Dàn ý cảm nhận bài “Một thứ quà của lúa non: cốm” lớp 7 chi tiết đầy đủ

Có lẽ những ai yêu mến Hà Nội chắc không thể làm ngơ với món đặc sản nổi tiếng cốm làng Vòng. Chỉ nghe tên cốm thôi người ta dễ dàng nghĩ đến những hạt cốm xanh non, được gói bởi những lá sen đượm hương ngan ngát, bên ngoài được buộc bằng đôi cọng rơm khô. Ngòi bút của Thạch Lam đã hết sức tinh tế, khéo léo làm hiện lên vẻ đẹp của cốm Hà Nội trên trang giấy. Hãy cùng Wikihoc.com đi tìm vẻ đẹp của cốm Vòng trong tác phẩm “Một thứ quà của lúa non: cốm” nhé.

Các bài viết về chủ đề Một thứ quà của lúa non: cốm được quan tâm :

  • Soạn bài Một thứ quà của lúa non: Cốm lớp 7
  • Cảm nhận bài “Một thứ quà của lúa non: Cốm” lớp 7

Đất nước ta có rất nhiều món ăn hết sức bình dị, dân dã nhưng phảng phất trong đó là nhưng tinh túy của hồn dân tộc. Dường như cốm đã trở thành một món ăn đa đi sâu vào truyền thống của người dân Việt Nam từ bao đời nay, nổi tiếng là cốm làng Vòng. Khi còn nhỏ, chúng ta vẫn thường được phá cỗ Trung Thu với bao thứ bánh kẹo, nhưng không thể thiếu cốm xanh gói trong lá sen thơm phức. Khay bánh kẹo ngày Tết cổ truyền có thêm chút cốm cũng thật tròn đầy. Dù là món ăn giản dị, một thứ quà quê chẳng cầu kì, nhưng biết bao người yêu cốm. Đến với tác phẩm “Một thứ quà của lúa non : cốm” ta mới thấy món ăn dân dã quen thuộc hiện ra trong cảm nhận tinh tế đến bội phần. Cốm như được nâng tầm, để mọi người thấy được hết những cái tinh tế trong hạt cốm xanh quen thuộc mỗi ngày. Trong chương trình lớp 7, các em sẽ gặp đề văn cảm nhận tác phẩm này. Các em hãy theo dõi mạch ý của văn bản để cảm nhận vẻ đẹp của cốm Vòng trong từng phương diện từ nguồn gốc, đến hương vị và cả cách thưởng thức cốm. Đừng quên đan xen vào bài viết những cảm xúc của chính các em. Dưới đây là dàn bài đầy đủ và chi tiết giúp các em phần nào định hướng cho bài viết của mình. Chúc các em thành công!

DÀN Ý CHI TIẾT HƯỚNG DẪN BÀI VĂN CẢM NHẬN “MỘT THỨ QUÀ CỦA LÚA NON: CỐM” LỚP 7

I.Mở bài:

  • Giới thiệu tác phẩm “Một thứ quà của lúa non: cốm”:

Cốm là một thứ quà bình thường và phổ biến trong đời sống người Việt Nam từ bao đời nay. Hương vị thanh mát, thân thuộc của cốm gói trong lá sen trở thành hương vị mãi vấn vương trong lòng mỗi ai đã từng thử qua. Thạch Lam đã mang những đặc trưng của cốm Vòng vào trang văn một cách vô cùng tinh tế, khiến cho sáng tác “Một thứ quà của lúa non: cốm” để lại rất nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.

II.Thân bài:

1. Cảm nhận về nguồn gốc của cốm :

  • Cảm hứng của tác giả về cốm được gợi lên từ hương thơm của lá sen trong làn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên mặt hồ..ngửi thấy mùi hương thơm mát của lúa non.
  • Hình dung trong cái vỏ xanh có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ.
  • Hình dung được dưới ánh nắng giọt sữa dần dần đông lại, bông lúa ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của đất trời.
  • Tác giả miêu tả tinh tế hương vị và cảm giác: lướt qua, nhuần thấm, thanh nhã, tinh khiết, tươi mát, trắng thơm, phảng phất, trong sạch….
  • Từ ngữ chọn lọc tinh tế, câu văn có nhịp điệu, thấm đẫm cảm xúc của tác giả.
  • Làng Vòng là nơi nổi tiếng nghề cốm, cốm làng Vòng dẻo, thơm ngon nhất
  • Hình ảnh cô hàng cốm xinh xinh, áo quần gọn ghẽ với cái dấu hiệu duy nhất là cái đòn gánh hai đầu cong vút lên như chiếc thuyền rồng”.
  • Cốm gắn liền với vẻ đẹp của người làm ra cốm là cô gái làng Vòng.
  • Vẻ đẹp của người tôn lên vẻ đẹp của cốm. Cốm hấp dẫn con người không chỉ bởi hương vị thanh khiết của nó mà còn bởi vẻ đẹp của chính những người làm ra nó. Trong cốm không chỉ có hương vị của cây cỏ đất trời mà còn có thần thái, sinh khí của con người.
  • Cốm thành nhu cầu thưởng thức của người Hà Nội.
  • Từ một thứ quà quê, cốm Vòng đã trở thành một nét văn hoá ẩm thực của Hà Nội thanh lịch, tao nhã

2. Cảm nghĩ về giá trị của cốm

  • “Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của cánh đông lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam”.
  • Cốm là quà tặng của hương đồng cỏ nộ dâng tặng cho con người
  • Cốm là đặc sản của dân tộc vì nó  kết tinh hương vị thanh khiết của đồng quê, là sản phẩm độc đáo của nền văn minh nông nghiệp lúa nước ngàn đời của người Việt. Do đó, cốm là quà quê nhưng là thức quà thiêng liêng, đáng trân trọng nâng niu.
  • Cốm gắn liền với tục sêu tết: “Hồng cốm tốt đôi … để hạnh phúc được lâu bền”
  • Việc dùng cốm làm lễ vật sêu tết thật thích hợp và có ý vị sâu xa:
  • Cốm là thức dâng của đất trời, mang trong nó hương vị vừa thanh nhã, vừa đậm đà của đồng quê nội cỏ, nó rất thích hợp trong việc lễ nghi của một xứ sở nông nghiệp lúa nước như nước ta. Thứ lễ vật ấy lại sánh cùng quả hồng – biểu trưng cho sự gắn bó hài hoà trong tình duyên đôi lứa. Màu sắc thì hoà hợp, hương vị thì nâng đỡ nhau.
  • Cốm được trân trọng và giữ gìn như một vẻ đẹp văn hóa dân tộc.

3. Cảm nghĩ về sự thưởng thức cốm:

  • Ăn cốm phải ăn thư thả, chút ít và ngẫm nghĩ thì mới thấy được hương vị thơm phức của lúa mới, của cỏ dại ven bờ, thấy trong mầu xanh của cốm có cái tươi mát của lá non, thấy trong chất ngọt của cốm có cái thanh đạm của loài thảo mộc.
  • Cốm phải được bọc trong lá sen.
  • Nên kính trọng cái lộc của trời, cái khéo léo của mình, và sự nhẫn nại của thần lúa.
  • Cốm là một thứ quà đặc sắc vì nó kết tinh nhiều vẻ đẹp: Vẻ đẹp của hương vị và màu sắc đồng quê, vẻ đẹp của người chế biến, của tục lệ nhân duyên, của cách mua và thưởng thức.
  • Cốm là sản vật quý của dân tộc, cần được nâng niu và gìn giữ.

III. Kết bài:

  • Nêu cảm nhận chung của em về toàn bộ tác phẩm:

Từ một món ăn dân dã, qua cảm nhân tinh tế của Thạch Lam, cốm hiện lên như một nét đẹp mang phong vị của bản sắc dân tộc. Có một cái gì đó gần gũi giữa hương vị thanh đạm của cốm với phẩm chất thuần hậu, chất phác của những người nông dân một náng hai sương gắn bó với quê hương đất nước. Chúng ta sẽ mãi trân trọng thứ quà giản dị mà tuyệt vời của lúa non : cốm, như gìn giữ, nâng niu một nét đẹp của đất nước mình.

Hằng Lê – Wikihoc.com

Similar Posts

One Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *