Chứng minh câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” lớp 7

Có rất nhiều câu ca dao tục ngữ hay ông cha ta muốn đúc kết lại cho con cháu để nói về kinh nghiệm sống trong đó có câu tục ngữ về việc học hỏi mọi lúc mọi nơi. Bài này thì wikihoc.co sẽ hướng dẫn làm bài văn chứng minh “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” hay trong chương trình ngữ văn lớp 7 bằng 2 bài văn mẫu

Các bài viết về chủ đề Đi một ngày đàng học một sàng khôn được quan tâm :

  • Giải thích câu Đi một ngày đàng học một sàng khôn lớp 7
  • Dàn ý đi một ngày đàng học một sàng khôn
  • Nghị luận về câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” lớp 9
  • Dàn ý Chứng minh đi một ngày đàng học một sàng khôn lớp 7
  • Dàn ý giải thích câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” lớp 7

Khi xưa, Lê-nin đã từng nói: “Học, học nữa, học mãi”. Sự học có lẽ là vô cùng vô tận, dù ta có lớn tuổi, có cố gắng đến đâu, cũng không thể thu hết được biển kiến thức mênh mông. Vậy cách học như thế nào mới là hiệu quả nhất? Có người học qua sách vở, có người tìm cho mình người thầy để học, có người lại học nhờ chính bản thân mình. Cha ông ta đã dùng kinh nghiệm mà truyền lại cho con cháu một cách học hiệu quả, đó là “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Câu tục ngữ ấy nói về điều gì? Chính là dạy chúng ta rằng, càng đi nhiều, chúng ta càng học được những kiến thức vô giá. Để chứng minh được điều ấy, trước hết ta cần giải thích câu tục ngữ. Sau đó lần lượt trả lời các câu hỏi: câu tục ngữ ấy có đúng hay không? Vì sao đúng(sai), biểu hiện của nó như thế nào? Ta có thể lật lại vấn đề, có phải cứ đi nhiều là sẽ học được nhiều? Và cuối cùng là liên hệ với bản thân. Đó là trình tự cơ bản của bài văn nghị luận mà các bạn phải tuân theo. Chúc các bạn làm bài thành công!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 CHỨNG MINH “ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG HỌC MỘT SÀNG KHÔN”

Ca dao tục ngữ là một kho tàng vô giá của dân tộc Việt Nam, bởi trong mỗi câu tục ngữ ấy, là cả đời kinh nghiệm đúc kết của cha ông ta. Những điều ta học được trong kho tàng ấy, luôn luôn đúng để áp dụng vào cuộc sống thường ngày. Một trong những câu tục ngữ mà tôi tâm đắc nhất chính là: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”

Thế nào là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”?

“Đi một ngày đàng” là khi ta đi ra thế giới bên ngoài để giao tiếp, để học hỏi. Ta không còn chôn mình trong chiếc ao tù chật hẹp để trở thành ếch ngồi đáy giếng, mà ta sẵn sàng lăn lộn với cuộc đời xung quanh. Khi ấy, ta học được “một sàng khôn”. Sàng vốn là đơn vị để đo lường của người nông dân xưa, nhưng nay nó trở thành đơn vị để đo một đại lượng trừu tượng, trí khôn. Nói như vậy, cũng để khẳng định rằng, ta càng ra ngoài để tiếp xúc với cuộc sống, ta càng thu nhận được nhiều kiến thức, hiểu biết của ta cũng từ đó mà nâng lên. Suy cho cùng, câu tục ngữ cũng là một lời thúc giục của cha ông, hãy học tập ở cuộc sống bên ngoài, bởi đó mới là người thầy thực sự của chúng ta.

Vậy vì sao, đi một ngày đàng ta lại học được một sàng khôn?

Cuộc sống bên ngoài chúng ta là bao la vô tận, ở đó chứa nhiều bí mật mà ta không thể khám phá hết. Nếu chỉ mãi giam mình trong chiếc vỏ ốc, ta sẽ chẳng thể biết được cuộc sống ấy kì diệu đến nhường nào. Ta có thể học ở trường, học ở bạn, ở sách vở, nhưng bấy nhiêu thôi là chưa đủ. Giữa cuộc đời, ta chỉ như một hạt cát trên sa mạc, kiến thức của ta cuốn vào biển đời vô tận. Ta không thể tồn tại và phát triển nếu ta không chịu tiếp thu những văn minh nhân loại ngoài kia. Những nhà bác học nổi tiếng như Edison, Anhxtanh, họ thành công cũng nhờ tiếp thu tinh hoa của những thế hệ đi trước. Tinh hoa ấy chỉ có thể được hấp thụ, khi ta bỏ công sức ra thế giới bên ngoài học hỏi. Một người ăn xin có thể dạy bạn về lòng ham sống, một chú chó có thể chỉ cho bạn về tình yêu thương. Hãy tin tôi đi, cứ bước chân ra ngoài, bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn bạn tưởng.

Kiến thức từ sách vở, thầy cô, bạn bè cũng rất đáng quý và vô tận. Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là kiến thức trên lí thuyết, sách vở, dù ta có học được nhiều đến đâu, cũng khó có thể áp dụng vào thực tế. Vậy nên, khi đi ra ngoài để học tập thế giới ngoài kia, bạn được va chạm, và những kinh nghiệm, kiến thức cũng tự nó hoà vào tâm trí bạn. Đó sẽ là những bài học bổ ích nhất, chân thật nhất, nó quan trọng hơn rất nhiều những kiến thức hàn lâm ấy. Bởi vậy, những nhà văn, nhà khoa học, khi họ không thể tìm được ý tưởng, họ đi ra ngoài, ngắm nhìn thiên nhiên cuộc sống. Và những nhân tài cũng từ đó mà ra.

Hiểu được điều đó, nhưng điều đáng buồn là ngày hôm nay, nhiều bạn trẻ trở nên trì trệ việc hỏi học. Họ phó mặc bản thân cho những bài học trên lớp, cho thầy cô mà không tự tìm ra con đường học hành cho riêng mình. Họ ngại ngần bước ra ngoài cuộc sống xã hội, họ tự thu mình vào chiếc vỏ kén, hoặc trở nên quá ngạo mạn, hoặc trở nên tự ti. Từ đó, họ không thể hoà nhập với guồng quay của xã hội, tự tách mình ra khỏi cuộc sống ngoài kia. Không bao giờ họ có thể thành công.

Học ở ngoài xã hội không phải là cách học duy nhất. Nếu quá chú tâm vào những kiến thức bên ngoài đó, có thể ta sẽ mất đi những kiến thức nền căn bản mà ta học được ở sách vở, trường lớp. Là học sinh, chúng ta cần biết cân bằng cả hai lượng kiến thức ấy, những kiến thức ở sách vở trở thành nền tảng để học ngoài cuộc sống, và học ở cuộc sống để làm phong phú cho kiến thức sách vở.

Chưa bao giờ, việc học trở nên hết quan trọng. Học, chính là con đường dẫn đến tương lai. Học, là cánh cửa dẫn đến thành công. Ngay từ bây giờ, hãy nhận thức được rằng: đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

BÀI LÀM VĂN MẪU SỐ 2 CHỨNG MINH “ĐI MỘT NGÀY ĐÀNG HỌC MỘT SÀNG KHÔN”

Kiến thức của mỗi con người dù có rộng lớn đến đâu đi chăng nữa cũng chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa hoang mạc, là giọt nước giữa đaị dương mênh mông, rộng lớn. Càng tìm hiểu, con người lại thấy mình thật nhỏ bé, còn nhiều điều chưa thể biết hết được. Vì thế mà cha ông ta ngày trước mới có câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” để nói về việc sự tìm tòi kiến thức.

Câu tục ngữ là kinh nghiệm mà cha ông ta đã đúc rút để truyền cho thế hệ đi sau.Nếu mỗi ngày chúng ta đi “một ngày đàng” thì ta có thể học được những bài học có ý nghĩa đối với bản thân mình hơn. Câu tục ngữ muốn nhắn gửi đến mọi người rằng: chúng ta phải mở rộng, tìm hiểu kiến thức, có như vậy mới không tụt hậu.

Câu tục ngữ này có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi người. Ai cũng muốn bản thân mình hiểu nhiều, và cũng sẽ biết nhiều, được đi đó đi đây để am hiểu thêm nét văn hóa và tri thức.   Con người chỉ cần dũng cảm bước chân ra khỏi nhà và như sẽ cảm nhận được rằng thế giới xung quanh là địa hạt của sự kì bí, lớn lao mà ta mãi mãi không thể biết hết được.

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, có rất nhiều người đang phụ thuộc vào mạng Internet, chỉ cần lên google là mọi thông tin cần thiết sẽ hiện ra. Nhưng cần hiểu rằng, mặt trái của mạng Internet là những thông tin đó vốn không được kiểm duyệt gắt gao, lại mang tính thiếu chính xác cao vì cùng một sự tìm kiếm có thể đem đến rất nhiều những kết quả khác nhau, thậm chí là trái chiều nhau. Hưn nữa, những thông tin là mang trải nghiệm của cá nhân, chúng ta chỉ có thể biết mà không thể giải thích ngọn nguồn vì sao lại vậy.

Có thể nhận thấy được rằng việc đi nhiều, tìm hiểu nhiều nguồn kiến thức không những bổ sung thêm cho ta một hệ thống kiến thức lớn mà còn khiến ta có thêm rất nhiều những kĩ năng mềm mà ngày nay, chỉ có vốn tri thức là không thể đủ, có thể là lòng tự tin, là sự nhiệt huyết., là lòng dũng cảm để vượt qua mọi chông gai của đường đời sau khi đúc rút kinh nghiệm từ những va vấp, từ những chuyến đi như vậy. Chúng ta chắc chắn rồi sẽ trưởng thành khi va chạm nhiều, nhưng bên cạnh đó ta cũng sẽ chỉ mãi mãi nhỏ bé như một chú ốc sên chui trong chiếc vỏ cứng của mình khi cứ nhốt mình trong một căn phòng, và ôm mớ kiến thức có được trên mạng như thế mà thôi. Đó quả thật là cuộc sống buồn tẻ, vô nghĩa.

Đối với những người trẻ thì việc đi và tìm hiểu thông tin, kiến thức lại là rất cần thiết. Tác giả Roise Nguyễn trong cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” cũng đã đề cạp đến vấn đề này khi khẳng định rằng “Tuổi đôi mươi, điều cần nhất là sự trải nghiệm”! Vậy nên, với những người trẻ tuổi, khi còn đang sống trong bầu không khí của sự nhiệt huyết, dám đi, dám làm, lại có sức khỏe, hãy cứ trải nghiệm.

Xã hội, đất nước của chúng ta dường như đang ngày càng phát triển, điều đó cũng đòi hỏi những con người sống có hiểu biết, có trải nghiệm hơn bao giờ hết. Trải nghiệm cuộc sống, đó cũng chính là cách để hiểu rằng bản thân ta muốn gì, mong muốn trở thành ai và từ đó, còn định hướng cho những bước đi tiếp theo của ta trên đường đời rộng lớn, thậm chí ta còn có thể sống nhận văn, sống đẹp theo cách mà ta hằng mong muốn

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *