Kể về gia đình em – Bài văn mẫu kể chuyện về gia đình của mình lớp 6

Hướng dẫn làm bài văn kể về gia đình em hay nhất trong chương trình Ngữ Văn 6, bài tập làm văn mẫu kể chuyện về gia đình của em gồm các thành viên gia đình như ông bà bố mẹ anh chị em

Các bài viết về chủ đề kể về gia đình được quan tâm :

  • Kể về gia đình em lớp 3
  • Kể về gia đình em lớp 7
  • Dàn ý kể về gia đình em lớp 6
  • Dàn ý kể về gia đình em lớp 7

“Có một nơi để về đó là nhà, có những người để yêu thương đó là gia đình, có được cả hai đó là hạnh phúc.” Hạnh phúc của con người ta chỉ giản đơn như thế, chỉ gói gọn trong hai chữ “gia đình”. Thật bất hạnh cho những đứa trẻ sinh ra không thể sống trong gia đình toàn vẹn, đủ đầy. Những người có một mái ấm để đi về, để chở che có lẽ đã là hạnh phúc hơn những người khác nhiều lắm rồi. Hạnh phúc còn là khi được kể về gia đình mình với giọng đầy tự hào và hãnh diện. Nhưng để có thể truyền đạt được niềm hạnh phúc của mình trên trang giấy, tới người nghe, lại là một hành trình khác. Một niềm tự hào về gia đình, sự quan tâm và yêu thương dành cho các thành viên, mỗi cành hoa, đồ vật, sự khéo léo trong dẫn dắt và lôi cuốn người nghe, đó là những yếu tố để bạn tạo nên màu sắc riêng của mình trong từng trang viết. Mong rằng những dòng dưới đây sẽ là sự tham khảo, gợi ý cho bạn trong hành trình chinh phục những điểm cao. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 KỂ VỀ GIA ĐÌNH EM LỚP 6

Ai đó đã từng nói rằng: Tiền có thể mua được thuốc nhưng không mua được sức khỏe, tiền có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian, tiền có thể mua được nhà nhưng không mua được tổ ấm. Đó là gia đình, thứ mà dẫu đánh đổi bao nhiêu tiền bạc cũng không thể mua được. Và tôi luôn tự hào bởi có một tổ ấm đáng quý như thế.

Gia đình tôi sống theo lối truyền thống xưa, là một gia đình tam hệ: ông bà, bố mẹ và ba chị em tôi. Và tôi yêu thương tất thảy những thành viên trong gia đình mình.

Ông bà tôi là những con người thuộc thế kỉ trước, những người đã được nếm trải những tháng năm của mưa bom bão đạn, của những nạn đói và cả những tháng năm hào hùng của đất nước những ngày “Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?”, rồi cả những năm tháng hòa bình xây dựng đất nước như bây giờ. Ông tôi là một cựu chiến binh, đã vào sinh ra tử trên chiến trận, đã sống đúng với nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với nhân dân, Tổ quốc. Vì thế, khi được trở về, ông lúc nào cũng vui tươi, điềm đạm và chân thành như những người lính Cụ Hồ. Cuộc sống của ông thật nhẹ nhàng với những vườn cây cảnh, với thú uống trà và cả những trưa kể cho các cháu về thời trẻ của mình. Bà tôi chính là biểu tượng của người phụ nữ Á Đông. Nét duyên trong nụ cười, sự nhẹ nhàng trong lời ăn tiếng nói, khéo léo trong mọi việc, bà đều không bị thời gian lấy mất. Hay ngay cả thời gian cũng không nỡ lam điều đó? Bà tôi thích đan khăn, đan áo cho con cháu. Bà thường nói: “Đến cái tuổi gần đất xa trời rồi, làm được gì cho con cháu thì phải làm chứ, cho con cháu mình sau này bớt khổ”.

Có phải nhờ sự giáo dục của ông bà nội mà bố tôi mới trở thành người thành công và đáng kính như thế. Theo bước của ông, bố tham gia vào bộ công an góp phần đảm bảo trật tự an ninh đất nước. Có lẽ do đặc thù công việc, mấy chị em tôi chẳng mấy khi được thấy bố nhưng tình yêu thương và tấm lòng của bố tôi vẫn cảm nhận được qua mỗi cái ôm, món quà bố dành cho chúng tôi. Vì thế, chúng tôi gắn bó với mẹ nhiều hơn. Là một giáo viên, mẹ luôn biết cách dạy chúng tôi thế nào là đúng sai mà không áp đặt. Hơi ấm của mẹ, từng cái ôm, bàn tay uốn chữ cho chúng tôi đã trở thành tuổi thơ của những đứa trẻ chúng tôi rồi.

Tôi là chị cả trong ba đứa: một đứa lớp 1 và một đứa 4 tuổi. Nhưng chúng tôi chơi với nhau rất vui, như những người bạn không phân biệt. Vì thế, mỗi khi nghịch ngợm thì cả ba đứa đều bị mắng chung. Đôi khi vì giành đồ chơi, đồ ăn ngon mà chúng tôi cãi nhau, nhưng cuối cùng đồ ăn luôn được chia làm ba đều nhau, vì chúng tối sẽ ăn không ngon nếu những người kia không có đồ ăn.

Không có điều gì là hoàn hảo. Vậy nên, thỉnh thoảng chúng tôi cũng có những mâu thuẫn, vì những người của thế hệ trước không thế hiểu chúng tôi nghĩ và muốn gì. Nhưng ông bà tôi biết cách điều hòa mọi thứ, mọi người cùng ngồi lại với nhau để giải quyết. Nhớ những buổi tối cả nhà ngồi nhìn mâm cơm mà không dám ăn vì bố chưa về, những tối mọi người cũng ngồi xem phim thật là vui biết mấy.

Một gia đình hạnh phúc không cần có nhà cao cửa rộng, không cần nhiều tiền. Hạnh phúc sẽ đến nếu chúng ta biết lấp đầy chỗ trống cho nhau, để chúng ta được mãi mãi bên nhau.

Đoàn Hương – wikihoc.com

gia dinh 1
Gia đình luôn là nơi tìm về của mọi người những người thân luôn dành cho bạn tình cảm đặc biệt mà không ai có được

BÀI VĂN MẪU SỐ 2 KỂ VỀ GIA ĐÌNH CỦA EM

Mỗi người sinh ra đều lưu giữ trong tim hình ảnh của những thành viên, ấy chính là gia đình. Gia đình- hai tiếng gọi thân thương mà giản dị biết mấy. Đó là nơi ta chập chững những bước đi đầu đời, là nơi hạnh phúc luôn đong đầy trọn vẹn. Đó còn là nơi trở về sau những lần vấp ngã, là nơi mọi người yêu thương để tiếp cho nhau sức mạnh vững bước trên đường đời. Chỉ thế thôi thì em cũng yêu gia đình biết nhường nào.

Gia đình em là một tổ ấm gồm 6 thành viên: ông bà nội, bố mẹ, em và em gái em. Ông bà em năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng còn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông bà sống rất được lòng mọi người, được hàng xóm quý mến. Trong gia đình thì ông bà rất yêu thương con cháu. Từ nhỏ, em đã được chìm đắm trong điệu ru ầu ơ của bà, được say sưa trong những câu chuyện cổ tích của ông. Qua đó, em được giáo dục về cách sống đẹp, biết thương người như thể thương thân, tiếp thu những điều hay lẽ phải. Bởi vậy nên mọi người trong nhà đều yêu quý và kính trọng ông bà.

Đối với em thì bố chính là một thần tượng đầy ngưỡng mộ. Tuy không làm những nghề cao quý như bác sĩ, kĩ sư … Bố là một người công nhân tâm huyết với nghề. Bố là trụ cột vững chắc trong gia đình. Mỗi khi có những băn khoăn, trăn trở; vấp ngã hay thất bại thì bố như bức tường thành nâng đỡ em, giúp em mạnh mẽ, trưởng thành hơn trên đường đời. Những sương gió vất vả của cuộc đời in hằn trên khuôn mặt và làn da của bố, em lại càng yêu và kính trọng bố hơn.

Không chỉ có chuyên môn nghề nghiệp cao mà bố em còn rất khéo tay. Những vật dụng trong nhà hầu hết đều do bố tự tay làm. Bàn tay khéo léo ấy đóng cho em chiếc nôi thuở ấu thơ, làm cho   em con ngựa gỗ để vui chơi rồi lại tự làm kệ sách cho gia đình,… Là người làm chủ gia đình nhưng bố không hề gia trưởng, luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu để hạnh phúc được bền lâu.

Còn mẹ em, mẹ kém bố 3 tuổi, vậy là năm nay mẹ đã 35 tuổi rồi. Mẹ làm công nhân may ở một công ty gần nhà nên có khá nhiều thời gian rảnh để chăm sóc gia đình. Mẹ là đầu bếp số 1 của gia đình, luôn chế biến những món ăn hấp dẫn và bổ dưỡng.  Nếu bố là bức tường thành vững chắc thì mẹ chính là vòng tay dang rộng luôn ôm ấp và chào đón em. Vào thời gian rảnh, mẹ thường may quần áo cho em, thêu thùa may vá vốn là sở thích của mẹ.

Em gái em mới hơn một tuổi, đang tuổi tập đi tập nói nên rất dễ thương. Ở nhà, bé được mọi người gọi là Nhím. Bé rất thích xem các chương trình quảng cáo để tập nói theo. Giờ đây bé có thể nói những từ đơn giản như mẹ, bà, bố, ông… từ ngày có thêm bé, cả nhà em lúc nào cũng tràn ngập niềm vui và tiếng cười.

Gia đình em sống rất tình cảm, quan tâm và gắn bó với nhau. Tuy mỗi người đều có công việc của riêng mình nhưng đều dành thời gian cho mái ấm gia đình.

Gia đình em là một mái ấm thân yêu. Em yêu gia đình của mình và luôn tự nhủ sẽ học thật giỏi để không phụ lòng mẹ cha.

Vân Anh – wikihoc.com  

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *