Thuyết minh về đôi dép lốp, cao su trong kháng chiến hay nhất – Bài viết số 3 lớp 8 đề 3

Chiến tranh qua đi, những gì còn lại trong kí ức của mỗi người, không chỉ là những chiến công vang dội “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, không chỉ là những tấm gương anh hùng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, không chỉ là những đêm dài hành quân “Quân đi rầm rập như là đất nung”. Đôi dép lốp, trước giờ vốn được coi là một kỉ vật của thời chiến, là chứng tích của một thời hào hùng đã qua. Đôi dép lốp, tuy giản dị mà lại chan chứa đầy ý nghĩa. Hướng dẫn làm bài văn thuyết minh về đôi dép lốp trong kháng chiến lớp 8 các bạn có thể tham khảo

Các bài viết liên quan tới chủ đề Bài viết số 3 lớp 8, đôi dép lốp đáng chú ý:

  • Dàn ý bài viết số 3 lớp 8 đề 2: Thuyết minh về cái bút bi
  • Bài viết số 3 lớp 9 đề 3: Kể về một kỉ niệm đáng nhớ với thầy giáo, cô giáo cũ lớp 9
  • Bài viết số 7 lớp 8 đề 2: Văn học và tình thương lớp 8
  • BÀI VIẾT SỐ 3 LỚP 10 ĐỀ 3: Viết truyện ngắn theo ngôi thứ nhất kể về con gà chọi bị bỏ rơi lớp 10

Bài viết dưới đây là bài văn thuyết minh về đôi dép lốp. Để làm được bài văn này, các em cần miêu tả được những đặc điểm của đôi dép, xen vào đó những mẩu chuyện về chúng để bài viết thêm phần sinh động. Mong rawgf bài viết dưới đây sẽ giúp các em có một bài văn mẫu hoàn chỉnh để có thể viết tốt những bài viết tương tự như vậy.

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 BÀI VIẾT SỐ 3 LỚP 8 ĐỀ 3 THUYẾT MINH VỀ ĐÔI DÉP LỐP TRONG KHÁNG CHIẾN

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam, những người chiến sĩ Cách mạng đã phải trải qua các cuộc chiến ác liệt, một mất một còn vô cùng khốc liệt. Cuộc chiến đấu gian nan là thế nhưng cuộc sống sinh hoạt lại vô cùng thiếu thốn, hành trang mang theo bên người chỉ có chiếc võng, cái bát ăn cơm, balo con cóc, chiếc mũ tai bèo,… Và một trong những hành trang không thể thiếu của mỗi người lính đó là đôi dép lốp.

Trước hết về nguồn gốc của đôi dép lốp ấy. Trong thời kì kháng chiến, khi kinh tế nước ta còn nghèo nàn, cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhân dân ta đã sáng tạo ra đôi dép lốp từ những lốp xe ô tô cũ thải ra rất nhiều mà không thể sử dụng vào việc gì khác.  Đôi dép lốp ra đời từ đấy. Loại dép này trong Nam gọi là “dép rầu”.

Đôi dép lốp có hình dáng giống những đôi dép bình thường. Quai dép được làm từ săm (ruột) xe ôtô đã qua sử dụng. Hai quai trước bắt chéo nhau, hai quai sau song song, vắt ngang cổ chân, bề ngang mỗi quai khoảng 1,5cm. Đế dép được làm từ lốp (vỏ) của xe ôtô hoặc được đúc bằng cao su. Đế được đục những cái lỗ để xỏ quai qua. Điều kì lạ là giữa quai và đế được cố định chắc chắn vào nhau không bằng bất cứ một thứ keo kết dính nào mà nhờ vào sự giãn nở của cao su. Dưới đế dép có những rãnh hình thoi để các chiến sĩ đi đường lầy lội cho đỡ trơn.

Dép lốp cao su dễ làm, giá thành lại rẻ và nhất là dễ sử dụng trong mọi địa hình, dù đèo cao hay suối sâu, đường lầy lội hay đất bụi đều đi rất dễ dàng. Do các quai dép ôm vừa khít với bàn chân nên chiến sĩ ta đi không biết mỏi vì cảm giác rất nhẹ. Dép lốp rất tiện sử dụng, cả thời tiết nắng nóng và mưa dầm. Trời nắng thì thoáng mát, mưa dầm thì không lo sũng nước. Dép lốp cũng dễ vệ sinh. Khi dính bùn đất chỉ cần rửa nước là sạch. Dép lốp sử dụng nhiều trong chiến tranh nên nó đã trở thành một biểu tượng của những người chiến sĩ Cách mạng và vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh cũng thường xuyên sử dụng loại dép này. Vì vậy mà dép lốp còn là một biểu tượng về sự giản dị của Bác. Nó mang những biểu tượng mạnh mẽ thể hiện được tinh thần chiến đấu của dân tộc ta. Mặc dù nó không hiện đại và đắt tiền nhưng giá trị của nó đến hôm nay, phải được coi là một điều có ý nghĩa và trở thành một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Không những thế, đôi dép lốp đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác của rất nhiều giới nhà văn, nghệ sĩ cả trong nước và ngoài nước. 

Ngày nay, tuy dép lốp không còn phổ biến như xưa nhưng nó nhắc nhở chúng ta về một thời đã qua với biết bao cay đắng, khổ cực mà cũng thật hào hùng, oanh liệt. Dép lốp đã làm nên vẻ đẹp giản dị, thanh tao của anh bộ đội cụ Hồ với lòng yêu thương đất nước vô bờ. Và cũng chính đôi dép ấy đã góp phần giúp dân tộc ta thoát khỏi ách nô lệ của bọn xâm lược và đôi dép lốp là một chứng nhân lịch sử trong một hành trình dài chống giặc ngoại xâm.

BÀI LÀM VĂN SỐ 2 BÀI VIẾT SỐ 3 LỚP 8 ĐỀ 3: THUYẾT MINH VỀ ĐÔI DÉP LỐP TRONG KHÁNG CHIẾN 

Lịch sử Việt Nam đã in dấu bao bước hành quân của những anh lính xanh màu áo. Che chở cho các anh là núi rừng bạt ngàn, là bát cơm sẻ chia của nhân dân. Cùng các anh ra chiến trường là khẩu súng “ngửi trời”, là chiếc mũ tai bèo, và là đôi dép lốp cụ Hồ giản dị mà thân thương. Đôi dép lốp nhỏ bé và bình thường ấy lại là chứng nhân cho những năm tháng hào hùng của dân tộc, là hiện hữu cho một thời máu lửa vàng son. 

Ở Việt Nam, nhiều thông tin cho rằng dép lốp được Đại tá Hà Văn Lâu sáng tạo ra, tuy nhiên chính Đại tá cũng đã thừa nhận ông lấy nguyên mẫu từ đôi dép mo cau hay ruột xe kéo của những người phu xe cho ý tưởng của mình. Kháng chiến chống Pháp gian lao đã khiến người con yêu nước nảy ra những sáng tạo nhằm chống lại hoàn cảnh khắc nghiệt, tạo ra một loại dép tiện lợi và bền rẻ như vậy. Không chỉ phổ biến trong đời sống hàng ngày và chiến đấu mà đôi dép lốp còn được chính lãnh tụ Hồ Chí Minh sử dụng trong sinh hoạt, thậm chí là trong một số lần ngoại giao. Tấm gương của lãnh đạo khiến cho dép lốp ngày càng được rộng rãi sử dụng và được mọi người gọi với cái tên thân thương: dép cụ Hồ. 

Dép lốp là một loại dép đơn giản, làm bằng săm và lốp. Một phần lốp xe ô tô đã qua sử dụng được cắt ra để làm đế dép. Quai dép được cắt từ săm ô tô cũ, hẹp từ một đến một centimet rưỡi, độ dài tùy thuộc vào kích cỡ của dép. Hai quai trước bắt chéo nhau, hai quai sau song song và vắt ngang cổ chân. Các quai được cố định vào dép bằng cách xỏ vào những lỗ đục trên dép, không cần đến bất kì chất kết dính là khác mà chỉ dựa tính co dãn của cao su. Trên đường hành quân, người chiến sĩ không tránh khỏi những chỗ trơn trượt, vì thế mà đế dép lốp cũng được thiết kế thêm những rãnh hình thoi để giảm độ trơn cho dép. Trong những năm 1970-1985, nhân dân ta còn sản xuất dép cao su bằng phương pháp đúc cao su thành đế và quai nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng ban đầu. 

Được tận dụng từ những nguyên liệu đã qua sử dụng dưới hình thức tái chế nên giá thành của một đôi dép thường rất rẻ. Độ bền của cao su và khả năng thích ứng với mọi loại địa hình cũng là một đặc điểm nổi bật khiến đôi dép lốp được sử dụng rộng rãi. Cùng với đó, khối lượng nhẹ, dễ dàng mang đi bên mình cũng là lợi thế cho hành trang của các chiến sĩ trên những đoạn đường trường hành quân. Bất kể trời nắng hay mưa, trèo đồi hay lội suối, với đôi dép lốp thì chẳng phải lo lắng gì cả, trời nắng thì thoáng mà mưa cũng không sợ bị ướt sũng như giày vải. Dép lốp cũng khắc phục được các nhược điểm về vấn đề vệ sinh của giày, dễ dàng làm sạch dù là bùn đất bám dính. Không chỉ có ý nghĩa cho đời sống sinh hoạt và chiến đấu, đôi dép lốp còn được coi như một món đồ “thời trang” của một thời kì lịch sử. Những năm 1970-1985, một bộ trang phục với mũ cối, quân phục xuân hè dài tay màu xanh lá cây tươi cùng một thắt lưng da và đôi dép cao su là “mốt” của thanh niên Việt Nam. 

Đôi dép giản dị nhưng lại là cả một thời kì kháng chiến dội vang của dân tộc. Đôi dép lốp đã nâng đỡ bao đôi chân hành quân, đã đi qua bao miền đau thương của tổ quốc, cùng bao chiến sĩ oanh liệt diệt giặc ngoại xâm. Nó hiện lên như một biểu tượng cho giai đoạn kháng chiến anh dũng của dân tộc, như một hình ảnh gắn liền với anh bộ đội cụ Hồ gần gũi và giản dị. Mặc dù dép lốp không còn phổ biến với đời sống sinh hoạt ngày nay nữa những đôi dép mộc mạc ấy vẫn được bán ở nhiều điểm du lịch như một món quà lưu niệm, vẫn được lưu giữ trong những bảo tàng lịch sử để gợi nhắc mỗi người dân về quá khứ anh dũng và đáng tự hào, về người lãnh đạo vĩ đại của dân tộc với đôi dép lốp giản đơn.

  • “Còn đôi dép cũ, mòn quai gót
  • Bác vẫn thường đi giữa thế gian”

Tố Hữu đã viết về đôi dép lốp, viết về Bác với sự kính trọng và đáng mến như thế. Qua bao đổi thay, qua bao sự bào mòn của năm tháng, đôi dép lốp vẫn phảng phất và in dấu trong lịch sử, trong tâm trí của những người con đất Việt, vẫn song hành với lịch sử, với những người chiến sĩ cộng sản trên bước đường cách mạng quang vinh. 

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *