Tổng hợp câu hỏi bài thơ: Sang thu (Hữu Thỉnh) – Ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn

Bài này sẽ khái quát phần Tác giả, một số nội dung chính về Tác phẩm và hệ thống các câu hỏi về bài thơ Sang thu có trong đề thi vào lớp 10 môn Văn.

Xem thêm: Tác giả, tác phẩm, các dạng đề: Sang thu

Câu 1: Bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh là bức thông điệp lúc giao mùa, em hãy trình bày mạch cảm xúc của bài thơ?

Trả lời:

Mạch cảm xúc của bài thơ: Sang thu là bức thông điệp lúc giao mùa, mùa hạ dần qua, mùa thu tới, khoảnh khắc ấy được diễn tả bằng sự rung cảm tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc của nhà thơ. Mạch cảm xúc xuyên suốt với nội dung độc đáo nổi bật: cảm nhận về thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa và suy ngẫm về đời người khi sang thu.

Câu 2: Nêu ý nghĩa nhan đề tác phẩm.

Trả lời:

Ý nghĩa nhan đề tác phẩm: “Sang thu” như một lời thông báo về bước chuyển mình lúc giao mùa. Nhan đề bài thơ cho người đọc thấy được cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về sự chuyển mình trong khoảnh khắc sang thu. Thông qua nhan đề ta cũng cảm nhận được góc nhìn và những rung cảm đẹp đẽ của Hữu Thỉnh trước cuộc sống và tự nhiên.

Câu 4: Xác định thành phần tình thái trong khổ thơ sau, nêu tác dụng.

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

Trả lời:

Thành phần tình thái thể hiện trong câu “Hình như thu đã về”. Cảm xúc “hình như” gợi cảm giác mơ hồ mong manh, chưa thật rõ nét. Gợi cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến đến lạ của tác giả trước bước chuyển mùa còn có phần chầm chậm tiếc nuối.

Câu 5: Em hãy chỉ ra các biện pháp tu từ có trong khổ thơ đầu của bài “Sang thu”?

Trả lời:

Biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ đầu bài “Sang thu”:

    – Biện pháp đảo ngữ:

       + Sử dụng động từ “bỗng” diễn tả sự bất ngờ, như một từ để thu hút tất cả các giác quan phải chú ý tới những dấu hiệu thu sang.

    – Thủ pháp nhân hóa: “sương chùng chình qua ngõ” khiến cho hình ảnh những màn sương giống như cô gái mong manh, tinh khôi vẫn còn ngập ngừng trong từng bước đi của mình → Hình ảnh đẹp về nàng thu mơ mộng, thanh tao.

Câu 6: Có thể thay thế từ “phả” bằng từ “tỏa” được không?

Trả lời:

Không thể thay từ “phả” bằng từ “tỏa” bởi vì:

    + Từ “phả” nghĩa là bốc mạnh hoặc tỏa ra thành luồng – theo từ điển của Hoàng Phê) là động từ có sắc thái mạnh hơn động từ “tỏa” mới diễn tả được mùi vị của hương ổi chín đậm trong gió, mạnh mẽ choán lấy tâm trí của con người, mùi hương đó quyện thành luồng, hương thơm như sánh lại.

    + “Tỏa” sẽ gợi ra sự lan tỏa về mùi hương trong không gian, hương ổi sẽ không thể kích thích và gây được ấn tượng mạnh với người cảm nhận.

    + Tác giả muốn gây ấn tượng mạnh với người đọc về sự tập trung khi cảm nhận hương vị đặc trưng của mùa thu.

Câu 7: Hãy viết đoạn văn 12 câu theo phương thức tổng hợp – phân tích – tổng hợp để làm rõ hình ảnh thiên nhiên lúc giao mùa và cảm xúc của con người.

Trả lời:

    Khổ thơ đầu bài sang thu vừa giản dị gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc bởi những cảm nhận tinh tế của tác giả trước sự chuyển giao mùa. Nhà thơ nhận ra tín hiệu thu sang trong ngọn gió thu mang theo luồng hương ổi chín ngào ngạt khiến tác giả phải thốt lên: “Bỗng nhận ra hương ổi”. Như một sự phát hiện tạo ra thú vị và bất ngờ cho tác giả, đó cũng là cách tác giả muốn thu hút sự tập trung của mọi giác quan để cảm nhận hết vẻ đẹp mùa thu. Hình ảnh “sương chùng chình qua ngõ” bắt lấy được cái hồn của thời gian, thời gian tưởng như vô hình bây giờ hiện hữu thành hình ảnh làn sương thu mỏng manh, chảy trôi chầm chậm như còn lưu luyến, quấn quýt những con ngõ nhỏ. Chính điều đó khiến tác giả cũng mơ hồ “hình như” gợi cảm xúc tác giả về bước chuyển mùa đầy bâng khuâng, xao xuyến. Khổ thơ đầu thật đẹp gợi lên được những rung động tinh tế của tác giả trước khoảnh khắc giao mùa.

Câu 8: Chỉ ra biện pháp tu từ trong khổ thơ:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Trả lời:

Biện pháp nhân hóa:

    + Sương chùng chình: nghệ thuật nhân hóa, kết hợp với từ láy gợi hình, diễn tả hình ảnh dòng sông êm đềm lững lờ trôi như lắng lại phù sa, khác với hình ảnh dòng sông mùa hạ giông bão.

    + Chim vội vã – nghệ thuật nhân hóa gợi lên hình ảnh những đàn chim dường như cũng vội vã hơn bởi chúng cũng đã cảm nhận được hơi se lạnh của mùa thu.

    + “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”: nghệ thuật nhân hóa độc đáo và thi vị nhất trong bài sang thu, đám mây như dải lụa mềm mại, uyển chuyển trên bầu trời, chiếc cầu nối mỏng manh giữa hai mùa.

       – Nghệ thuật đối: Sương chùng chình >< Chim vội vã – Vận động tương phản, tự nhiên muôn hình vạn trạng.

→ Nghệ thuật nhân hóa, đối khiến cho hình ảnh tự nhiên trở nên gần gũi, thân thuộc với con người, có sức truyền cảm tới người đọc cũng như gợi lên nhưng liên tưởng thú vị.

Câu 9: Hai từ “dềnh dàng” và cụm từ “bắt đầu vội vã” trong đoạn thơ vừa chép có ý nghĩa gì trong việc thể hiện dụng ý nghệ thuật của nhà thơ?

Trả lời:

Từ “dềnh dàng” và “cụm từ “bắt đầu vội vã” gợi ra hai trạng thái đối lập của sự vật, hiện tượng.

    + Sông dềnh dàng: gợi hình ảnh dòng sông chầm chậm, lững lờ trôi, giống bước đi của thời gian và của khoảnh khắc giao mùa thanh tao, nhẹ nhàng.

    + “Bắt đầu vội vã” là hình ảnh những đàn chim bắt đầu tìm cho mình cuộc sống ám áp, dễ chịu hơn, tránh đi sự se lạnh của mùa mới đang tới gần.

Câu 10: Hãy phân tích câu thơ:

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Trả lời:

Hai câu thơ cuối khổ thơ thứ hai của bài “Sang thu” gợi ra sự tưởng tượng đầy chất thơ, đúng như sự nhẹ nhàng, mềm mại của mùa thu.

Nghệ thuật nhân hóa giúp ta hình dung đám mây mùa hạ đang có sự biến đổi, để bước sang mùa mới. Hình ảnh đám mây hiền lành, lặng lẽ nhưng như vẫn còn nhiều sự tiếc nuối, lưu luyến chưa muốn rời.

Hình ảnh đám mây, cầu nối giữa hai mùa trong khoảnh khắc giao mùa. Tác giả thông qua quan sát tinh tế, kĩ lương còn có ngòi bút nghệ thuật bay bổng mới có thể tạo được những câu thơ thật đẹp, khiến cho người đọc lâng lâng trước khoảnh khắc sang mùa.

Câu 11: Viết đoạn văn 12 câu theo phương thức diễn dịch nêu cảm nhận của em về khổ thơ thứ hai trong bài “Sang thu”.

Trả lời:

    Nếu khổ thơ đầu bài “Sang thu” thể hiện tín hiệu thu sang, thì tới khổ thơ thứ hai hình ảnh, sự vật, không gian được mở rộng và có chiều sâu hơn thông qua cảm nhận và quan sát tinh tế của Hữu Thỉnh. Hình ảnh dòng sông “dềnh dàng” tiếp nối chuỗi hình ảnh mơ hồ sương khói ở khổ một nhưng lại mang cảm giác thư thái, thảnh thơi của con sông sau những ngày bận rộn chảy trôi trong mùa mưa lũ. Sự dềnh dàng phải chăng cũng chính là con người trước khoảnh khắc giao mùa muốn lắng mình lại, để suy tư về cuộc đời và để lại dấu ấn đẹp cho cuộc sống. Đối lập với hình ảnh đó là hình ảnh “chim bắt đầu vội vã”. Những cánh chim, tiếng hót líu lo vui nhộn của mùa hè giờ đây dường như bận rộn hơn, để tìm nơi ấm áp tránh cái lạnh của mùa mới. Nhưng kết tinh đẹp nhất là hai câu thơ: “Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Sức gợi của câu thơ là vô hạn khi gợi lên trong lòng người đọc về hình ảnh chiếc cầu giao mùa mỏng manh như đẹp và nên thơ. Ranh giới vô hình trong khoảnh khắc giao mùa tác giả bắt trọn vẹn khoảnh khắc đó để rồi cô kết trong câu thơ mềm mại, uyển chuyển như chính hình ảnh mà tác giả vẽ lên trong bài.

Câu 12: Có ý người cho rằng hình ảnh “sấm” và “hàng cây đứng tuổi” là hình ảnh ẩn dụ. Em có đồng ý với ý kiến đó không, tại sao?

Trả lời:

    + Sấm và hình ảnh hàng cây đứng tuổi ở đây chính là hình ảnh ẩn dụ, chứa đựng suy nghĩ và triết lý về con người và cuộc đời.

    + Sấm tượng trưng cho những điều giông bão, những thử thách khó khăn trong cuộc sống.

    + Hàng cây đứng tuổi ẩn dụ cho những con người từng trải, những trải nghiệm đã tôi luyện thành những con người cứng cáp.

Cả hai câu thơ: “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi” để nói về lắng đọng rất suất để nhận ra xao động mơ hồ huyền ảo của thiên nhiên và những sự xôn xao, bâng khuâng sâu lắng con người. Hai câu thơ cuối nói về hình ảnh con người trải qua biến cố thử thách sẽ có kinh nghiệm, trở nên hiểu mình, hiểu người và hiểu đời hơn.

Câu 13: Dựa vào kiến thức đã học từ bài “Sang thu” em hãy phân tích ý kiến: “Hình ảnh hàng cây đứng tuổi ở cuối bài thơ là chìa khóa quan trọng dẫn lối người đọc tới hồn người sang thu.”

Trả lời:

Khổ thơ cuối bài “Sang thu” là khổ thơ kết tinh những chiêm nghiệm, suy ngẫm của tác giả về con người và cuộc đời trước khoảnh khắc sang thu. Chẳng thế mà, có người nhận định “Hình ảnh hàng cây đứng tuổi đứng tuổi ở cuối bài thơ là chìa khóa quan trọng dẫn lối người đọc tới hồn người sang thu”. Đất trời sang thu, vạn vật thay đổi còn lòng người thì bâng khuâng, xao xuyến trước khoảnh khắc của bước chuyển mùa.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *