn mưa rả rích cuối cùng của tháng Ba kéo Hạ đến vội vã, nồng nàn, rạo rực trong mạch biến chuyển của thiên nhiên đất trời. Không một lời báo trước, chỉ khi thấy nắng lẻn vào trong lớp học làm lũ học trò giật mình mới thấy thời gian đến sao mà nhanh quá vậy. Lúc này mới nhận ra ve đã ngân trong vòm lá xanh tự lúc nào… Vậy là một mùa thi nữa lại đến và cũng là mùa phải chia xa mái trường. CUỐI CẤP. Ai đã từng là học trò mà không trải qua. Buồn, luyến tiếc, bâng khuâng. Lũ bạn rủ nhau đi hái hoa phượng ép trong cuốn nhật kí để lưu giữ lại một thời tươi trẻ hay lại:

  • “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
  • Em chở mùa hè của tôi đi đâu?”

Nhưng lạ thay hạ đến rồi mà phượng chưa thấy. Rồi đợi hoài, đợi mãi mà giữa sân trường vẫn chỉ biêng biếc màu lá xanh. Có lẽ năm nay đã buồn lại càng thêm buồn…!!!

Cây phượng vĩ đã đứng hiên ngang giữa sân trường từ lâu lắm rồi. Nhìn từ xa, cây như người bảo vệ khổng lồ che chở cho ngôi trường, cho lũ học trò nghịch ngợm. Cây phượng to lắm, phải ba, bốn người ôm mới xuể. Thân cây xù xì, màu nâu thẫm bạc đi theo năm tháng. Nhưng ít ai biết rằng trong lớp vỏ xù xì đó là cả một dòng sức sống đang chảy tràn mãnh liệt. Rễ cây ngoằn nghèo như những con trăn nổi lên trên mặt đất. Giờ ra chơi nào, tụi bạn cũng ngồi lên gốc cây để đọc sách, trò chuyện. Khi thì họ kể cho cây nghe những câu chuyện lí thú, có lúc cây lại trở thành điểm tựa, một người bạn đồng hành để chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn. Lá phượng rất đặc biệt, mỗi cành có rất nhiều lá, nhỏ li ti và mượt mà như lá me non. Những chiếc lá mọc song song hai bên cuống, trông giống đuôi con chim phượng hoàng. Vì lá phượng nhỏ như vậy nên khi hè sang, những tia nắng vàng ươm như rót mật lọt qua kẽ lá chiếu xuống sân trường như những đốm sáng, là một nét chấm phá giữa nền trời trong xanh.

Rồi bỗng một ngày, ngước mắt lên nhìn “cây học trò”, màu hoa đã đỏ rực từ bao giờ. Màu đỏ tinh khôi được chắt chiu từ sự âu yếm của mẹ thiên nhiên, từ sự ân cần chăm sóc của các cô cậu học trò. Phượng không giống hoa cúc để nở quanh năm, cũng không giống hoa hồng để tỏa hương thơm quý phái. Phượng chỉ làm duyên với học trò nên chọn tháng năm để rực rỡ. Hoa phượng trổ từng chùm, lan tỏa từ nhánh nọ sang nhánh kia. Cuống hoa màu xanh non cỡ cọng chổi tàu cau. Từ đài hoa như ngôi sao mai, từng cánh hoa mềm mại, uyển chuyển khoe sắc thắm. Cánh phượng mỏng như cánh bướm, dập dìu trong gió gọi chim muông đến vui cùng. Giữa hoa, các nhị vươn cao và vây quanh nhụy vàng. Lũ tiểu quỷ thường lấy nhị hoa móc vào nhau để chơi chọi gà. Tiếng hò hét, cổ vũ vang lên tô điểm cho mùa hè. Hè còn về là phượng còn nở, là còn một khung trời trong sáng dành cho tuổi thơ, là những trang lưu bút với dòng chữ nắn nót, cảm xúc chứa chan.

Không khí chợt xôn xao hẳn lên khi trong vòm lá xanh, chú ve sầu đã cất tiếng. Tiếng ve inh ỏi. Một con ve kêu, hai con ve kêu…rồi cả một dàn nhạc ve sầu lên tiếng. Chúng đang tấu lên bản giao hưởng mùa hè, bài ca tuổi trẻ. Tán phượng say nồng, những cành mềm rung rinh màu lá xanh hoa đỏ. Tiếng ve không hay như tiếng hót lảnh lót của chim sơn ca hay họa mi, tiếng ríu rít của chim sẻ. Tiếng ve cứ rả rích suốt ngày đêm, suốt những tháng năm rực rỡ như gọi về một miền kí ức xa xôi.

Ngày tổng kết, nước mắt nhòe trên vai áo ai. Học trò thầm trách phượng nở muộn làm chi cho mùa chia tay rưng rưng nỗi nhớ. Phượng nở muộn làm chi để cho ai nuối tiếc. Sao phượng không nở sớm hơn để tuổi học trò ở lại lâu hơn. Nhưng biết sao được chắc phượng cũng buồn lắm chứ. Phượng không nở sớm vì không muốn mùa hè đến nhanh, thời gian vụt mất. Phượng không nở sớm để cho lũ học trò cùng đợi, cùng mong, cùng nhớ. Chẳng thế mà ngày chia tay phượng lại rưng rưng nước mắt:

  • “Hoa phượng đỏ sân trường như muốn nói
  • Mùa chia li đỏ chói giấc mơ đầu”

Ngày mai và cả trăm ngày sau nữa, phượng vẫn đứng đây để đợi học trò. Ve vẫn ngân trong vòm lá xanh biếc. Còn học trò, mai xa rồi có nhớ nhau thật nhiều?hoa phuong vi

Hoa Phượng vĩ nở và tiếng ve kêu là dấu hiệu báo mùa hè sắp tới và học sinh cũng chuẩn bị được nghỉ hè

BÀI LÀM MẪU SỐ 2  TẢ CÂY PHƯƠNG VĨ VÀ TIẾNG VE VÀO MÙA HÈ

  •  ” Hôm qua còn lấm tấm
  •   Chen lẫn màu lá xanh
  •   ‎Sáng nay bừng lửa thẫm
  •   ‎Rừng rực cháy trên cành ”

Những lời thơ quen thuộc ấy vang lên, lòng tôi lại thấy nao nao buồn, lặng nghĩ về một mùa đã qua, kí ức lại chợt ùa về trong sắc thắm của hoa phượng với âm thanh ngân dài của tiếng ve kêu.

Làm sao tôi quên được cảm xúc lần đầu tiên vào mái trường thân yêu, hình ảnh cây phượng sừng sững xòe tán lá rộng che phủ cả một góc sân trường. Phượng đứng cao vút với những vòm lá xanh xanh như chạm tới mái nhà. Cây phượng bắt đầu thắp lửa rồi. Lúc ấy, lũ học trò chúng tôi mới sực nhớ: hè đã về!

Những ngày đầu hè, phượng lác đác những bông hoa như cánh bướm. Sau đó từng đóa lung linh và từng chùm rực rỡ khắp cành. Những chùm phượng đỏ như thắp cháy lên những kỉ niệm về tuổi học trò.

Ngồi dưới tán phượng những ngày hè nắng như đổ lửa, ngước mắt nhìn chẳng thấy ve đâu mà nghe rõ tiếng ve râm ran trong tán như hợp âm của một dàn đồng ca mùa hạ vậy. Có ai thích tiếng ve như lũ học trò chúng tôi không? Tiếng ve không lảnh lảnh như tiếng sáo sậu, cũng chẳng ngọt ngào như tiếng họa mi, tiếng ve là tiếng lòng thổn thức của lũ học trò trước ngưỡng cửa mùa chia li. Tiếng ve ngân dài chẳng ngớt, da diết, rộn ràng như dội vào tâm thức học trò một miền kỉ niệm bên trường lớp, bè bạn. Dường như chỉ cần thấy phượng đỏ, chỉ cần nghe tiếng ve, chúng tôi đủ giật mình mà nhận ra một mùa chia tay nữa sắp sửa. Tiếng ve lại như hối thúc một niềm trân trọng, nâng niu những tháng ngày học trò còn ngồi lại bên nhau.

Ôi! Sắc phượng, tiếng ve – cả một miền tuổi học trò tôi lưu lại ở đó. Tôi yêu lắm những nụ hoa vừa hé, yêu cả những cánh hoa đã nở rộ và lác đác chao nghiêng. Tôi yêu cái gốc sần sùi, bạc phếch mà lũ chúng tôi thích đến túm năm tụm ba khắc khắc, ghi ghi. Tôi nhớ cái ngày chia ly rực màu phượng đỏ, hoa phượng lác đác rơi như mang theo cả nỗi vấn vương, bịn rịn hòa trong tiếng ve tha thiết nghe đến nghẹn ngào. Trong giờ phút ấy, chúng tôi biết ai cũng có sắc hoa và âm thanh tiếng ve nằm ở lồng ngực rồi.

Cứ thế, phượng cứ đỏ và ve vẫn kêu như gọi dậy trong tôi cả một miền hoài niệm đẹp đẽ của tình thầy trò, tình bè bạn mến yêu.

Hoa phượng, tiếng ve yêu chúng tôi đến thế. Chúng tôi cũng nhớ cánh phượng và tiếng ve biết nhường nào. Một mai đây xa trường tôi sẽ chẳng quên đâu những tháng ngày hồn nhiên, vô tư lang thang đi nhặt cánh phượng rơi trong tiếng ve xôn xao lòng người. Mùa phượng và mùa ve – mùa yêu – mùa nhớ – mùa chia xa.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *