Dàn ý phân tích bài thơ Quê hương chi tiết đầy đủ

Quê hương đất nước là một nguồn cảm hứng vô tận với những người làm nghệ thuật, không chỉ trong âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh mà trong cả văn chương. Chẳng khó để bắt gặp một tác phẩm văn học viết về quê hương xứ sở, và trong chương trình Ngữ văn lớp 8 chúng ta sẽ đến với bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Tế Hanh. Hãy cùng Wikihoc.com chia sẻ những cảm nhận về tác phẩm này nhé.

Các bài viết liên quan tới chủ đề phân tích bài thơ Quê hương đáng chú ý:

  • Phân tích bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh lớp 8
  • Dàn ý về tình yêu quê hương đất nước
  • Tả cảnh quê hương vào buổi sáng mùa hè
  • Nghị luận xã hội về tình yêu quê hương đất nước lớp 9

Từ xưa tới nay, trong dòng chảy của văn học Việt, tình yêu quê hương đất nước là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt và bền vững. Trong những câu ca dao xưa, quê hương hiện lên trong những lời ngợi ca vẻ đẹp “Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn”. Trong văn học trung đại, tình yêu nước lại được thể hiện trong quyết tâm bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm tàn ác như trong “Năm quốc sơn hà” của Lí Thường Kiệt hay “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi,… Trên bầu trời văn học Việt Nam thế kỉ XX cũng có những ngôi sao sáng soi chiếu vào tình yêu nước, họ thể hiện tình cảm thiết tha của mình với quê hương một cách trực tiếp và riêng biệt mang đậm màu sắc và dấu ấn cá nhân. Đỗ Trung Quân có câu thơ “Quê hương nếu ai không nhớ/ sẽ không lớn nổi thành người” Theo suốt cuộc đời nhà thơ Tế Hanh – một người con xa quê hương chính là nỗi nhớ da diết dành cho nơi đã sinh ra mình. Tất cả những thiết tha, sâu đậm ấy được thể hiện trong bài thơ “Quê hương” mà chúng ta sẽ học trong chương trình lớp 8. Đây là một bài thơ hay và không khó để cảm nhận. Hãy phân tích theo mạch thơ và chú ý đến cách sử dụng từ ngữ và các biện pháp tự từ của tác giả. Dưới đây là dàn ý đầy đủ và chi tiết hướng dẫn bài văn cảm nhận tác phẩm này để các em học sinh có thể tham khảo. Chúc các em thành công!

DÀN Ý CHI TIẾT HƯỚNG DẪN BÀI VĂN PHÂN TÍCH BÀI THƠ QUÊ HƯƠNG LỚP 8

I. Mở bài:

  • Giới thiệu tác giả Tế Hanh và bài thơ “Quê hương” ( có thể dẫn dắt từ đề tài quê hương trong văn học )

Quê hương, đất nước là một đề tài rất đỗi quen thuộc trong văn học từ xưa đến nay, từ những câu ca dao tục ngữ, đến những tác phẩm hiện đại đương thời. Nhắc đến văn thơ trong đề tài này, Tế Hanh có lẽ là một trong những thị sĩ tiêu biểu nhất với bài thơ “Quê hương” của mình. Qua bao thế hệ bạn đọc, bài thơ vẫn giữ được vẹn nguyên giá trị của nó.
II. Thân bài: 
1. Bức tranh làng quê miền biển ( phân tích hai câu thơ đầu tiên ):

  • “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”
  • “Vốn làm nghề chài lưới”: làng nghề truyền thống đánh bắt cá từ bao đời
  • Vị trí địa lí: Làng quê gắn liền với cảnh sông nước 
  • Lời giới thiệu không hệ hoa mĩ, rườm rà mà vô cùng giản dị lại vừa thể hiện được sự gắn bó, hiểu biết cùng nỗi nhớ của đứa con xa quê đối với làng quê thân thuộc trong tâm tưởng 

2. Cảnh lao động đánh cá của làng chài ( phân tích 6 câu thơ tiếp theo ):
a. Cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá:

  • Thời gian: Sớm mai hồng. Đây là thời điểm bắt đầu của một ngày mới
  • Không gian: Trời trong, gió nhẹ. Không gian thiên nhiên hiền hoà, tươi sáng và tràn đầy sức sống hứa hẹn một chuyến ra khơi bình an, thuận lợi
  • Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá: hình ảnh con người hiện lên trong một vóc dáng khoẻ khoắn, tràn đầy sinh lực, sẵn sàng vươn mình để đối mặt với khó khăn thử thách
  • Hình ảnh so sánh “như con tuấn mã” và các động tính từ mạnh “hăng”, “phăng”, “mạnh mẽ vượt” khắc hoạ hình ảnh con thuyền to lớn, dũng mãnh, nhanh nhẹn như đang thách thức đối đầu với biển khơi, vượt “trường giang” không mấy tốn sức
  • Qua hình ảnh con thuyền, ta thấy được cả sức mạnh, sự tài ba, gắn dạ và tư thế chủ động của những người con làng chài đang lèo lái con thuyền ra khơi, đón nhận thách thức để giành chiến thắng
  • Hình ảnh so sánh cánh buồm “như mảnh hồn làng” kết hợp nghệ thuật nhân hoá “rướn thân trắng bao la thâu góp gió”: Cánh buồm nổi bật trên nền trời biển bao la, như linh hồn của người dân làng chài – trong sạch, lạc quan và hăng say

b. Cảnh đoàn thuyền trở về sau một đêm đánh cá

  • “Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ/ Khắp dân làng tấp nập đón ghe về”: Có thể hình dung ra khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập của làng chài khi đón chào những đoàn thuyền trở về sau một đêm lao động vất vả đem theo những thành quả xứng đáng
  • Hình ảnh của người dân chài: làn da “ngăm rám nắng” và thân hình “nồng thở vị xa xăm” không chỉ gợi lên vóc dáng khỏe khoắn, mãnh mẽ, mà còn toát lên sự từng trải giàu kinh nghiệm và nỗi vất vả dãi dầu nắng gió bao năm
  • Hình ảnh con thuyền: phép nhân hoá quá các động từ “mỏi”, “nằm”, “nghe”,… con thuyền như một con người lao động, biết tự cảm nhận thân thể của mình sau một ngày lao động mệt mỏi
  • Hương vị của biển cả thấm trong từng thớ gỗ, nồng đậm như sự gắn bó và tình yêu của con người với biển trời bao la
  • “Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy khoang”: Sau một cuộc đánh bắt vô cùng thuận lợi, mang về những thành quả tốt đẹp, người dân làng chài nhớ đến mẹ thiên nhiên đã giúp đỡ. Câu thơ thể hiện một nét đẹp trong phẩm chất của người dân chài: biết ơn, không tự cao tự đại

3. Tình cảm thiết tha của nhà thơ đối với quê hương ( phân tích khổ thơ cuối cùng ):

  • Liệt kê một loạt các hình ảnh của làng quê: “màu nước xanh”, “cá bạc”, “chiếc buồm vôi”, “con thuyền rẽ sóng”,… thể hiện nỗi nhớ quê hương chân thành, da diết của tác giả.
  • Từng hình ảnh giản dị đời thường của quê hương khắc sâu trong tâm khảm của nhà thơ
  • Câu thơ cuối: “mùi nồng mặn” – mùi của biển khơi, cá tôm, mùi của con người là hương vị đặc trưng của quê hương miền biển. 
  • Câu cảm thán không hề khoa trương mà với cùng mộc mạc chân tình như một lời nói thốt ra từ chính trái tim của người con xa quê với một tình yêu thủy chung, gắn bó với nơi đã bao bọc mình.
  • 4. Nghệ thuật:
  • Thể thơ tám chữ phóng khoáng, phù hợp để bày tỏ tâm tình, cảm xúc thật tự nhiên, tha thiết
  • Các biện pháp tự tuyệt được vận dụng một cách khéo léo tài tình góp phần sinh động hoá hình ảnh trong thơ và bày tỏ cảm xúc
  • Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, chân thành, tha thiết chứ không hoa mĩ, rườm rà

III. Kết bài:

Bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh không thể phủ nhận là một trong số những bài thơ xuất sắc và tiêu biểu nhất trong chùm thơ về quê hương đất nước trên thi đàn văn học Việt Nam. Từng câu, từng chữ vang lên trong tâm thức mỗi độc giả như một lời thúc giục tha thiết hướng lòng mình trở về với nguồn cội dấu yêu. 
Hằng Lê – Wikihoc.com

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *