Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên lớp 8

Trong lớp những nhà thơ Mới thời kì 1030- 1945, người ta thấy muôn vàn sắc thái và gương mặt khác nhau. Một gương mặt Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà thơ mới”, một Huy Cận của những nỗi buồn vạn kỉ tràn cả ra núi sông, một Hàn Mặc Tử của những đau thương, vô hình hay Chế Lan Viên với những điêu tàn, đổ nát, … Hướng dẫn làm bài văn phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên lớp 8 hay nhất để các bạn có thể tự làm cho mình 1 bài văn tốt

Các bài viết về chủ đề hình ảnh ông đồ được quan tâm :

  • Dàn ý Phân tích hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên

Những gương mặt ấy ít nhiều đều được làn gió phương Tây thổi vào để mang lại một sắc diện mới. Nhưng có một người, vẫn lặng lẽ tìm về với những giá trị truyền thống, những con người của thời xưa vắng với niềm cảm thương và trân trọng, xót xa. Đó là Vũ Đình Liên, tấm lòng của “những hàng thành quách cũ”. Tìm về với những “vang bóng một thời”, Vũ Đình Liên tìm về với những ông đồ ngày xưa. “Ông đồ” được coi là một trong những bài thơ tiêu biểu của Vũ Đình Liên cũng như của phong trào thơ Mới. Trong chương trình lớp 8, các bạn sẽ được cảm nhận về hình ảnh ông đồ trong bài thơ. Chú ý đến các bước làm bài phân tích, bám sát vào lời thơ và đưa ra những cảm nhận của mình. Sau đây là bài văn mẫu các bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH HÌNH ẢNH ÔNG ĐỒ TRONG BÀI THƠ CÙNG TÊN CỦA VŨ ĐÌNH LIÊN

Nói đến nho học là nói đến một nền văn hóa du nhập vào nước ta từ lâu với biết bao những lẽ sống sâu sắc về cuộc đời. Nhưng trước những biến thiên của lịch sử, Nho học đã dần bị mai một và ông đồ là nhân chứng còn sót lại của một thời vàng son tưởng sẽ không bao giờ đổi thay ấy. Vũ Đình Liên- một nhà thơ với “lòng thương người và tính hoài cổ” đã tái hiện lại hình ảnh ông đồ ở thời kỳ suy vi trong bài thơ “Ông đồ” đặc sắc.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh tái hiện thời kì vàng son rực rỡ của ông đồ:

  • “Mỗi năm hoa đào nở
  • Lại thấy ông đồ già
  • Bày mực tàu giấy đỏ
  • Trên phố đông người qua”

Hoa đào nở cũng là lúc mùa xuân đến, sự song hành của ông đồ và mùa xuân thật nhịp nhàng ấm áp. Màu đỏ của hoa, màu đỏ trên giấy của người cho chữ đều nổi bật lên giữa cái nền nhộn nhịp của phố xá, người qua kẻ lại đông đúc. Ông đồ xuất hiện trong ngày Tết đã trở thành một lẽ đương nhiên được thể hiện qua từ “lại” ngay đầu dòng thơ thứ hai. Người xưa tín nhiệm ông đồ như một người đem lại những điều tốt lành vào dịp đầu năm, vì thế mà:

  • “Bao nhiêu người thuê viết
  • Tấm tắc ngợi khen tài
  • Hoa tay thảo những nét
  • Như phượng múa rồng bay”

Tài năng của ông đồ được miêu tả như một người nghệ sĩ tài hoa với nét chữ “phượng múa rồng bay” cùng sự trầm trồ khen ngợi của bao người. Đó là niềm vinh dự của người viết chữ cũng là sự tôn vinh cho một thuần phong mĩ tục được bảo tồn. Nhưng tinh hoa ấy theo thời gian lại bị dần mất đi, thời gian tàn phá mọi thứ và xóa tan đi cả hình ảnh ông đồ:

  • “Nhưng mỗi năm mỗi vắng
  • Người thuê viết nay đâu?”

Giọng thơ lúc này không còn sôi nổi như hai khổ đầu nữa mà dần trầm xuống. Điệp từ “mỗi” càng nhấn mạnh thêm sự xa vắng thưa thớt dần. Lời nghi vấn ông đồ nay đâu hay ông đồ vẫn còn đó nhưng trong lòng họ bóng dáng của ông không còn? Ông đồ vẫn ngồi đó, đường phố vẫn đông nhưng mọi người lướt qua ông, họ không còn để ý đến ông nữa khiến “giấy đỏ buồn không thắm”, “mực đọng trong nghiên sầu”. Mực và giấy vốn gắn bó máu thịt với ông đồ mà bây giờ cũng sầu buồn thế kia, thật buồn cho một thời vang bóng nay đã không còn nữa. Vị thế của ông nay đã không vững chắc như xưa, sự phủ nhận đối với ông đồ cứ lớp lớp tăng lên. Thay thế cho giấy đỏ là lá vàng rơi, miêu tả mưa bụi bay bay khiến tiết trời ngày xuân thêm lạnh cũng là để diễn tả sự lạnh lùng của lòng người. Đúng là “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ”. Thật đáng buồn khi truyền thống văn hóa nay đã bị tàn lụi, cái đẹp đã bị lãng quên bởi thời gian, bởi sự vô tâm của con người. Từ nỗi buồn, Vũ Đình Liên đã tiến tới hoài niệm:

  • “Năm nay đào lại nở
  •  Không thấy ông đồ xưa
  • Những người muôn năm cũ
  • Hồn ở đâu bây giờ?”

Câu mở đầu đoạn đầu tiên và câu vở đầu đoạn kết thúc tạo thành kết cấu đầu cuối tương ứng độc đáo: “mỗi năm- năm nay”, “lại thấy- không thấy”. Ông đồ đã từng được chào đón và cũng đã bị lãng quên bỏ rơi. Hình ảnh hoa thì vẫn nở nhưng người thì biến mất gợi lên một nỗi buồn sâu sắc cho những con người ở thế hệ trước nay đã bị phai mờ. Đó không chỉ là sự ra đi của một ông đồ mà còn là sự suy tàn của cả một thê hệ biết yêu quý và trân trọng cái đẹp. Lại là một câu hỏi tu từ vang lên tha thiết như tiếng thở dài tiếc nuối. Tràn ngập trong từng câu chữ là sự nuối tiếc xót xa, có cả sự day dứt băn khoăn ân hận. Thời thế đổi thay, những giá trị đẹp đẽ nay tồn tại ở đâu?

Qua những câu thơ đẹp hoài cổ, hình tượng ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên đã ghi lại dấu ấn và mang lại cho người đọc nhiều dư vị về cảnh cũ người xưa, về những nét đẹp vang bóng một thời. Nhờ xúc cảm tha thiết đó mà người đọc hiểu hơn về một nét đẹp truyền thống và biết trân trọng hơn giá trị của tinh thần nhân văn và tinh thần dân tộc.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *