Dàn ý thuyết minh về chiếc áo dài chi tiết đầy đủ

Áo dài là một nét đẹp văn hóa, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Đó là cảm hứng cho bao nhà thơ nhà văn, cho bao nét vẽ và suối nguồn cho bao nốt nhạc trầm bổng. Chiếc áo dài được rất nhiều người biết tới với hình hình ảnh cô gái Việt Nam mặc chiếc áo dài thiết tha hoặc những chiếc áo dài cách tân cũng rất đẹp mắt. Trong trường học hiện tại cũng khá nhiều trường cấp 3 thường yêu cầu học sinh nữ mặc áo dài trắng vào các buổi lễ hoặc mặc theo các ngày theo quy định. Sau đây, wikihoc xin giới thiệu với các bạn dàn ý chi tiết và đầy đủ nhất cho đề bài thuyết mình về chiếc áo dài.

Các bài viết về chủ đề thuyết minh về chiếc áo dài được quan tâm :

  • Thuyết minh về chiếc áo dài lớp 8

Mỗi đất nước là một nét văn hóa, mỗi nét văn hóa lại có một bóng áo truyền thống riêng. Nếu xứ sở kim chi là bộ hanbok, xứ sở mặt trời mọc là kimono thì dải đất hình chữ S này lại tung bay dáng áo dài thướt tha. Áo dài là quốc phục của Việt Nam, đã qua bao năm tháng cùng người dân, cùng nhân dân đi qua những thăng rồi trầm của con sông lịch sử và vẫn tiếp tục song hành đến tận ngày nay và sẽ còn là mai sau. Cuộc sống ngày càng phát triển với sự thâm nhập của những giá trị hiện đại thay thế cho những điều xưa cũ, nhưng tà áo dài vẫn ở đây, cùng hòa mình vào nhịp sống con người, vẫn đưa khẽ trong gió, vẫn duyên dáng thướt tha với người con gái nước Nam dịu dàng đằm thắm. Trong chương trình ngữ văn lớp tám, các bạn có thể bắt gặp đề bài thuyết mình về chiếc áo dài. Để làm được đề bài này, điều đầu tiên là các bạn phải đảm bảo là bài viết đủ bố cục ba phần là mở bài, thân bài và kết bài. Khi triển khai thân bài, các bạn cần triển khai các luận điểm nhỏ hơn tương ứng với mỗi đoạn văn, tránh lối viết một đoạn từ đầu đến cuối. Dưới đây là dàn ý chi tiết mà các bạn có thể tham khảo cho đề bài này. Chúc các bạn thành công !

DÀN Ý THUYẾT MINH VỀ CHIẾC ÁO DÀI LỚP 8

I.Mở bài

  • Giới thiệu đối tượng cần thuyết minh.

Nhắc đến tổ quốc, bạn nghĩ đến điều gì ? Còn nhắc đến Việt Nam, có bao nhiêu con tim đã kéo gọi một bóng hình chữ S, một tô phở bò đậm hương, một tấm bánh trưng ngày Tết, và cũng bao nhiêu tâm trí mơ về một tà áo dài thướt tha. Chiếc áo dài từ lâu đã là một biểu tượng văn hóa gắn liền với đất nước và với dân tộc, một nét đặc trưng của riêng hương sắc Việt Nam.

II.Thân bài

1. Lịch sử chiếc áo dài

  • Chiếc áo dài đã có từ rất lâu.
  • Áo dài có từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ban đầu được áp dụng tại hai vùng là Thuận Hóa và Quảng Nam. Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước sau phân tranh Đàng Ngoài – Đàng Trong, áo dài được phổ biến rộng rãi và trở thành quốc phục của triều Nguyễn.
  • Sau khi quân Pháp tràn vào nước ta, chiếc áo dài được thay đổi về kiểu dáng, gọi là áo dài Lemur, thêm nhiều nét phương Tây, “lai căng” nên không được nhiều người ủng hộ.
  • Năm 1934, họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt một số nét từ áo Lemur, cùng với đó ông cũng đưa thêm yếu tố dân tộc từ áo tứ thân thành áo dài cổ kính, ôm sát thân và hai vạt trước tự do.
  • Trải qua nhiều thay đổi theo dòng chảy lịch sử và sự vận động của đời sống, chiếc áo dài ngày nay đã được thay đổi và hoàn thiện hơn để phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ và nếp sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống đặc trưng.
  • Năm 2017 đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong kiểu dáng của áo dài với “áo dài cách tân” được nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng.

2. Cấu tạo của chiếc áo dài

  • Cổ áo: Kiểu cổ điển, cổ áo cao từ bốn đến năm centimet. Ngày nay, những người thợ may đã cắt giảm bớt chi tiết cổ áo, thay bằng cổ tròn, cổ tim, cổ chữ U, cổ thấp để tạo sự thoải mái hơn cho người mặc.
  • Thân áo: Thân áo được tính từ phần cổ đến eo. Cúc áo được đính chéo từ cổ sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Từ eo, thân áo được xẻ làm hai tà ở hai bên hông. Ngày nay, kiểu áo dài đính khuy cũng không còn phổ biến như trước mà kiểu có khóa kéo sau lưng được ưa chuộng hơn bởi tính tiện lợi và nhanh gọn.
  • Tà áo: Áo dài có hai tà: tà trước và tà sau. Xưa thì tà trước bằng tà sau, nhưng ngày nay có nhiều loại áo có tà trước ngắn hơn tà sau, phù hợp với việc di chuyển.
  • Tay áo: Tay áo dài được may ôm sát tay, dài đến qua cổ tay, những thiết kế năng động hơn thì phần tay áo thường dài đến qua khuỷu tay một chút.
  • Quần: Quần áo dài là quần ống rộng, dài đến gót chân.
  • Chất liệu: Áo dài thường được may bằng bằng những loại vải nhẹ để tạo độ bay và có độ co giãn thích hợp như lụa hoặc voan.
  • Màu sắc: Áo dài học sinh thường mang sắc trắng tinh khôi, phù hợp với lứa tuổi học trò. Các bà, các mẹ, các cô thường lựa chọn những mẫu áo dài đa dạng hơn với những tà áo được thêu hoa, vải có họa tiết,… với đủ các loại màu sắc chất liệu.

3. Ý nghĩa của tà áo dài

  • Là quốc phục của Việt Nam, mang màu sắc văn hóa đất nước ra với bạn bè quốc tế, cùng bao nhiêu bóng dáng yêu kiều của người phụ nữ sải bước trên những đấu trường nhan sắc và trí tuệ.
  • Tà áo dài còn trở thành trang phục công sở như tiếp viên hàng không, giáo viên, nữ nhân viên ngân hàng,…
  • Mỗi ngày hội tựu trường, ta lại thấy những bóng áo dài trắng của nữ sinh tinh khôi, thấy bóng cô dịu dàng trong những tà áo dài,… Mỗi ngày cưới, ta lại thấy cô dâu mới e ấp trong tà áo dài đỏ khi ra mặt quan viên hai họ….
  • Tạo cảm hứng cho bao nhà thiết kế, hàng loạt những bộ sưu tập thời trang đã được ra đời dựa trên chiếc áo dài truyền thống, để nét hiện đại và cổ truyền hòa hợp với nhau.

III. Kết bài

  • Nêu cảm nhận của em về đối tượng được thuyết minh.

“ Chiếc áo quê hương dáng thướt tha

Non sông gấm vóc mở đôi tà ”

Đinh Vũ Ngọc trong “Chiếc áo dài Việt Nam” đã vẽ nên đôi tà áo dài như thế. Bao tà áo dài đã tung bay trong gió, bao bóng áo thướt tha đã đi qua thời gian và tới bao miền đất. Áo dài là nếp sống không thể thiếu trong văn hóa người dân đất Việt, là chất vàng của phù sa văn hóa nước Nam mà đi đâu tim người cũng mang theo.

Quỳnh Phạm – Wikihoc.com

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *