Phát biểu cảm nghĩ về bài “Bạn đến chơi nhà” – Nguyễn Khuyến lớp 7 hay nhất

Hướng dẫn làm bài cảm nghĩ bài thơ” Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến hay và sâu sắc nhất mà các bạn có thể tham khảo. Mỗi chúng ta ai cũng có những người bạn để cùng nhau tâm tình và có được những phút giây chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống.

Các bài viết về chủ đề Bạn đến chơi nhà được quan tâm :

  • Soạn bài Bạn đến chơi nhà lớp 7
  • Soạn bài Bạn đến chơi nhà ngắn gọn lớp 7

Có những người bạn, người tri kỉ bên cạnh chia sẻ, niềm vui sẽ được nhân lên gấp đôi, nỗi buồn cũng sẽ vơi đi một nửa. Những điều đó đã khiến cho cuộc sống của chúng ta có nhiều kỉ niệm và động lực hơn bao giờ hết. Và Nguyễn Khuyến là một nhà thơ cũng có một tình bạn đẹp như thế. Vì thế mà những sáng tác của ông nói nhiều về tình bạn: bạn đồng quê, bạn đồng khoa,.. thể hiện tình bạn trong sáng, hết lòng vì nhau mà không có điều gì ngăn cách. Và trong số đó phải kể đến bài thơ “ Bạn đến chơi nhà”. Trong chương trình Ngữ Văn lớp 7, ta cũng bắt gặp đề bài phát biểu cảm nghĩ về bài thơ này. Đây là một dạng đề không khó mà rất quen thuộc. Dưới đây là bài viết mẫu hay nhất mà các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn học tập thật tốt.

BÀI VĂN MẪU PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ VỀ BÀI “BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ” CỦA NGUYỄN KHUYẾN LỚP 7

Viết về đề tài tình bạn  là một đề tài thường gặp của các thi nhân xưa. Có lẽ sâu sắc hơn vẫn là tình bạn đẹp của Nguyễn Khuyến dành cho Dương Khuê khi ông qua đời. Và đến với bài thơ “ Bạn đến chơi nhà” ta cảm nhận được tình bạn chân thật vượt lên những giá trị vật chất để cao hơn thể hiện một sự đồng điệu trong tâm hồn, sự nhập hóa làm một, sự hòa quyện giữa hai con người.

Mở đầu bài thơ nhà thơ nói về hoàn cảnh người bạn đến chơi nhà. Đó chính là một người bạn xa đã lâu không gặp thế nhưng vẫn nhớ đến nhau và đến thăm nhà thơ. Có thể nói ta thấy được ở đây sự yêu quý trân trọng nhau của một tình bạn già:

“Đã bấy lâu nay bác tới nhà.

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.”

Chữ “ bác” gợi nên thái độ niềm nở, thân mật và kính trọng của nhà thơ đối với bạn tri âm, một cách xưng hô thân tình. Đằng sau câu thơ, lời chào hỏi có thể là những giọt lệ ứa ra ở khóe mắt đôi bạn già. Cụm từ “đã bấy lâu” cho thấy được khoảng thời gian đã quá lâu quá xa rồi người bạn kia mới có thời gian đến chơi với nhà thơ. Dù cuộc sống còn khó khăn thế nhưng người bạn kia vẫn thu xếp được công việc đến thăm Nguyễn Khuyến điều đó cho thấy một tình bạn trong sáng thân thiết trân trọng nhau giữa nhà thơ và bạn mình. Thế nhưng, tình trạng lúc ấy, chỉ có một mình nhà thơ ở nhà, những người trẻ tuổi trong nhà đều đã đi vắng hết, ngay cả nơi để cho mọi người mua bán cũng lại không gần nhà. Những lí do hết sức khách quan ấy khiến cho nhà thơ không thể tìm được những đồ tốt để mời người bạn của mình.

“Ao sâu nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà

Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.”

Các tính từ “ sâu, cả, rộng, thưa” , các trạng từ chỉ sự tiếp diễn của hành động “ chửa, mới, vừa, đương”  hô hứng, bổ trợ cho nhau, được sử dụng thần tình, khéo léo, dung dị và tự nhiên. Những từ ngữ ấy được đặt bên cạnh những chi tiết miêu tả chấm phá đã làm hiện lên khung cảnh vườn tược, cây cối đang đơm hoa kết trái, ẩn chứa một sức sống tiềm tàng, gần gũi và mến yêu. Trong đầu của người chủ nhà, dần dần từng thứ được đưa ra, từ những thứ cao sang cho tới những thứ gần gũi và bình dị đối với món ăn thường ngày của mỗi người vậy mà vẫn không có đủ để dành cho bạn.

Không chỉ vậy, ngay cả miếng trầu là món tiếp khách truyền thống nhất của dân tộc, có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, nó được coi như phép lịch sự tối thiểu khi khách tới nhà mà Nguyễn Khuyến cũng không có để tiếp bạn:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có.”

Nhưng chính cái không có đó tác giả muốn nói lên một cái có thiêng liêng cao quý – tình bạn chân thành thắm thiết. Câu kết là một sự “bùng nổ” về ý và tình. Tiếp bạn chẳng cần có mâm cao cỗ đầy, cao lương mỹ vị, cơm gà cá mỡ, mà chỉ cần có một tấm lòng, một tình bạn chân thành thắm thiết:

“ Bác đến chơi đây, ta với ta”

Ta với ta nghĩa là tấm lòng đến với một tấm lòng, kẻ tri âm đến với người tri kỉ. Chủ và khách có chung một tình cảm thắm thiết thanh cao, không vật chất nào có thể thay thế được. Ba tiếng “ ta với ta” cũng như gợi cảm xúc mừng vui, thân mật. Cụm từ “ta với ta” biểu lộ một niềm vui trọn vẹn, tràn đầy và lắng dọng trong tâm hồn, tỏa rộng trong không gian và thời gian.

Bài thơ nôm “ Bạn đến chơi nhà” cho thấy một hồn thơ đẹp, một tình bằng hữu thâm giao, chân tình, một tấm lòng hồn hậu, đẹp đẽ. Qua đó cũng cho ta những cảm nhận sâu sắc về một tình bạn đẹp.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *