Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại qua một số tác phẩm

Văn mẫu lớp 9 bài Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại qua một số tác phẩm. Phân tích hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại qua một số tác phẩm để thấy vẻ đẹp tâm hồn cũng như cốt cách cao đẹp của những con người “hồng nhan bạc phận”. Qua đó, từ hình tượng người phụ nữ ta còn thấy ý nghĩa của giá trị nhân văn trong hệ thống văn học nước nhà. Mời các bạn cùng tham khảo

Để tìm hiểu về hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại, trước tiên ta cần nắm được bối cảnh xã hội thời bấy giờ. Có thể thấy, thời kì văn học trung đại là phân khúc đầu tiên của ba thời kì phát triển của văn học viết Việt Nam. Nó bắt đầu hình thành và phát triển trong khoảng mười thế kỉ (từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX) trong bối cảnh văn hóa, văn học vùng Đông Á, Đông Nam Á có quan hệ với nhiều nền văn học trong khu vực. Trong thời kì này, các nhà văn, nhà thơ cũng làm rất tốt vai trò của người phản ánh hiện thực cuộc sống, bên cạnh đó còn thể hiện các mối quan hệ của con người với tự nhiên, với quan hệ quốc gia dân tộc, với xã hội và với chính bản thân mình.

Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại qua một số tác phẩm

Để làm tròn những vai trò ấy, các tác giả đã cố gắng đặt tác phẩm của mình vào trong bối cảnh xã hội. Đối với văn học trung đại, khi đặt vào phông nền của thế kỉ X – đến hết thế kỉ XIX, các nhà văn, nhà thơ đã tái hiện khá chân thực về một giai đoạn mà lịch sử, xã hội có rất nhiều biến động.

Ở thế kỉ X, sự kiện Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử Việt Nam. Sự kiện đã giúp kết thúc ngàn năm đô hộ của giặc phong kiến phương Bắc, chính thức mở ra một thời kì độc lập, tự chủ cho dân ta. Về mặt chính trị, trong giai đoạn này chế độ phong kiến Việt Nam ra đời và phát triển và mang đặc trưng của thời kì tam giáo đồng nguyên đã góp phần thiết lập bộ máy quản lí nhà nước có chính sách và quy củ.

Tuy nhiên, sau chiến thắng oanh liệt của vị tướng tài nhà Ngô, dân ta không chỉ dốc sức trong việc xây dựng đất nước mà lại phải tiếp tục hành trình rất dài trên sự nghiệp phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh với rất nhiều gian khó về sau.

Sang thế kỉ XV đến hết thế kỉ XVII, nhà nước phong kiến triều Lê được ra đời và tồn tại rất thịnh trị trong lịch sử nước nhà. Nhà Lê lấy Nho giáo làm tôn chỉ để xây dựng chế độ nhưng đến thế kỉ XVIII thì có dấu hiệu khủng hoảng và sụp đổ không lâu sau đó.

Từ thế kỉ XVII, sau sự kiện hai tập đoàn phong kiến đàng Trong đàng Ngoài và quân xâm lược Xiêm, Thanh bị đánh bại bởi nghĩa quân Tây Sơn, nhà Tây Sơn lên nắm quyền nhưng sau đó lại bị lật đổ bởi nhà Nguyên. Những tưởng dân ta sẽ được bình yên sau đó nhưng sự thật thì ở giai đoạn cuối thế kỉ XVII, nhưng vua Nguyễn lại ăn chơi xa xỉ khiến cho đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, lầm than.

Giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX đã cho thấy sự suy tàn rõ rệt của chế độ phong kiến nhưng lại chưa sụp đổ hoàn toàn. Sau đó, việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược, người dân phải sống trong cảnh đất nước có sự tồn tại của chế độ xã hội nửa phong kiến nửa thực dân.

Như vậy có thể thấy, song hành cùng với những biến động của lịch sử, văn học Việt Nam trong giai đoạn này cũng sẽ phần nào cho thấy bức tranh về đời sống của con người Việt Nam. Đó là một cuộc sống hiện hữu sự kiên cường, bất khuất của dân tộc với tinh thần yêu nước mạnh mẽ nhưng cũng đầy rẫy những bất hạnh, đau thương và mất mát đối với con người.

Đặc biệt với người phụ nữ, họ không chỉ phải đối diện với hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt mà còn bị áp bức bởi những thế lực tàn bạo trong xã hội, mặc dù vậy họ vẫn cho thấy những nét đẹp cao quý của bản thân. Điều này sẽ được thể hiện qua ngòi bút của nhiều tác giả của thời đại nhưng tiêu biểu nhất có thể kể đến là trang viết của các tác giả như Nguyễn Dữ, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương…

Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại mang vẻ đẹp ở cả ngoại hình lẫn tài năng và nhân cách. Trong tác phẩm của Nguyễn Dữ, nhân vật Vũ Nương đã được tác giả thái độ rất trân trọng khi dành những lời giới thiệu về nàng đầy thiện cảm: “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”.

Chính vì những nét đẹp đó của Vũ Nương mà Trương Sinh đem lòng yêu mến và “xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Qua lời giới thiệu của tác giả, có thể cảm nhận được vẻ đẹp của Vũ Nương rất đỗi thuần khiết, trong sáng, nàng xuất hiện như một mẫu hình, mực thước của vẻ đẹp người con gái truyền thống trong quan niệm của dân tộc ta.

Đến với trang thơ của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại lại được đặc tả bằng những nét vẽ hoàn mĩ, tràn đầy sức sống: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Chỉ với hai tình từ “trắng”, “tròn”, nữ sĩ Xuân Hương cũng phác họa một bức chân dung của người phụ nữ với vẻ đẹp viên mãn, đầy đặn. Trong một tác phẩm khác, bà cũng lại một lần nữa tái hiện nét đẹp sáng tươi, trong trắng của người con gái không rõ bao nhiêu tuổi mà cứ thấy ngời lên sắc xuân xanh:

“Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?

Chị cũng xinh mà em cũng xinh

Đôi lứa như in tờ giấy trắng

Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.”

(“Đề nhị mỹ nhân đồ” – Hồ Xuân Hương)

Khi đề cập tài năng miêu tả vẻ đẹp chân dung, thật thiếu sót nếu không kể đến Nguyễn Du vì thông qua những dòng mở đầu ông viết về hai nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều, thật sự đại thi hào đã để lại trình diện trước mắt người đọc tuyệt phẩm của vẻ đẹp. Vân đã rạng ngời:

“Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”

Kiều lại càng thêm bừng sáng:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn:

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”

Không chỉ đẹp về ngoại hình, nhân vật nữ của văn học trung đại còn đẹp về nhân cách lẫn tài năng, đây mới là những điều khiến nét vẽ về bức chân dung của người phụ nữ trở nên hoàn thiện. Chẳng hạn như trong lời giới thiệu về Vũ Nương, tác giả cũng đã giới thiệu về tính cách của Vũ Nương trước khi nhắc đến “tư dung tốt đẹp” của nàng.

Trong “Bánh trôi nước”, hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại hiện lên với nhân cách về sự son sắt, thủy chung, trước sau như một được thể hiện bằng câu thơ: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Và những nét đẹp về những người phụ nữ này cũng thường đi liền với tài năng của họ mà Thúy Kiều chính là một trong những gương mặt đại diện của sự toàn sắc, toàn tài, bao gồm cả cầm, kì, thi, họa:

“Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.”

Người phụ nữ chịu nhiều bi kịch, đắng cay của cuộc đời

Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại còn hiện lên với qua bi kịch “hồng nhan bạc phận”. Dù xinh đẹp, tài năng và có những phẩm chất quý giá, thế nhưng họ cũng là nạn nhân của biết bao bi kịch cuộc đời để rồi phải ngậm đắng, nuốt cay. Đó là bi kịch của chế độ xem trọng nam giới, còn nữ nhi xếp vào thứ yếu. Thế nên trong hôn nhân, họ phải chịu sống kiếp làm lẽ và hạnh phúc trọn vẹn đối với họ mà nói dường như chỉ là một định nghĩa quá mong manh.

Họ cũng hiểu, số phận đó không chỉ của riêng một người nào mà là số kiếp chung của tất cả những người phụ nữ khi sống trong xã hội trọng nam, khinh nữ. Họ không trách những người phụ nữ khi chia sớt hạnh phúc của mình, có trách là trách quan niệm của lễ giáo khắc nghiệt:

“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Năm chừng mười họa hay chăng chớ

Một tháng đôi lần có cũng không

Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng

Cầm bằng làm mướn mướn không công”

(“Lấy chồng chung” – Hồ Xuân Hương)

Nếu được chồng yêu thương, thì họ lại phải chịu cảnh xa cách, chia lìa bởi hoàn cảnh chiến tranh. Ngày tiễn biệt thấy sao đầy lưu luyến:

“Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.”

(“Chinh phụ ngâm” – Đặng Trần Côn)

Với người phụ nữ, khi được sống trong sung túc nhưng hạnh phúc chỉ là những gì chắp vá, tạm bợ thì họ cũng chẳng thiết tha. Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại còn hiện lên với người cung nữ trong tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều. Dù sống trong nhung lụa nhưng đối với họ đó lại là những tháng ngày vô cùng buồn bã, cô đơn vì sự lạnh lùng, ruồng bỏ của vua. Tuổi xuân của họ cứ hết ngày này qua tháng khác bị chôn vùi trong cung cấm với nỗi hờn tủi, xót xa:

“Một mình đứng tủi ngồi sầu,

Đã than với nguyệt lại rầu với hoa.”

“Hoa này bướm nỡ thờ ơ,

Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng.”

(“Cung oán ngâm” – Nguyễn Gia Thiều)

Và sau khi tiễn người chinh phu trong quyến luyến, người chinh phụ hiện lên với tâm trạng cô đơn, lẻ loi đằng đẵng. Không ai có thể chia sẻ nỗi lòng cùng nàng, trong gian phòng đầy ắp những thổn thức, nhớ thương chỉ còn một ngọn đèn leo lét bầu bạn nhưng cũng không thể giúp nàng khôn nguôi nỗi nhớ:

“Đèn có biết dường bằng chẳng biết

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi

Buồn rầu nói chẳng nên lời

Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”

(“Chinh phụ ngâm” – Đặng Trần Côn)

Người chinh phu có ra đi, nhưng dẫu sao cũng còn có thể hi vọng có ngày trở về cùng người vợ yêu quý trong đoàn viên. Còn Vũ Nương trong truyện “Người con gái Nam Xương”, nàng đã đợi được ngày vợ chồng đoàn tụ sau những ngày dài chồng đi tòng quân nơi xa xứ, nhưng hạnh phúc lại chẳng tày gang khi Trương Sinh lại là một người chồng đa nghi cho tiết hạnh của nàng. Mặc cho Vũ Nương hết lời minh oan nhưng Trương Sinh vẫn sắt đá không hề lay chuyển. Chính vì vậy, vợ chàng phải tìm đến cái chết như một sự chứng giám cho phẩm giá trong sạch của mình.

Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại còn thể hiện qua những lời tự sự về cuộc đời Kiều qua những trang viết của Nguyễn Du, ta càng đau đớn hơn khi nàng phải sống lưu lạc đến tận mười lăm năm trời, tiếc nuối hơn đó là mối tình như hoa như mộng của nàng với Kim Trọng phải chịu cảnh trâm gẫy gương tan. Bi kịch của Kiều là bi kịch được tạo nên bởi sự dồn đuổi của các thế lực độc ác, nhẫn tâm của xã hội nàng sống. Xã hội đầy áp bức, bất công đó đã khiến cho nàng, một người con gái tài sắc vẹn toàn mất đi niềm hạnh phúc mà nàng xứng đáng có được.

Để rồi, sau ngần ấy năm hi sinh vì gia đình, ngần ấy năm tủi nhục, ngày nàng trở về, trong nàng luôn có sự dằn vặt, đau đớn khi nhận hết mọi lỗi lầm phụ bạc người yêu về phía mình. Tình yêu đẹp đẽ một thời tuổi xuân, nay nàng xin chàng hãy xem là duyên “cầm cờ”. Những lời Kiều nói về phận đời của mình với Kim Trọng nghe mà nghẹn ngào, chua xót:

“Thiếp từ ngộ biến đến giờ,

Ong qua, bướm lại, đã thừa xấu xa.

Bấy chầy gió táp mưa sa,

Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn.

Còn chi là cái hồng nhan?

Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào?”

Người phụ nữ ý thức về phẩm giá của mình và có khát vọng vươn lên

Dù bị bi kịch cuộc đời bủa vây có những lúc tưởng chừng như không còn lối thoát nhưng ở những người phụ nữ trong văn học trung đại vẫn luôn cho thấy ở họ có một ý thức sâu sắc về phẩm giá của mình cũng như khát vọng vươn lên để có được một cuộc sống tươi sáng hơn. Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại với vẻ đẹp ấy còn sáng lên qua nàng Kiều trong lần bị đưa đến nhà chứa của Tú Bà, tình cảnh trớ trêu khiến nàng phải sống và chứng kiến cảnh “bướm lả ong lơi”, Kiều đã khóc thương cho bản thân mình:

“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa.”

Và mặc cho lớp bùn hôi tanh có vùi dập, Kiều vẫn giữ vững tấm lòng sáng trong, tâm hồn thanh khiết:

“Mặc người mưa Sở mây Tần,

Những mình nào biết có xuân là gì.

Đòi phen gió tựa hoa kề,

Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.”

Còn người cung nữ nơi cung cấm, ý thức về thân phận, về phẩm giá đôi khi như có lúc như hóa thành hành động muốn tự tháo cũi sổ lồng để giải thoát cho bản thân:

“Đang tay muốn dứt tơ hồng,

Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!”

Đó là ước vọng, mong muốn chính đáng và thông qua hành động ấy, người phụ nữ như đã cất lên tiếng nói phản kháng trước những thế lực tàn nhẫn đã vùi hoa, dập liễu, khiến họ phải sống trong những tháng ngày triền miên đau thương, tủi hổ.

Nhận xét hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại

Bằng những sáng tác cả về chữ Hán và chữ Nôm, bằng những thể loại đa dạng (truyện, thơ, ngâm khúc…), nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật, các tác giả đã gửi gắm vào nhân vật của mình niềm thương cảm, chia sẻ với những đớn đau, tủi nhục mà họ phải gánh chịu.

Không chỉ vậy, các nhà văn, nhà thơ còn bày tỏ sự trân trọng những vẻ đẹp quý giá của họ. Đó là vẻ đẹp về cả ngoại hình, tài năng, nhân cách và đặc biệt hơn cả là dù sống trong hoàn cảnh như thế nào, họ vẫn cho thấy ở họ có một ý thức sâu sắc về thân phận của mình và khát vọng vươn lên để có được tự do và hạnh phúc.

Kết bài: Tóm lại, thông qua những nhân vật nữ, các tác giả văn học trung đại đã thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc, đặc biệt là việc họ quan tâm đến số phận của con người trong hoàn cảnh trớ trêu, nghiệt ngã. Qua hình tượng người phụ nữ, họ đồng thời cũng cất lên tiếng nói tố cáo thế lực tàn bạo chà đạp lên hạnh phúc con người và ca ngợi những vẻ đẹp đạo đức quý giá mà đến mãi muôn đời, thiết nghĩ vẫn sẽ được gìn giữ, trân trọng.

……………………………………………………..

Ngoài Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại qua một số tác phẩm, các bạn học sinh còn có thể tham khảo các đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Địa, Sinh mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn ôn thi tốt

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *