Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương để thấy số phận bi kịch của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa cũng như sự thương cảm và trân trọng của nhà văn Nguyễn Dữ. Bên cạnh đó, khi phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương trong tác phẩm ta còn nhận ra bi kịch chung về số phận của những người phụ nết na và đức hạnh bị đối xử bất công và vô nhân đạo không có quyền sống hạnh phúc. Sau đây là tài liệu mời các bạn tham khảo

Mở bài phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương

Thân bài phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương

Kết bài phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương

Nguyễn Dữ là cây bút văn xuôi xuất sắc nhất của văn học thế kỷ XVI. Ông sống ở thời kỳ chế độ phong kiến bắt đầu bước vào giai đoạn suy vong, các cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến kéo dài liên miên gây đau khổ cho nhân dân. Vốn không đồng tình với chế độ phong kiến bất công, thối nát, ông đã thể hiện kín đáo tình cảm ấy của mình qua tác phẩm Truyền kì mạn lục gồm hai mươi truyện ngắn, trong đó tiêu biểu là Chuyện người con gái Nam Xương.

Theo lời kể của tác giả ngay từ đầu tác phẩm thì Vũ Nương là một người con gái thuỳ mị, nết na lại có tư dung tốt đẹp. Và những phẩm hạnh ấy đã được bộc lộ trong những hoàn cảnh khác nhau.

Trong cuộc sống gia đình, Vũ Nương là người vợ hiền thục. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, vốn là một người ít học, lại có tính đa nghi, phòng ngừa quá mức. Vì thế, nàng đã biết lựa tính chồng, giữ cho khỏi bất hòa, gia đình luôn được trong ấm, ngoài êm. Ta thấy Vũ Nương quả là một người vợ hiền, có ý thức giữ gìn hạnh phúc gia đình. Thế rồi đất nước xảy ra nạn binh đao, Trương Sinh phải đi lính, nàng lại càng bộc lộ rõ hơn phẩm chất tốt đẹp của mình. Lời nói, lời dặn dò trong cảnh tiễn chồng của nàng đã khiến mọi người cảm động: chỉ xin ngày về mang theo hai chữ bình yên. Vũ Nương là người không ham danh vọng mà luôn khao khát hạnh phúc gia đình, không những thế, nàng còn hiểu, thông cảm cho nỗi vất vả gian lao của chồng: chỉ e việc quán khó liệu, thế giặc khôn lường, giặc cuồng còn lẩn lút, quân triều còn gian lao…

Thế rồi, nàng bày tỏ nỗi nhớ nhung khôn xiết của người vợ yêu chồng thuỷ chung: nhìn trăng soi thành của, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa…

Khi xa chồng, Vũ Nương luôn làm tròn bổn phận của người vợ hiền, dâu thảo. Nàng sinh con, quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc mẹ già đau ốm. Đặc biệt khi người mẹ mất, nàng dã lo ma chay chu đáo như với cha mẹ của mình. Qua lời trăng trối của bà mẹ trước lúc lâm nguy tác giả đã gửi gắm tình hình của mình đối với nhân vật Vũ Nương, khẳng định công lao, nhân cách của Vũ Nương đối với gia đình: Trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con không phụ mẹ.

Ta thấy ở Vũ Nương tập trung những phẩm chất cao quý truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Nàng xứng đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng thực tế oan nghiệt đã đẩy nàng vào cảnh ngộ bất hạnh, éo le, oan khuất. Nàng vốn dĩ là một người phụ nữ rất mực thuỷ chung, vậy mà bây giờ đây lại bị nghi oan thất tiết. Chỉ vì lời nói vô tình ngây thơ của con trẻ mà Vũ Nương bị chồng ruồng rẫy, hắt hủi, đánh đập đuổi đi, bị gán cho tội nhục nhã nhất đối với đức hạnh của người phụ nữ. Trương Sinh quả thực đã hồ đồ, cả ghen, không cho vợ được thanh minh. Những lời bênh vực của bà con hàng xóm cùng những lời phân trần giãi bày hết sức thê thảm không cứu được nàng thoát khỏi nỗi nhục nhã, vì mất danh dự, Vũ Nương hết lòng hàn gắn hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ bằng những lời than thấu tận trời xanh: Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đỡ nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót.

Thế nhưng, lời lẽ không làm lung lay được thói độc đoán, gia trưởng hồ đồ của người chồng có máu ghen tuông mù quáng. Vũ Nương đã phải đau đớn, thất vọng đến tột cùng vì bị đối xử bất công, vì bất lực không có khả năng bảo vệ danh dự, niềm khát khao hạnh phúc gia đình bị tan vỡ: Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió… đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.

Thế nhưng, lời nguyền thảm thương của Vũ Nương không giúp nàng thoát khỏi án oan nghiệt ngã. Là một người phụ nữ có ý thức sâu sắc về phẩm giá, Vũ Nương đã quyết liệt tìm đến cái chết để bảo toàn danh dự chứ không chịu sống nhục. Nàng đã gieo mình xuống sông, kết thúc cuộc đời người phụ nữ bất hạnh.

Bằng cách xây dựng tình tiết truyện đặc sắc đầy kịch tính, tác giả cho ta thấy những cố gắng hết sức nhưng không thành của một người phụ nữ, để rồi phải chấp nhận số phận và nàng đã phải giải thoát kịch của cuộc đời mình bằng cái chết oan khuất. Sự việc này đã đẩy câu chuyện đến đỉnh điểm của sự việc. Đến khi Trương Sinh hiểu ra nỗi oan của vợ cũng bằng sự việc hết sức ngẫu nhiên mà hợp lý. Đó là khi bé Đản chỉ Trương Sinh cái bóng trên tường chính là cha của mình. Điều đó có ý nghĩa tố cáo vô cùng mạnh mẽ đối với chế độ phong kiến, chỉ một cái bóng cũng có thể quyết định số phận một con người, đẩy người phụ nữ nết na bất hạnh vào bi kịch không lối thoát.

Qua việc xây dựng bi kịch của Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã bày tỏ thái độ xót xa thương cảm cùng niềm trân trọng đối với người phụ nữ. Thông qua bi kịch của Vũ Nương, nhà văn phản ánh bi kịch chung về số phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Những người phụ nữ ấy nết na, đức hạnh như bị đối xử bất công, vô nhân đạo không có quyền sống hạnh phúc, không được che chở, bảo vệ số phận vô cùng mỏng manh, yếu ớt. Có lẽ vì thế mà truyện đã in sâu đậm vào trái tim người đọc, khiến ta mãi day dứt, xót xa, trào dâng niềm thương cảm nghẹn ngào.

Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Một người phụ nữ thủy chung son sắt, thùy mị dịu hiền, hết lòng vì gia đình nhà chồng – đó có lẽ là những đức tính đáng trân trọng của Vũ Nương. Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương giúp chúng ta xót thương cho thân phận những người phụ nữ xưa…

Vũ Nương là hình tượng về người phụ nữ thùy mị nết na và chung thủy

Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Nguyễn Dữ đã thật tài tình khi xây dựng hình ảnh người phụ nữ mà cụ thể ở đây là Vũ Nương. Ông đã đặt nhân vật vào tình huống khác nhau để thể hiện rõ được phẩm chất của người phụ nữ thương chồng, yêu con, hiếu thảo với cha mẹ chồng đồng thời cũng hết mực thủy chung son sắc. Khi phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương, ta thấy trong cuộc sống vợ chồng bình thường, nàng đã giữ gìn khuôn phép, không khi nào để vợ chồng phải đến thất hòa mặc dù Trương Sinh là người chồng có tính hay ghen tuông.

Thật là một cảnh làm cho mọi người phải xúc động, khi Vũ Nương tiễn chồng đi lính. Thông thường thì khi chồng đi lính nhiều người mong chồng có được công danh vẻ vang mang về để vinh hiển với mọi người. Nhưng còn đối với Vũ Nương thì lại không như vậy. Nàng chẳng mong Trương Sinh vinh hiển với tước trọng quyền cao mà chỉ cầu chồng được binh yên trở về. Nàng còn cảm thông với những vất vả, gian lao mà chồng mình sẽ phải chịu đựng. Nàng nói đến nỗi nhớ nhung khắc khoải của mình, bằng những lời rất ân cần, đằm thắm tình cảm.

Người phụ nữ son sắt, chăm lo vẹn toàn cho gia đình khi chồng đi lính

Khi xa chồng. Vũ Nương lại là một người vợ thủy chung, yêu chồng tha thiết, nỗi buồn nhớ cứ dài theo năm tháng, lúc thì tựa “bướm lượn đầy vườn”, có khi lại như “mây che kín núi”. Tác giả đã dùng hình ảnh ước lệ tượng trưng, mượn cảnh vật thiên nhiên để diễn tả sự trôi chảy của thời gian. Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương để thấy nàng vừa là người con dâu hiếu thảo lại vừa là người mẹ hiền. Nàng một mình vừa nuôi con nhỏ, vừa tận tụy chăm sóc mẹ chồng lúc đau ốm. Nàng lo thuốc thang, cầu khấn phật trời….

Không chỉ vậy, Vũ Nương lúc nào cũng ân cần, dịu dàng, lấy lời ngon ý ngọt khéo léo khuyên mẹ gắng dưỡng sức để chờ Trương Sinh quay trở về. Vì thế cho nên trước khi mẹ chồng nhắm mắt, bà đã nói với Vũ Nương rằng Vũ Nương là người con dâu tốt và khi Trương Sinh trở về ắt sẽ không phụ lòng tốt của nàng. Rồi nàng cũng hết sức thương xót mẹ và lo ma chay tế lễ như lo cho cha mẹ ruột của mình.

Khi phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương, ta cũng thấy tình cảnh ấy dường như không phải chỉ riêng của Vũ Nương mà còn là số phận chung của biết bao nhiêu người chinh phụ xa chồng. Trong “Chinh phụ ngâm”, khi người chồng ra đi, người vợ ở nhà cũng lo toan mọi chuyện “Dạy con đèn sách, thiếp làm hiếu nam”. Từ đó, ta càng thấy cảm thông, thấu hiểu và yêu thương hơn những người phụ nữ phải chịu số phận làm chinh phụ, ngày ngày đều chỉ biết ngóng trông và mong cầu bình yên cho người chồng của mình.

Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương qua bi kịch số phận nàng

Tưởng rằng khi Trương Sinh trở về thì Vũ Nương sẽ được đền đáp, được sống ngập tràn trong niềm vui và hạnh phúc, tưởng như nàng có thể chia sẻ bớt gánh nặng cuộc sống cho chồng. Nhưng không, ai có thể ngờ nàng lại phải chịu một nỗi oan khuất không tài nào thanh minh nổi, mặc dù nàng đã hết lời phân trần tấm lòng son sắt thủy chung của mình cho chồng hiểu.

Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương để thấy khi nàng nói đến thân phận mình nghèo được nương nhờ nơi giàu có, nàng trân trọng tình nghĩa vợ chồng bao năm và khẳng định tấm lòng thủy chung trong trắng, cầu xin chồng đừng nghi oan. Như vậy đã chứng tỏ nàng đã tìm mọi cách nhằm hết sức cứu vãn, mong hàn gắn cái hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ.

Sau nữa nàng nói lên nỗi đau đớn, thất vọng khi không hiểu vì sao bị đối xử bất công, không có quyền được tự bảo vệ, ngay cả khi có họ hàng, anh em đến nói giúp. Hạnh phúc gia đình – niềm khát khao của cả cuộc đời nàng đã tan vỡ, mong manh biết dường nào. Tất cả những nỗi đau khổ chờ chồng trước đây không còn có thể làm lại được nữa. Số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sao mà đau thương, đoạn trường đến thế!

Thất vọng đến tột cùng, cuộc hôn nhân đã đến độ không thể nào cứu vãn được, Vũ Nương đành phải mượn dòng nước quê hương để giải nỗi oan cho mình. Những lời than trước khi vĩnh viễn cuộc đời đầy đau khổ của mình nhưng cũng đầy luyến tiếc, như một lời nguyền xin thần sông chứng giám nỗi oan khuất và tiết sạch giá trong của nàng.

Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương trong đoạn truyện này, người đọc nhận thấy tình tiết được sắp xếp đầy kịch tính: Vũ Nương bị đẩy đến bước đường cùng, nàng đã mất tất cả, đành phải chấp nhận số phận sau mọi cố gắng không thành. Hành động tự trầm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng để bảo toàn danh dự, có nỗi tuyệt vọng đắng cay, nhưng cũng có sự chỉ đạo của lí trí.

Đây không phải là hành động bột phát trong cơn nóng giận. Bởi Vũ Nương vốn là một người phụ nữ xinh đẹp nết na thùy mị, hiền thục,lại đảm đang tháo phát, thờ kính mẹ chồng rất mực hiếu thảo, một lòng một dạ chung thủy với chồng, hết lòng vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Một con người như thế đáng ra phải được hạnh phúc trọn vẹn, vậy mà lại phải chết một cách oan uổng, đau đớn. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới kết quả đáng buồn ấy?.

Có phải chăng vì cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương không bình đẳng? Chính sự cách bức về thân phận nghèo khó của Vũ Nương đã cộng thêm cái thế cho Trương Sinh bên cạnh cái thế của một người chồng, người đàn ông gia trưởng trong chế độ phong kiến. Hay đó là những lời nói ngây thơ của đứa trẻ, chứa đầy những dữ kiện nghi ngờ làm cho Trương Sinh một người chồng hay có tinh đa nghi ghen tuông, hồ đồ và độc đoán kia trở thành kẻ thô bạo, vũ phu và bức tử vợ mình trong sự mù quáng. Hay kẻ giết người lại hoàn toàn vô can trong vụ án?

Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương để thấy bi kịch của nàng chính là lời tố cáo cái xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu và của đàn ông trong gia đình. Đồng thời, qua đó Nguyễn Dữ cũng bày tỏ niềm thương cảm của mình đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ. Người phụ nữ bất hạnh ở đây không những không được bênh vực, che chở mà còn bị đối xử một cách bất công, vô lí, chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ miệng còn hơi sữa và vì sự hồ đồ, vũ phu của người chồng ghen tuông mà phải kết thúc cuộc đời mình.

Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương khi đã được giải oan

Phần cuối truyện đầy những chi tiết mang đậm tính chất hoang đường. Nào là Phan Lang nằm mộng thấy người con gái áo xanh đến kêu xin tha mạng, rồi Phan Lang được biếu một con rùa mai xanh nhưng không giết thịt mà đem thả con rùa xuống sông. Nào là Phan Lang bị chết đuối, xác giạt vào động rùa ở hải đảo. Linh Phi vợ vua biển Nam Hải lấy khăn dấu mà lau, lấy thuốc thần mà đổ. Phan Lang sống lại. Linh Phi mở tiệc ở gác Triêu Dương để thết đãi Phan Lang, ân nhân cứu sống mình ngày xưa.

Tình tiết Phan Lang gặp Vũ Nương tại bữa tiệc của Linh Phi. Vũ Nương khóc khi nghe Phan Lang nhắc lại nhà cửa, phần mộ của tiền nhân. Tình tiết Vũ Nương gửi Phan Lang chiếc hoa tai vàng và dặn chồng lập đàn tràng ở bến Hoàng Giang. Phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương, ta thấy hình ảnh Vũ Nương ngồi kiệu hoa, phía sau có năm mươi chiếc xe cờ tán võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện… là những chi tiết hoang đường, nhưng đã tô đậm nỗi đau của người phụ nữ bạc mệnh và có giá trị tố cáo lễ giáo phong kiến vô nhân đạo đương thời.

Nhận xét về kết thúc truyện khi phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương

Khi gặp lại Phan Lang dưới thủy cung, Vũ Nương vẫn rất tự trọng và mong muốn được giải oan mà nhờ Phan Lang gửi lời đến Trương Sinh. Để rồi đến khi hiện về bên dòng Hoàng Giang, nửa câu trách móc Trương Sinh, nàng cũng không hề thốt ra mà lại còn cảm tạ vì đã giúp nàng lập đàn giải oan. Câu nói của hồn Vũ Nương giữa dòng sông vọng vào: “Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa” nghe sao đầy xót xa, thương cảm mà cũng thật vị tha, bao dung.

Và rồi, hình bóng nàng dần dần biến mất. Nhưng Vũ Nương vẫn mãi là người phụ nữ yêu chồng, thương con, người phụ nữ hiếu thảo, thủy chung và cũng là người phụ nữ phải chịu số phận bất hạnh, oan khiên. Chính chi tiết này đã làm cho giá trị nhân đạo của truyện thêm phần bi thiết. Nỗi ân tình của Vũ Nương đã được minh oan và giải tỏa nhưng âm dương đã đôi đường cách trở, nàng chẳng thể trở lại dương gian, chẳng bao giờ còn được làm vợ, làm mẹ nữa… Bé Đản mãi mãi là đứa con mồ côi mẹ!

Đến đây, người đọc như nghe thấy vọng lại những lời thơ của Nguyễn Du về thân phận của kiếp hồng nhan bạc mệnh:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Ta cũng có thể thấy bi kịch của Vũ Nương không phải là hiện tượng cá biệt mà là bi kịch chung của người phụ nữ thời phong kiến. Vì người phụ nữ luôn phải chịu số phận lận đận, long đong:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

(“Bánh trôi nước” – Hồ Xuân Hương)

Vì những cuộc chiến tranh phi nghĩa cứ diễn ra liên miên, mặc nhân dân thống khổ, lầm than, mặc bao bi kịch vẫn cứ tiếp diễn và đè nặng lên thân phận người phụ nữ:

“Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.”

Và có lẽ đau đớn nhất là tiếng khóc nhân đạo cho số kiếp bạc mệnh của những phận hồng nhan được Nguyễn Du thống thiết cất lên:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”

Nguyễn Dữ đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương để khắc họa vẻ đẹp và cuộc đời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tác giả đã tô điểm rất nhiều vẻ đẹp từ ngoại hình đến nhân cách cho nhân vật. Lời văn có sự kết hợp giữa văn phong cổ điển và tình cảm nhân đạo chân thành của Nguyễn Dữ.

Không chỉ vậy, khi phân tích vẻ đẹp của Vũ Nương, ta thấy tác giả còn khéo léo đan xen những chi tiết hiện thực và kỳ ảo nhằm làm tăng giá trị nhân đạo cho tác phẩm. Nhờ đó mà cuộc đời Vũ Nương trở thành minh chứng cho bao kiếp tài hoa bạc mệnh trong xã hội cũ và rồi trở thành hình ảnh tổng quát cho người phụ nữ Việt Nam đương thời. Chẳng vì vậy mà nhà nghiên cứu Vũ Khâm Lân đã đánh giá “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ là một áng “thiên cổ kỳ bút”.

Kết bài: Tóm lại, Vũ Nương là một người con gái công dung ngôn hạnh mà bạc mệnh. Nguyễn Dữ đã kể lại cuộc đời oan khổ của nàng với bao tình xót thương sâu sắc. Tuy mang yếu tố hoang đường, nhưng áng văn “Chuyện người con gái Nam Xương” vẫn giàu giá trị nhân đạo. Nhân vật Vũ Nương là một điển hình cho bi kịch của người phụ nữ trong gia đình và xã hội phong kiến. Người đọc càng thêm xúc động khi nhớ lại vần thơ của vua Lê Thánh Tông trong bài “Lại bài viếng Vũ Thị”:

“Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,

Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng.”

Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương đã được HSG chia sẻ trên đây để thấy số phận bi kịch của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa cũng như sự thương cảm và trân trọng của nhà văn Nguyễn Dữ. Ngoài ra các bạn tham khảo thêm các tài liệu liên quan tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương dưới đây

……………………………………..

Trên đây HSG đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà HSG đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *