Thuyết minh về một làng nghề truyền thống

Thuyết minh về một làng nghề truyền thống được HSG sưu tầm và đăng tải. Bài văn mẫu thuyết minh về một làng nghề truyền thống này không chỉ là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các bạn học sinh mà còn là tài liệu hữu ích dành cho quý phụ huynh cũng như giáo viên sử dụng để kèm các bạn học thêm. Mời các bạn cùng quý thầy cô và quý giáo viên tham khảo.

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về làng nghề truyền thống của quê hương (tên, ở đâu, có thể chọn cách trực tiếp hoặc gián tiếp)

2. Thân bài

– Nêu cụ thể hơn địa chỉ của làng nghề: nằm ở đâu, cách đi đến và nhận dạng như thế nào?

– Nêu nguồn gốc, lịch sử hình thành của làng nghề truyền thống ấy

+ Làng được hình thành, ra đời từ khi nào?

+ Lịch sử của làng gắn với sự kiện, nhân vật quan trọng nào?

+ Thời gian tồn tại và phát triển dài bao lâu?

– Chi tiết về làng nghề truyền thống ấy

+ Trong làng có bao nhiêu gia đình theo nghề?

+ Khung cảnh làng như thế nào?

+ Sản phẩm truyền thống của làng nghề là gì? Hiện nay, người dân trong làng vẫn duy trì phương pháp thủ công hay hiện đại? Nêu nét thay đổi, tiến bộ trong hoạt động làm nghề của con người nơi đây.

+ Quá trình những người nghệ nhân làm nghề có gì đặc biệt, gây ấn tượng với em?

+ Sản phẩm tạo ra có hình dáng, màu sắc như thế nào? Thể hiện nét đặc trưng chỉ thuộc về làng nghề này…

– Những sự vật, khung cảnh khác xung quanh làng nghề

– Nêu vị trí, giá trị của làng nghề truyền thống ấy trên đất nước, với người dân nơi đây.

3. Kết bài

– Khẳng định lại lịch sử lâu đời của làng nghề

– Tình cảm của bản thân với làng nghề đó.

“Con sông dùng dằng con sông không chảy

Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…”

(Thu Bồn)

Ai đã một lần đến Huế, hẳn sẽ không bao giờ quên xứ sở mộng mơ ấy. Trên dòng Hương Giang dùng dằng không chảy, những cánh hoa giấy lặng lẽ trôi theo dòng. Những cánh hoa ấy gợi nhắc cả làng nghề truyền thống của Huế – Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.

Thuyết minh về một làng nghề truyền thống

Hoa giấy là một phần không thể thiếu vào ngày tết, đặc biệt là ở Cố đô Huế – Kinh đô của chế độ phong kiến cuối cùng ở nước ta. Làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra đời gần 400 năm trước dưới thời các Chúa Nguyễn. Nhưng mãi cho đến 1802 mới được mọi người biết đến.

Người làng kể lại năm đó, sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi một trấn đem về Kinh một loài hoa quý để dâng lên vua. Lúc này trong triều đình có một vị quan, người làng Thanh Tiên, làm ở Bộ Lễ chức Tả Hữu Đồng Nghị, dâng lên nhà vua một loài hoa ngũ sắc với đầy ý nghĩa độc đáo tượng trưng đầy đủ đạo lý Tam Cương – Ngũ Thường, ông tâu rằng: “Mỗi cành bao giờ cũng có 8 hoa chính. Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung – Hiếu – Nghĩa. Trong đó luôn luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất tượng trưng cho Mặt trời, đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín”. Nghe xong, nhà vua hiểu được ý nghĩa của loại hoa giấy Thanh Tiên, lấy làm thích thú, và sau đó ban chiếu khuyến khích người dân làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bày biện, bán lên kinh đô và phổ biến nghề làm hoa giấy cho mọi người biết. Từ đó, nghề làm hoa giấy của làng nổi tiếng khắp đất nước

Hoa giấy Thanh Tiên tuy đơn giản nhưng làm lại không dễ. Bởi lẽ ngoài sự khéo tay, người thợ còn phải có óc thẩm mỹ cao mới có thể cho ra đời những sản phẩm đẹp và tinh tế. Đặc biệt, người thợ phải có đức tính kiên trì, cần mẫn. Hoa giấy Tiên đặc biệt và đẹp nổi bật ở sự phong phú về màu sắc và có nhiều loại hoa khác nhau trên một cây bông, hình thức đẹp. Hoa để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu. Những bông hoa giấy dưới đôi tay người nghệ nhân làng Thanh Tiên dù bằng giấy nhưng giống y như hoa thật, thậm chí còn sinh động hơn hoa thật.

Hoa giấy đã trở thành một phần của Huế, tạo nên nét đẹp mộng mơ của xứ sở này. Hoa giấy tô điểm thêm cho cảnh sắc thiên nhiên. Hằng năm, đầu tháng Chạp, người dân làng Thanh Tiên đã bận rộn với việc chăm chút từng nhành hoa để kịp đón xuân về, tết đến, tô điểm thêm nét đẹp của tín ngưỡng dân gian Huế, của vùng đất Thần Kinh. Trên bàn thờ của người Huế luôn có một cây hoa giấy với nhiều màu sắc. Người dân xứ Huế đều ngưỡng mộ trước sự tài hoa, khéo léo và nghệ thuật làm Hoa sen giấy của làng Hoa giấy Thanh Tiên. Hoa sen giấy Thanh Tiên còn là món quà mà nhiều du khách quốc tế yêu thích, mang về tận quốc gia của mình như: châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.

Hoa sen giấy Thanh Tiên còn được cách tân làm biểu tượng trong các lễ hội lớn như Festival Huế, lễ hội áo dài, các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật và được trưng bày ở Đại Nội – Huế, ở Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu (Thanh Tiên, Phú Mậu, Phú Vang, TT Huế).

Trải qua bao biến động của thời gian, dù nhiều loại hoa nhựa ra đời nhưng làng nghề hoa giấy Thanh Tiên vẫn luôn giữ được vị trí của mình. Không chỉ là một làng nghề truyền thống lâu đời, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên còn là niềm tự hào của người Huế, lưu giữ nét đẹp văn hóa tinh thần mang đậm màu sắc Huế thương.

“Hỡi cô thắt vải lưng xanh

Có về Nam Định với anh thì về

Nam Định có bến Đò Chè

Có tàu Ngô Khách, có nghề ươm tơ.”

Mỗi khi câu thơ ấy vang lên, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về màu tơ vàng óng làng Cổ Chất. Theo dòng chảy vô tình của thời gian, bao năm qua đi, ngôi làng ấy vẫn giữ được truyền thống cổ xưa nhất, tạo nên một làng nghề truyền thống nổi tiếng ở đất Thành Nam. Người ta gọi là Làng tơ Cổ Chất.

Thuyết minh về một làng nghề truyền thống

Làng Cổ Chất lặng lẽ đặt mình ở một vùng của xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Từ trung tâm thành phố Nam Định chạy thẳng theo quốc lộ 21 hoặc xuôi dòng sông Hồng yên ả khoảng 20km về phía Đông Nam, bạn sẽ chợt thấy mình như lạc vào một không gian đậm chất xưa của đồng bằng Bắc Bộ. Đó là làng tơ Cổ Chất. Làng nghề truyền thống khẽ nép mình bên dòng sông Ninh hiền hòa, thơ mộng.

Từ rất lâu trước kia, ngôi làng này đã nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Không có ai nhớ rõ nghề này đã theo làng từ lúc nào. Chỉ nghe các vị bô lão kể lại rằng: vào đầu thế kỷ XX, Pháp xây một nhà máy ươm tơ ngay đầu làng Cổ Chất để khai thác sức lao động và lợi thế của vùng dâu tằm sông Ninh. Năm 1942, ông Phạm Ruân làng Cổ Chất đưa tơ lên Hà Nội dự thi và được Phủ Thủ Hiến Bắc Kỳ lúc ấy phong: “Cửu phẩm công nghệ”. Tơ làng Cổ Chất nổi danh từ ngày ấy.

Hồi tưởng lại quá khứ, các vị bô lão trong làng vẫn nhớ rõ khung cảnh tấp nập khi xưa của làng. Thương nhân ở khắp mọi nơi tìm về làng thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè – khu cảng sầm uất của Nam Định những năm trước 1945.

Cho tới hôm nay, làng có khoảng 500 hộ theo nghề ươm tơ. Tơ làng Cổ Chất có chất lượng rất tốt, những sợi tơ thanh mảnh, mềm mại, màu sắc tươi sáng. Người trong làng ươm cả tơ vàng và tơ trắng. Kén tằm được chọn lựa từ các vùng lân cận xa xôi hơn như Thanh Hóa, Hà Nam, Thái Bình. Ấn tượng đầu tiên khi mới bước chân đến ngôi làng cổ này là đâu đâu cũng thấy những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Thấp thoáng đâu đó là hình ảnh những người phụ nữ đang vắt những bó tơ vừa dệt. Tơ vàng, ánh mặt trời vàng hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh sặc sỡ sắc màu. Khoa học công nghệ phát triển, sản phẩm của làng bây giờ được sản xuất bằng cả phương pháp thủ công và máy móc, cho ra nhiều sản phẩm tơ đa dạng, chất lượng hơn.

Đi sâu vào những xưởng kéo tơ, ta lại càng ngỡ ngàng với những làn khói bốc nghi ngút từ nồi luộc kén. Ẩn phía sau những làn khói ấy là bóng dáng các bà, các chị đang miệt mài cho những chiếc kén tằm vào nồi, đôi tay khéo léo khuấy liên tục. Một lúc sau, kén thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi, những sợi tơ chui qua lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng quay đang quay tít. Sau đó, những bó tơ vàng, tơ trắng được ra đời.

Về thăm làng Cổ Chất, bạn không chỉ được tận mắt chứng kiến các công đoạn ươm tơ dệt lụa mà còn có dịp chiêm ngưỡng một làng quê mang đậm nét truyền thống xứ Bắc. Dạo quanh làng, bạn sẽ nhìn thấy Vạn Cổ Hương và chùa Phổ Quang. Đó là quần thể kiến trúc được Bộ văn hóa cấp bằng di tích lịch sử – văn hóa đền chùa Cổ Chất. Đặc biệt, bạn còn được nghe kể về những câu chuyện xa xưa gắn liền với những công trình này.

Trong làng có Chùa thờ Phật, đền thờ bốn vị Thánh tổ có công khai phá và dựng nên làng Cổ Chất xưa kia. Để nhớ công lao của những vị thành hoàng, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, mồng 6 tháng 3 âm lịch hằng năm, dân làng lại đón khách thập phương tới dâng hương. Cũng trong dịp đó, người dân nơi đây tổ chức các trò chơi dân gian như khởi đầu cho một mùa tơ vàng, một mùa lúa bội thu và cầu may cho một cuộc sống an khang thịnh vượng.

Làng tơ Cổ Chất từ lâu đã trở thành một làng nghề truyền thống của Nam Định. Nơi đây là quê nhà của những loại tơ tằm đẹp có tiếng đất thành Nam. Những sợi tơ, bó tơ vừa bền vừa đẹp, qua đôi tay những nghệ nhân đi đến mọi miền đất nước, dệt lên những bộ quần áo duyên dánh cho con người. Tơ Cổ Chất là nguồn kinh tế của cả một làng nghề, là lịch sử văn hóa soi chiếu lâu đời. Về làng cổ này, ta được tiếp xúc với những con người chân chất, hiền lành, gắn bó cả đời với nghiệp ươm tơ, dệt lụa và ngắm nhìn những khung cảnh tuyệt đẹp.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, tới tận hôm nay, Cổ Chất trở thành một làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp mọi vùng miền của Tổ quốc. Dù cho bao lâu đi nữa, làng nghề truyền thống ấy vẫn sống mãi trong tim những thế hệ hôm nay và cả mai sau.

Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan:

Ngoài ra các bạn tham khảo thêm tài liệu lớp 9 đầy đủ các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh… mà chúng tôi sưu tầm, chọn lọc bám sát với chương trình học lớp 9 hơn. Hy vọng rằng tài liệu lớp 9 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *