Kể về một kỉ niệm đáng nhớ của em, bài văn mẫu kể chuyện về kỷ niệm sâu sắc mà em nhớ mãi

Hướng dẫn làm bài văn kể về một kỉ niệm đáng nhớ lớp 6 hay nhất, bài tập làm văn mẫu kể chuyện về kỷ niệm mà em vẫn còn nhớ nhất sâu sắc mà em vẫn nhớ mãi trong tâm trí em với bạn bè thầy cô dưới mái trường học

Các bài viết về chủ đề kỉ niệm đáng nhớ được quan tâm :

  • Bài viết số 3 lớp 9 đề 3: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ với thầy giáo, cô giáo cũ lớp 9
  • Bài viết số 2 lớp 8 đề 1: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với con vật nuôi mà em yêu thích
  • Dàn ý bài viết số 2 lớp 8 đề 1: Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ đối với con vật nuôi mà em yêu thích
  • Dàn ý kể về một kỉ niệm đáng nhớ lớp 6

Bước chân thời gian trôi qua thật nhanh, đôi khi nó xóa nhòa trong ta những kí ức. Nhưng chắc hẳn sẽ có một kỉ niệm hằn sâu trong tâm trí ta mà thời gian không thể rửa trôi. Dường như kỉ niệm ghi dấu trong kí ức không quan trọng nó mang lại niềm vui hay nỗi buồn mà đáng lưu tâm hơn là khi nhìn lại quá khứ ta được gặp lại chính mình và rút ra những bài học ý nghĩa. Có khi ta thoáng cười vì những phút ngây ngô của tuổi thơ, có khi ta trầm lặng khi mình mắc lỗi. Kỉ niệm ấy có thể gắn với gia đình, bạn bè, thầy cô, cũng có thể gắn với những kỉ vật thân thương hay con đường, cái cây trước cổng nhà…Nhìn ngắm lại kỉ niệm đáng nhớ không phải lúc để ta hoài cổ mà là khoảnh khắc giúp ta biết nâng niu, trân trọng những gì thuộc về mình ở hiện tại. Sau đây là những bài văn mẫu các bạn có thể tham khảo trước những băn khoăn về đề bài này. Chúc các bạn thành công!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 KỂ VỀ MỘT KỈ NIỆM ĐÁNG NHỚ CỦA EM DƯỚI MÁI TRƯỜNG VỚI BẠN BÈ VÀ THẦY CÔ

Qua khung cửa sổ lớp học, em thường ngắm rất kĩ nơi nhành phượng vươn xa nhất có hai nụ hoa phượng chúm chím vui đùa trong nắng. Chúng giống như em và Lan vậy. Chúng em chơi thân với nhau khoảng ba năm nhưng kỉ niệm lần đầu hai đứa gặp nhau nơi dưới gốc phượng, em không sao quên được.

Vào buổi sáng mùa thu hôm đó, em bước vào một ngôi trường mới. Tan học em vội chạy ùa ra sân đợi mẹ tới đón để khoe về bao điều thú vị mới được tìm hiểu trong buổi học đầu tiên. Bỗng em thấy Vi- cô bạn học chung mẫu giáo, chạy phía trước. Cậu ấy thường đội chiếc mũ hồng xinh xắn, vậy mà hôm nay còn kết tóc hai bên mới điệu chứ. Em không lạ gì dáng hình nhỏ nhắn, thân quen của nhỏ bạn. Em nhẹ nhàng chạy phía sau, để tặng nó một món quà “ siêu” bất ngờ. Rồi nhanh nhẹn đưa chân, chuẩn bị đá vào mông Vi một cái. Nào ngờ một hòn đá lù lù nằm đó, thế là tuyệt chiêu như dự kiến chưa được tung ra, em đã nằm “ đo ván” trên mặt đất. “Hịch”- “Chao ôi, đau quá!”.

Nghe tiếng động phía sau cô bạn kia quay lại, thấy em nằm sóng soài. Chân tay bị xước da, rỉ máu. Em xấu hổ không dám ngẩng mặt nhìn. Bạn nhanh chóng tiến lại gần, ngồi bên em và đỡ em dậy. Giọng nói trong trẻo:

Bạn không sao chứ?

Lúc đó em mới ngước nhìn bạn bằng đôi mắt nhòe nhoẹt nước. Đó cũng là lúc em nhận ra mình đã lầm, đó không phải Vi mà là bạn nhỏ xa lạ. Thấy em ngây mặt, bạn mỉm cười thật tươi. Em dựa vào bạn đứng lên, phủi quần áo mà thấy ngượng ngùng quá. Em khẽ lắc đầu, đáp khe khẽ:

Tớ không sao. Hức… Cảm ơn cậu.

Không có gì.

Rồi bạn tạm biệt em, đôi chân thoăn thoắt chạy ra cổng trường. Bất giác em thấy trìu mến cô bạn nhỏ nhưng em quên khuấy mất chưa kịp hỏi tên bạn.

Sáng hôm sau đến lớp, nhà trường có một số thay đổi học sinh trong các lớp. Khi thầy giáo giới thiệu với lớp em một cô bạn mới chuyển sang, em thoáng giật mình. Hóa ra là cô bạn mũ hồng nhỏ xinh ấy. Thấy em ngồi một mình cuối lớp, thầy để bạn ngồi cùng bàn với em. Nhìn em, bạn cũng ngạc nhiên không kém, nhưng vẫn nụ cười tươi trong sáng như ngày hôm qua.

Chào bạn!

Ừ, chào.

Sau đó, em biết bạn tên Lan- cái tên thật đẹp. Càng trò chuyện, chúng em càng thấy thân thiết, tiếng nói trong, vô tư của Lan làm em ấn tượng mãi. Có lần, hai chúng em, chuyện trò sôi nổi quá, bị cô giáo nhắc nhở vì nói chuyện tự do trong giờ học. Khi nhắc lại câu chuyện hiểu nhầm hôm trước, em hơi lưỡng lự và thú nhận lúc đó mình có “ âm mưu tấn công” một đứa bạn thân mà không ra mình đã nhầm lẫn một cách ngốc nghếch như thế. Chăm chú nghe lời em, Lan khẽ  “ ồ” một tiếng rồi vỗ vai em cười nói: “ Cậu được lắm!”.

Tuổi học trò trôi qua thật nhanh, đôi khi có sự nhầm lẫn thật đáng yêu để lại cho ta những điều đáng nhớ. Mỗi lần hồi tưởng về kỉ niệm lần đầu tiên gặp Lan, như nhắc nhở em cần trân trọng tình bạn đẹp đẽ này mãi mãi.

Thu Hường – wikihoc.com

ky niem dang nhoDưới mái trường mến yêu của các cấp học sẽ để lại cho nhiều thế hệ học sinh những kỷ niệm nhớ mãi không phai với bạn bè và thầy cô

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 KỂ VỀ MỘT KỈ NIỆM ĐÁNG NHỚ LỚP 6 TÌNH CẢM GIA ĐÌNH MẸ DÀNH CHO CON

Tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng không gì có thể sánh bằng. Nhà là nơi ta sinh ra, khôn lớn, trưởng thành, là chốn về sau bão giông cuộc đời. Có những lúc ta vô tình bỏ quên gia đình nhưng sau tất cả, ta lại nhận ra mình thèm cái ôm ấm áp của mẹ cha, thèm được nghe những tiếng cười hạnh phúc, và hơn hết nhận ra hạnh phúc đến từ những điều vô cùng bình dị.

Mẹ tôi mất từ khi tôi mới sinh ra. Một mình ba phải gà trống nuôi con. Gánh nặng gia đình đè nặng lên vai người đàn ông lam lũ. Năm tôi mười tuổi, ba lấy vợ. Ba bảo thấy tôi suốt ngày lầm lũi nên muốn tôi có một người mẹ để chăm soc, dạy dỗ. Cũng bởi lẽ bàn tay người đàn ông không thể chăm sóc tốt con cái như phụ nữ được. Dì là một người phụ nữ đã ly dị. Có lẽ do đồng cảnh ngộ mà ba tôi và dì đã đem lòng cảm mến nhau. Nhưng lúc đó, tôi không nghĩ nhiều được như thế. Vì thương mẹ mất sớm, cũng bởi chưa chấp nhận được sự thật ngay được nên tôi đem lòng oán trách ba và dì. Tôi luôn tìm cách làm khó dì khiến đôi lần dì phải dấu nước mắt vào trong mà mãi sau này vô tình tôi mới thấy được. Do chịu cú sốc lớn về mặt tinh thần, đến trường bị bạn bè trêu ghẹo là đứa không có mẹ, ba không yêu thương nên lấy dì ghẻ, tôi sinh ra ghen ghét và một lần đã đánh bạn bị thương. Ba và dì phải đến giải quyết. Dì chẳng trách mắng tôi mà ngược lại, ôm tôi vào lòng, ứa nước mắt: “Cho dì xin lỗi”. Nhưng tôi đã khước từ sự yêu thương của dì, vùng vằng đi bộ về nhà một mình. Sau lần đó, tôi sinh chứng trầm cảm, suốt ngày ngồi lì trong phòng, đến trường cũng chẳng giao lưu, chỉ ngồi một chỗ. Thỉnh thoảng tôi lại mở cuốn album ảnh chụp ba và mẹ lúc còn trẻ để. xem, rồi bất giác nước mắt cứ tuôn ra.

Có lần do tôi bỏ quên lời dì không mang áo mưa, kết quả là phải đội mưa về nhà. Cả người ướt như chuột lột. Đêm đó tôi lên cơn sốt cao. Bác sĩ bảo tâm bệnh đã hoá bệnh phát ra bên ngoài nên tôi không chỉ bị ốm như bình thường. Dì phải nghỉ làm ở nhà để chăm sóc tôi. Dì ngồi bên tôi suốt mấy ba ngày liền. Mái tóc đen dài bê bết mồ hôi. Đôi mắt thâm quầng đi vì thiếu ngủ. Nước da xanh xao đã đầy những nếp nhăn vì dãi dầu mưa nắng. Đôi bàn tay gầy guộc của dì thỉnh thoảng lại sờ lên trán xem tôi đã hạ sốt chưa. Bóng dáng gầy guộc in hằn lên vách tường mỗi khi dì chạy xuống bếp xem nồi cháo. Dì bón cho tôi từng viên thuốc, thìa cháo. Dì động viên: “Ráng lên con. Ráng ăn thì mới mau khoẻ được”. Lúc đó tôi chợt nhận ra hơi ấm từ bàn tay người phụ nữ ấm áp biết chừng nào. Lần đầu tiên tôi nhận được sự yêu thương, chăm chút từ một người phụ nữ. Sống mũi tôi bất giác cay cay nhưng cố kìm nước mắt lại vì ngại. Sau mấy ngày, tôi khoẻ dần lại, tinh thần cũng ổn định hơn trước. Tôi đưa mắt nhìn quanh nhà xem dì đâu thì thấy bác sĩ đi ra từ phòng ba. Ba và bác sĩ nói với nhau điều gì đó, vì tò mò nên tôi tiến lại gần để nghe ngóng. “Trời ơi!”. Tôi bàng hoàng, sửng sốt. Tôi như không tin vào tai mình. Dì đang mang trong mình một căn bệnh quái ác mà cơ hội phẫu thuật thành công chỉ có 50%. Nước mắt tôi cứ thế ứa ra, cảm giác giống như mình sắp mất đi một điều gì đó quý giá. Có lẽ do sức khoẻ đã vốn dĩ yếu, lại thức suốt mấy ngày tôi ốm nên dì lên cơn đau mà nhờ đó ba đã phát hiện ra bệnh tình của dì. Tôi chạy vội vào phòng, thấy dì đang miên man bất tỉnh. Tôi ngồi xuống giường, nắm chặt lấy bàn tay dì, lau những giọt mồ hôi đang ứa ra mỗi lúc một nhiều trên trán. Thấy tôi, dì mừng lắm, dì xoa đầu tôi, mấp máy điều gì đó mà tôi không nghe rõ. Tôi bật khóc nức nở. Trong tiếng khóc, tôi cất lên tiếng “Mẹ” tha thiết. Dì xúc động, cố gắng ngồi dậy, ôm chặt lấy tôi, nghẹn ngào “Ôi con tôi”.

Ngày dì đi phẫu thuật, ba và tôi túc trực bệnh viện. May mắn thay là ca phẫu thuật rất thành công. Tôi đã có cơ hội để sửa chữa lỗi lầm của mình. Lúc đó tôi đã nghiệm ra một chân lí giống như nhà văn nào đó đã từng nói: “Chúng ta chỉ cảm thấy giá trị thật sự của hạnh phúc cho đến khi chúng ta đã đánh mất hoặc sắp sửa mất nó”.

Thanh Thủy

BÀI VĂN MẪU SỐ 3 KỂ VỀ MỘT KỈ NIỆM ĐÁNG NHỚ

Mỗi người khi đi qua tuổi thơ của mình đều sẽ vương lại đó những kí ức, những mẩu chuyện nào đó. Đó có thể là một câu chuyện vui nhưng cũng có thể là những hồi ức buồn. Nhưng đó đều được gọi là kỉ niệm, và đều rất đáng nhớ. Tôi cũng mang theo mình một kỉ niệm mãi không quên với người bạn của mình.

Hồi mới vào lớp 6, tôi không có nhiều bạn bè lắm, chủ yếu là những bạn đã chơi với tôi từ hồi tiểu học. Là người khá trầm, không thích tiếp xúc với người lạ nên những tháng đầu tiên tôi không có thêm bất khi người bạn nào. Hoa là học sinh mới được chuyển từ trong Nam vào và ngồi cạnh tôi. Chuyện cũng chẳng có gì xảy ra cả vì tôi là người rất ít nói, chỉ lặng im trong khi mang tính cách người Nam Bộ, Hoa nói rất nhiều, hầu như lúc nào Hoa cũng nói và không hề thấy chán. Nhưng sau một hồi huyên thuyên, thấy tôi không phản ứng gì nên Hoa lại quay sang nói chuyện với những bạn khác. Cuộc sống chúng tôi không hề va chạm vào nhau.

Sáng hôm ấy, sau khi học xong, như thường lệ, tôi nhanh chóng sắp xếp sách vào cặp và đi về. Khi về đến nhà, sắp xếp sách vở, tôi mới nhận ra có một quyển sổ rất lạ trong cặp. Quyển số có màu hồng với những hình ảnh ngộ nghĩnh và xinh xắn to hơn bàn tay người. Nhìn bề ngoài cũng có thể đoán đó là nhật kí. “Nhưng của ai kia chứ?”. Ở ngoài không ghi tên. Tôi mở trang đầu tiên ra, nhìn nét chữ ngay ngắn, nắn nót tôi đoán ngay là chữ Hoa. Dù có không nói chuyện nhưng tôi vẫn biết chữ Hoa và bạn học như thế nào. “Biết đó là của Hoa rồi, nên gấp lại và trả cho Hoa vào ngày hôm sau”. Nhưng sự tò mò cứ đẩy tay tôi, “xem qua một chút cũng đâu có ai biết đâu!”. Tôi nghĩ thế và cánh tay cứ lật giở từng trang giấy. Đây, những ngày gần nhất:

“Thứ hai, ngày 16 tháng 1 năm 2017

Mình đã được chuyển đến nơi mới. Bạn bên cạnh thật là dễ thương!”

Ôi, cậu ấy khen tôi dễ thương. Thế là tay tôi lại lật giở trang tiếp:

“Thứ ba, ngày 17 tháng 2 năm 2017. Mình đã làm quen với gần hết lớp rồi, chỉ còn Phương thôi. Sao cậu ấy ít nói nhỉ? Cậu ấy không thích mình à?”

Không. Tôi đâu có nói là không thích Hoa đâu. Cậu ấy vừa xinh lại vừa dễ thương, vừa hoạt bát. Ai mà không thích được chứ. Chỉ là tôi không biết bắt đầu như thế nào và nói về chuyện gì nữa.

“Thứ sáu, ngày 20 tháng 2 năm 2017. Bố lại đánh mẹ nữa rồi, nhưng lần này mẹ cũng không đáp trả, chỉ để cho bố đánh. Mình đã bảo vệ mẹ nhưng cũng bị bố đánh. Mình rất sợ bố”.

Đọc đến những dòng này của Hoa, mắt tôi lại rưng rưng khó tả. Một cô bé vẫn hay hoạt bát và năng động lại phải chịu cảnh bạo lực gia đình? Hoa đã kiên cường như thế nào để luôn giữ trên môi nụ cười? Lòng tôi càng thấy thương Hoa, lại thấy tội lỗi vì đã xem trộm nhật kí của Hoa. “Làm sao để trả lại đây, mình không có dũng khí”.

Ngày hôm sau, tôi vẫn đi học bình thường. Nhưng tôi đã chủ động nói chuyện với Hoa. Lúc đầu bạn ngạc nhiên rồi cũng nhanh chóng cuốn vào cuộc hội thoại chúng tôi. Nhân lúc Hoa đi ra ngoài, tôi đã lẻn bỏ lại cuốn sổ vào ngăn bàn. Và mọi chuyện lại bình thường như cũ.

Sau này, khi đã trở thành bạn thân, tôi mới biết rằng cuốn sổ là do Hoa cố ý để tôi đọc được. Hoa mong rằng tôi sẽ hiểu và chịu nói chuyện với tôi. Và cậu ấy đã thành công. Từ đó, chúng tôi vẫn thường đưa nhau xem nhật kí của người kia. Một tình bạn đẹp ra đời từ kỉ niệm của cuốn sổ vô tình được đưa một cách cố ý.

Đoàn Hương – wikihoc.com 

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *