Phân tích bài thơ “Tức cảnh Pác Pó” của Hồ Chí Minh lớp 8 hay nhất đầy đủ các khổ

Hướng dẫn làm bài văn phân tích bài thơ “Tức cảnh Pác Pó” của Hồ Chí Minh lớp 8 các bạn có thể tham khảo

Các bài viết liên quan tới chủ đề “Tức cảnh Pác Pó” đáng chú ý:

  • Soạn bài Tức cảnh Pác Bó lớp 8
  • Bài viết số 7 lớp 9 đề 5: Phân tích bài thơ Tức cảnh Pác bó của Hồ Chí Minh
  • Dàn ý phân tích bài thơ “Chiều tối” trích “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí Minh
  • Cảm nhận bài thơ “Đi đường” lớp 8

Chúng ta đã được biết và học rất nhiều về Hồ chủ tịch, dưới góc độ của một nhà lãnh đạo, nhà lịch sử tài ba, một cây bút chính luận sắc sảo và thông tuệ với tấm lòng thương cảm với người cùng khổ. Nếu đến với những vần thơ của Bác, ta lại bắt gặp thêm một khía cạnh mới. Những vần thơ của Bác là “vần thơ thép mà vẫn mênh mông bát ngát tình” (Hoàng Trung Thông). Những câu thơ đậm chất tình của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế với thiên nhiên và cuộc sống; lại có cái cứng cỏi, gan góc của phẩm chất cách mạng anh hùng. Câu thơ mang phong vị Đường thi mà lại hiện đại và mới mẻ đến lạ lùng. Những đặc điểm ấy có thể thấy qua bài thơ “Tức cảnh Pác Pó”. Trong chương trình Ngữ Văn 8, các bạn sẽ tiếp xúc với đề văn phân tích bài thơ “Tức cảnh Pác Pó”. Làm theo các bước phân tích cần có và chú ý vào đặc điểm phong cách Hồ Chí Minh để làm nổi bật bài viết. Sau đây là bài văn mẫu bạn có thể tham khao thêm. Chúc các bạn học tập tốt!

BÀI VĂN MẪU PHÂN TÍCH “TỨC CẢNH PÁC PÓ”

  • “Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt
  • Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
  • Bác về, im lặng… con chim hót
  • Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”

Đó là những câu thơ của Tố Hữu kể lại giây phút thiêng liêng Bác đặt chân trở về quê hương đất mẹ sau 30 năm xa cách. Bác trở về hoạt động căn cứ ở vùng núi Cao Bằng. Nơi đây, người vẫn thể hiện tâm hồn thi sĩ của mình qua bài thơ “Tức cảnh Pác Pó”.

Bài thơ được viết khi Bác đang trực tiếp lãnh đạo cách mạng trong nước trong thời kì bí mật tại căn cứ ở huyện Hà Quảng- Cao Bằng. Bài thơ lấy nhan đề là “tức cảnh”- bắt gặp thanh niên đẹp mà làm thơ. Thú lâm tuyền trong bài thơ mang dáng dấp của những thi sĩ tao nhân xưa nhưng vẫn ánh lên màu sắc, tinh thần thời đại.

Câu thơ đầu giới thiệu nơi ở của Bác:

  • “Sáng ra bờ suối, tối vào hang”

Sáng ra suối để làm việc, tối vào trong hang để nghỉ ngơi. Thực tế, cuộc sống của Bác rất khó khăn. Nhưng lời thơ lại được kể bằng giọng vui tươi, hóm hỉnh. Nghệ thuật đối: “sáng- tối”, “ra- vào” diễn tả một hoạt động, công việc bình thường nhưng rất quy củ và nề nếp. Đằng sau câu thơ ta thấy được nụ cười của Hồ Chí Minh. Được sống với thiên nhiên hẳn là Người cảm thấy vô cùng thư thái. Câu thơ chỉ nói về hoạt động sinh hoạt mà thấy cả sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

Nếu câu một nói chuyện ở thì câu hai nói chuyện thức ăn:

  • “Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”

“Cháo bẹ, rau măng” là những thứ có sẵn trong tự nhiên, cho thấy bữa ăn của Bác rất đạm bạc. Người xưa lui về ở ẩn chốn núi rừng cũng ăn cháo bẹ rau măng nhưng đó chỉ là những thức ăn thanh cảnh, thỉnh thoảng mới ăn:

  • “Thu ăn măng trúc đông ăn giá”
  • (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Cụm từ “vẫn sẵn sàng” là dù chỉ có cháo bẹ rau măng nhưng tình thần vẫn sẵn sàng” hay cháo bẹ rau măng lúc nào cũng có sẵn, dư thừa? Dù hiểu cách nào ta vẫn thấy được niềm lạc quan và ung dung của Bác. Sau này, năn 1947, vẫn cảm hứng ấy, trong bài “Cảnh rừng Việt Bắc), Người viết:

  • “Khách đến thì mời ngô bếp nường
  • Săn về thường chén thịt rừng quay
  • Non thanh nước biếc tha hồ dạo
  • Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say”

Câu thơ như một nụ cười hồn nhiên của nhà thơ, vượt lên trên cái gian khổ, xưa tan tất cả những khó khăn của cuộc đời cách mạng và bộc lộ niềm vui sâu kín được hòa mình với thiên nhiên bằng phong thái ung dung tự chủ. Đó còn là thú lâm tuyền của Bác.

Câu thơ thứ ba nói về điều kiện làm việc của Bác:

  • “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”

Hằng ngày Bác làm việc trên phiến đá cạnh bờ suối nhưng lại là “bàn đá chông chênh”. “Chông chênh”- từ láy gợi thế không chắc chắn. Điều đó cho thấy nơi làm việc của Bác rất tạm bợ. Hình ảnh ấy lại gợi đến phiến đã Côn Sơn của Nguyễn Trãi:

  • “Côn Sơn có đá rêu phơi
  • Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu nêm”

Một lần nữa ta thấy người xưa và Bác gặp nhau ở thú lâm tuyền. Đó là phong thái ung dung, sống vui thú, hòa mình với thiên nhiên, coi thường gian khổ. Nhưng Bác khác với các vị tiền nhân xưa: Người xưa vui thú lâm tuyền để xa lánh cõi đời nhơ bẩn, quay lưng với hiện thực. Còn Bác là người Cách mạng, không phải một ẩn sĩ mà là một chiến sĩ. Cho nên dù ở chốn núi rừng, dù sống trong thú lâm tuyền thì Bác vẫn làm việc cách mạng, cho đất nước, cho nhân dân. Vì thế, giữa chốn non xanh nước biếc ấy, người “dịch sử Đảng”, là tài liệu huấn luyện cho chiến sĩ, cán bộ cách mạng. Nếu hình ảnh “bàn đá chông chênh” gợi sự chưa chắc chắn, vững vàng của cách mạng những ngày đầu còn trứng nước thì cụm từ “dịch sử Đảng” rắn chắc lại, làm cho bàn đá không còn chông chênh nữa. Con người đã vượt lên hoàn cảnh, thể hiện được bản lĩnh và tự chủ, tin tưởng của người chiến sĩ Cách mạng. Ba chữ “dịch sử Đảng” ngời sáng hồn thơ chiến sĩ, gợi nhớ đến ba chữ “đàm quân sự” trong câu “Yên ba thâm xứ đàm quân sự” Người viết 7 năm sau trong một đêm Nguyên tiêu trăng sáng đầy trời, giữa mênh mông khói súng.

Câu thơ cuối là cảm nghĩ của Bác:

  • “Cuộc đời cách mạng thật là sang”

Câu thơ cuối như lời tổng kết hóm hỉnh nhưng đổng thời cũng là lời khẳng định đầy tự hào về cuộc đời cách mạng. Thật kì diệu vì nó đem đến quan niệm sống mới mẻ của Hồ Chí Minh:

  • “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
  •  Dẫn thân vô là phải chịu tù đày
  • Là gươm kề cổ, là súng kề tai
  • Là thân sống chỉ coi còn một nửa”

Từ “sang” vừa có ý nghĩa sang trọng, giàu có vừa diễn tả phong thái vượt lên trên vật chất tầm thường để vươn tới một đời sống tinh thần đậm phong vị truyền thống. Với Bác, làm cách mạng là sang vì được làm việc trên chính quê hương, được cống hiến cho nhân dân, cho nước, được sống hòa mình với thiên nhiên. Bởi lẽ, hơn ai hết, Bác hiểu gian khổ, thiếu thốn, nghèo nàn là hiện tại, sang giàu là tương lai. Nghèo là điều kiện vật chất hôm nay, sang là xu thế tất thắng của  cách mạng ngày mai.

Bài thơ với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, nghệ thuật đối cùng với ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, giọng điệu vui đùa, hóm hỉnh đã diễn tả thành công phong thái ung dung, lạc quan và niềm vui được sống với thiê nhiên của Hồ Chí Minh. Ở Người có dáng vẻ của những tiên nhân xưa, lại mang màu sắc và vẻ đẹp của con người hiện đại.

Những câu thơ mang phong vị cổ điển mà đậm tinh thần thời đại, có sự giao hòa giữa xưa và nay, mới và cũ làm nên sức hấp dẫn lạ kì cho bài thơ. Chỉ bốn câu thơ mà còn vang vọng mãi đến sau này.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *