Dàn ý Bài viết số 1 đề 2 lớp 7: Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự chi tiết đầy đủ

Những bài thơ không chỉ là tiếng nói của cảm xúc mãnh liệt mà còn là những câu chuyện được gửi gắm trong đó. Những câu chuyện được kể trong thơ bao giờ cũng mang một sức gợi vô cùng đặc biệt tác động đến trái tim độc giả. Ở lớp 7, các em sẽ bắt gặp đề bài yêu cầu kể lại một câu chuyện trong một bài thơ có tính chất tự sự. Mỗi người có thể sẽ có một bài thơ riêng để lại ấn tượng sâu sắc, dàn bài chi tiết và đầy đủ dưới đây mà Wikihpc.com cung cấp hi vọng có thể giúp đỡ các em trong quá trình học tập.

Các bài viết về chủ đề Bài viết số 1 lớp 7 đề 2 được quan tâm :

  • Bài viết số 1 lớp 7 đề 2: Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự

Những bài thơ mang tính chất tự sự dường như là những câu chuện để lại ấn tượng trong tâm trí không ít độc giả. Chính vì được thể hiện qua ngôn ngữ thơ, nên những câu chuyện này thường đong đầy cảm xúc. Lên lớp 7, các em sẽ làm quen với dạng bài kể lại câu chuyện trong một bài thơ mang tính chất tự sự. Dạng đề bài này yêu cầu nhiều kĩ năng của các em kết hợp, đan cài hỗ trợ lẫn nhau. Các em phải nắm rõ cốt truyên trong bài thơ là gì, có những sự kiện gì chính, trình tự các sự kiện diễn ra như thế nào, kể bằng ngôi thứ nhất đóng vai nhân vật trong chuyện hay bằng ngôi thứ ba của người kể chuyện, và các em phải xâu chuỗi những yếu tố ấy để làm nên một bài văn tự sự. Nhưng có một điều mà các em cần phải lưu ý đó chính là đối với dạng bài này, các em phải biết kết hợp thao tác miêu tả và biểu cảm bày tỏ cảm xúc của chính mình để khiến cho bài viết thêm phần hấp dẫn. Dưới đây là một dàn ý chi tiết, đầy đủ hướng dẫn các em làm đề văn này. Ở đây, câu chuyện được kể lại là câu chuyện trong bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ của nhà thơ Minh Huệ – một bài thơ vô cùng ấn tượng mà các em có lẽ đã được học trong chương trình lớp 6, qua lời kể của anh đội viên. Các em có thể lựa chọn một bài thơ khác mà các em yêu thích. Chúc các em thành công!

DÀN Ý CHI TIẾT HƯỚNG DẪN BÀI VĂN KỂ LẠI MỘT CÂU CHUYỆN TRONG MỘT BÀI THƠ CÓ TÍNH CHẤT TỰ SỰ LỚP 7 – DÀN Ý KỂ LẠI CÂU CHUYỆN TRONG BÀI THƠ “ĐÊM NAY BÁC KHÔNG NGỦ” (MINH HUỆ)

I.Mở bài:

  • Dẫn dắt để giới thiệu và câu chuyện:

Bác Hồ – Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Người đã mãi đi xa, nhưng hình ảnh về một lãnh tụ vĩ đại, đáng kính, được nhân loại biết đến và kính nể thì mãi vĩnh hằng trong trái tim mỗi thế hệ người Việt Nam chúng ta và bạn bè quốc tế. Tôi cứ nhớ mãi đêm ấy, đêm mà Bác không ngủ khi chúng tôi đang trong chiến dịch Biên giới. Đêm hôm ấy đã qua từ rất lâu rồi nhưng đến tận bây giờ, hình ảnh của Bác vẫn cứ sáng ngời trong lòng tôi.

II.Thân bài:

1. Hoàn cảnh của câu chuyện

  • Hồi ấy, chúng tôi cùng Bác Hồ đang chiến đấu trong chiến dịch Cao-Bắc-Lạng. Tôi là một anh đội viên còn rất trẻ
  • Đường hành quân gian nan, hiểm trở, đêm đã buông xuống mang theo cái lạnh và những cơn mưa rả rích không ngừng
  • Đoàn chúng tôi quyết định dừng chân để nghỉ lại một đêm, mọi người vì đã quá mệt mỏi nên ai cũng dần thiếp đi để lấy lại sức để ngày mai lại tiếp tục

2. Lần đầu tiên thức giấc

  • Tôi đang mơ màng ngủ thì giật mình tỉnh giấc, lúc này trời đã khuya lắm rồi, tôi nhìn thấy một dáng hình thân quen bên đống lửa cháy bập bùng
  • Bác vẫn còn thức, dáng vẻ Bác trầm ngâm như đang suy nghĩ điều gì đó
  • Mái tóc của Bác bạc phơ, ánh lên bên dưới ánh sáng hồng của ngọn lửa, trông bác lúc này như một người cha thật giản dị và chất phác
  • Tôi thấy Bác đứng dậy, chắc vì sợ các chiến sĩ chúng tôi giật mình và tỉnh giấc nên Bác nhẹ nhàng nhón chân đi đến từng nơi chúng tôi nằm dém lại mép chăn để khỏi bị lạnh
  • Trong mơ màng, tôi thấy hình ảnh của Bác thật là đẹp, bóng Bác hiện lên cao lồng lộng nhưng lại không hề xa vời mà gần gũi, ấm áp hơn cả ngọn lửa kia
  • Trong lòng tôi lo lắng vì tại sao đã khuya rồi mà Bác còn chưa ngủ, vậy nên tôi thầm thì hỏi Bác ” Bác ơi! Sao Bác còn chưa ngủ? Bác có lạnh lắm không ạ?”
  • Nghe thấy tôi, Bác nở một nụ cười thật hiền từ, Bác trả lời: “Chú cứ việc ngủ ngon, ngày mai còn đi đánh giặc”
  • Nghe theo lời Bác, tôi nhắm mắt nhưng trong lòng không khỏi bồn chồn, tôi lo lắng nếu Bác cứ thức hoài thế này thì ngày mai, qua những đoạn đường trắc trở gập ghềnh thi Bác lấy sức đâu mà đi

3. Lần thứ ba thức dậy

  • Lần thứ hai, thứ ba thức dậy tôi hoảng hốt khi thấy Bác vẫn còn thức mà trời thì đã sắp sáng mất rồi
  • Những cơn gió vẫn cứ lạnh buốt, mưa vẫn chưa ngừng rơi nhưng Bác thì vẫn đinh ninh, chòm râu bạc phơ im phăng phắc
  • Tôi không thể ngừng lo lắng nên nằng nặc mời Bác đi ngủ
  • Ấy vậy mà, Bác vẫn như nững lần trước, nhìn tôi bằng ánh mắt ấm áp, trả lời thật từ tốn ” Chú hãy cứ ngủ đi còn lấy sức mà đi đánh giặc, Bác thức cứ mặc Bác, chứ Bác ngủ không an lòng”
  • Bác ngồi trầm ngâm nghĩ về những chiến sĩ đang vất vả, chịu gian lao, khó nhọc ngoài kia, những anh chị dân công hôm nay phải ngủ ngoài rừng, chẳng có gì ngoài lá cây làm chiếu, tấm áo mỏng manh đắp cho bớt lạnh. Trời mưa thế này làm sao mà có thể tránh cho khỏi ướt
  • Tôi nhận ra Bác đang lo cho các chiến sĩ nên mới không ngủ được
  • Lòng tôi dâng lên một cỗ xúc động nghẹn ngào xen lẫn niềm vui sướng khó tả, cùng với sự kính ngưỡng vô cùng dành cho người Cha tuyệt vời ấy
  • Tôi quyết định cũng sẽ thức luôn cùng Bác, hai Bác cháu tôi cùng ngồi trò chuyện cho đến sáng

III.Kết bài:

  • Trình bày cảm nhận về câu chuyện:

Đêm chiến dịch năm ấy có lẽ sẽ mãi mãi in sâu trong tâm trí tôi. Người quả thật là vị Cha già, vị lãnh tụ vĩ đại mà cả dân tộc Việt Nam tôn kính. Bác đã để lại trong tôi những kí ức dù gắn liền với sự gian khổ thời chiến nhưng chưa bao giờ tôi thấy đẹp hơn thế. Ở Người mãi mãi sáng ngời một nhân cách mang tên Hồ Chí Minh.

Hằng Lê – Wikihoc.com

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *