Dàn ý đề bài nêu cảm nghĩ về tình bà cháu trong “Tiếng gà trưa” chi tiết đầy đủ

“Tiếng gà trưa” là trang thơ thấm đậm tình bà cháu, là dòng kí ức của người chiến sĩ trên đường hành quân nhớ về người bà của mình khi nghe thấy tiếng gà trưa cục tác quen thuộc. Sau đây, Wikihoc xin giới thiệu với các bạn dàn ý cho đề bài nêu cảm nghĩ về tình bà cháu trong “Tiếng gà trưa”.

Các bài viết về chủ đề cảm nghĩ về tình bà cháu được quan tâm :

  • Cảm nghĩ về tình bà cháu trong tiếng gà trưa lớp 7

Mỗi người sinh ra đều có cho mình một làng quê để nhớ, có cho mình một gia đình để ấp ủ yêu thương. Tình cảm gia đình là nguồn cảm hứng sáng tạo cho bao tác phẩm nghệ thuật, một nguồn cảm hứng truyền thống cho các áng văn học cổ kim, và Xuân Quỳnh cũng không nằm ngoài vòng tròn ấy. “Tiếng gà trưa” chính là nỗi lòng của nhà thơ với người bà của mình_một phần của gia đình, một phần của tuổi thơ, một phần của quê hương, một phần của tổ quốc. Tình cảm với người bà tảo tần là nét đẹp nổi bật lên trong bài thơ, là nỗi lòng thấm đượm trên từng trang giấy. Trong chương trình ngữ văn lớp bảy, các bạn có thể bắt gặp đề bài nêu cảm nghĩ về tình bà cháu trong “Tiếng gà trưa”. Để làm được đề bài này, trước hết các bạn cần đảm bảo bài viết đầy đủ bố cục ba phần gồm mở bài, thân bài và kết bài. Đặc biệt khi triển khai phần thân bài, các bạn cần tập trung bút lực vào những chi tiết thơ có sự xuất hiện của người bà, nhấn mạnh ý nghĩa của lời thơ vào sự thể hiện tình cảm bà cháu. Nếu cảm thấy khó khăn thì hãy để Wikihoc giúp bạn với dàn ý chi tiết dưới đây cho đề bài này. Chúc các bạn thành công !

DÀN Ý ĐỀ BÀI NÊU CẢM NGHĨ VỀ TÌNH BÀ CHÁU TRONG “TIẾNG GÀ TRƯA” LỚP 7

I.Mở bài

  • Giới thiệu tình bà cháu trong bài thơ “Tiếng gà trưa”.

Thơ ca là sự giãi bày của tâm hồn. Trong thơ ta thấy một tấm lòng yêu nước, thấy một tâm hồn yêu quê hương và cũng thấy cả những dòng bình dị về tình cảm gia đình thân thương. “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh chính là những dòng thơ bình dị ấy. Bài thơ đã đi vào lòng người đọc bằng tiếng gà trưa, bằng một tình bà cháu nồng đậm yêu thương.

II.Thân bài: Cảm nghĩ về tình bà cháu trong bài thơ

1. Tình bà cháu hiện lên qua dòng kí ức

  • “ Nghe xao động nắng trưa
  • Nghe bàn chân đỡ mỏi 
  • Nghe gọi về tuổi thơ. ”

 

  • Dòng cảm xúc từ hiện tại đã trôi về miền quá khứ với nỗi xúc động tràn trề. Tiếng gà trưa đã gợi lên bao kỉ niệm thơ ấu được sống nơi làng xóm với bà, trong tình yêu thương và bàn tay chăm sóc của bà.
  • Hình ảnh người bà hiện lên trong những kỉ niệm đẹp, gắn liền với đàn gà cục ta cục tác.

“ Gà đẻ mà mày nhìn!
   Rồi sau này lang mặt. ”

Câu thơ đã tái hiện lại lời mắng yêu của bà với người cháu. Dù đã lớn nhưng cháu vẫn mang theo mình kỉ niệm rất đỗi giản dị mà chan chứa yêu thương này.

 “ Tay bà khum soi trứng
     Dành từng quả chắt chiu ”

                                                               “ Cứ hàng năm hàng năm
                                                               Khi gió mùa đông tới
                                                               Bà lo đàn gà toi
                                                               Mong trời đừng sương muối
                                                               Để cuối năm bán gà
                                                               Cháu được quần áo mới.”

  • Bà hiện lên với dáng vẻ tần tảo, vất vả, chắt chiu, dành dụm để cho cháu được cuộc sống ấm lo.
  • Những “cái quần chéo go”, những “cái áo cánh chúc bâu” chẳng phải là món quà đắt tiền, chẳng sang trọng nhưng nó lại là niềm vui lớn nhất của người cháu mỗi khi tết đến xuân về. Món quà tuy không đắt tiền nhưng chính tiền lại chẳng thể trả nổi bởi nó được làm bằng những sợi yêu thương của người bà, là những hy sinh của bà để cháu có cuộc sống hạnh phúc ấm lo.

2. Tình cảm bà cháu gắn bó thiêng liêng

  • Bà đã cùng người chiến sĩ đồng hành gắn bó trên suốt chặng đường hành quân.
  • Những ý nghĩ về bà, những kỉ niệm ấu thơ có bóng dàng người bà tảo tần, tình yêu thương của bà đã tiếp sức cho người chiến sĩ.

“ Cháu chiến đấu hôm nay

                                                            Vì lòng yêu Tổ quốc

                                                            Vì xóm làng thân thuộc

                                                            Bà ơi, cũng vì bà

                                                            Vì tiếng gà cục tác

                                                            Ổ trứng hồng tuổi thơ ”

  • Bà đã trở thành nguồn sức mạnh tinh thần cho cháu.
  • Điệp từ “vì” đã làm nổi bật nguyên nhân người chiến sĩ quyết tâm lên đường hành quân. Không phải bắt nguồn từ những gì to lớn mà đó chính là vì bà, vì cháu biết những tảo tần chịu thương chịu khó của bà. Tình yêu gia đình gắn với người bà đã lớn lên thành tình yêu quê hương, nơi có tiếng gà cục tác. Từ tình yêu quê hương, nó lớn dần thành tình yêu tổ quốc, thành quyết tâm đứng lên bảo vệ những điều bình dị mà thiêng liêng ấy trong tâm tưởng người cháu.

III.Kết bài

  • Nêu cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ.

Nhà văn I-li-a Ê-ren-bua từng viết: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.”. Quyết tâm lên đường của người cháu trong bài thơ “Tiếng gà trưa” cũng bắt nguồn từ những tình cảm giản dị ấy. Ấy là tình bà cháu, bình dị nơi làng quê ngõ xóm nhưng thật thiêng liêng bởi nó làm nên tình yêu Tổ quốc.

Quỳnh Phạm – Wikihoc.com

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *