Cảm nhận bài thơ “Đi đường” lớp 8 hay đầy đủ

Hướng dẫn làm bài văn cảm nhận bài thơ “Đi đường” hay trong chương trình lớp 8 các bạn có thể tham khảo thêm

Các bài viết về chủ đề bài thơ Đi đường được quan tâm :

  • Phân tích hình ảnh Người đi đường trong bài thơ Đi đường lớp 8

Trong thời kì Bác bị giam ở nhà tù Tưởng Giới Thạch, tác phẩm “Nhật ký trong tù” là tác phẩm có nhiều giá trị nhất cho nền văn học nước nhà. Bài thơ có tên gọi theo chữ Hán là “Ngục trung nhật ký”, viết hoàn toàn bằng chữ Hán  từ ngày 29-8-1942 đến ngày 10-9-1943 trong thời kì Bác chúng ta bị giam ở nhà tù Tưởng Giới Thạch thuộc Trung Quốc. Sau này được dich sang tiếng thuần việt bởi nhiều nhà biên dịch lấy tên là “Nhật ký trong tù”. Trong tập thơ, có tổng cộng có 134 bài (bao gồm cả lời đề từ), rất nhiều bài được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt chỉ vọn vẹn 4 câu, mang chất chứa nhiều cảm xúc, chứng tỏ số vốn từ ngữ của Bác rất giàu, phong phú, đồ sộ vì Bác là con người ham học, biết nhiều, khả năng cảm thụ văn học tốt, có quan điểm và thái độ đúng đắn rất riêng mà sâu sắc, vẫn nằm trong chuẩn mực đạo đức và pháp luật. “Đi đường” là một bài thơ tiêu biểu trong số đó. Bài thơ mượn chuyện đi đường, thi nhân nêu lên cảm nhận đường đời vô cùng khó khăn, nguy hiểm, phải có quyết tâm cao, nghị lực lớn mới chiến thắng thử thách, mới giành được thắng lợi vẻ vang. Trong chương trình Ngữ Văn 8 có đề văn bài văn cảm nhận bài thơ “Đi đường”, người viết cần chú ý làm nổi bật tư tưởng chủ đề tác phẩm, lời nhắn nhủ Bác gửi tới mọi người. Dưới đây là bài làm bài văn cảm nhận bài thơ “Đi đường” để mọi người có một định hướng đi làm đề văn này. 

BÀI VĂN SỐ 1 CẢM NHẬN BÀI THƠ “ĐI ĐƯỜNG” 

Có những bài thơ rung động lòng ta bởi những vẻ đẹp mượt mà, mềm mại của tâm tư, cảm xúc. Có những bài thơ lại làm xao xuyến trong ánh sáng lung linh lấp lánh của vẻ đẹp ngôn từ. Nhưng cũng có những bài thơ bình dị và chân phương, mộc mạc và đôn hậu kết tinh từ bao thăng trầm nếm trải của thi nhân đã đến với ta như một nốt trầm xao xuyến, đọng lại trong mỗi trái tim một mạch nguồn xúc cảm nhuần nhị mà sâu lắng vô bờ. “Đi đường” của Hồ Chí Minh là một bài thơ như thế. Bài thơ nhắn nhủ mọi người hãy giữ vững ý chí phấn đấu, chịu đựng mọi gian khổ hi sinh trên con đường đời của mình: 

  • “Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan 
  • Trùng san chi ngoại, hựu trùng san
  • Trùng san đăng đáo cao phong hậu 
  • Vạn lí dư đồ cố miện gian.”
  • (Đi đường mới biết gian lao,
  • Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
  • Núi cao lên đến tận cùng,
  • Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.)

“Đi đường” là bài thơ trích trong tập “Nhật kí trong tù” – lúc bấy giờ Hồ Chí Minh đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giải qua nhiều nhà tù trên tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc với bao cay đắng, thử thách nặng nề. Bài thơ được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt và được Nam Trân dịch thành bài thơ lục bát. Bài thơ mượn chuyện đi đường, thi nhân nêu lên cảm nhận đường đời vô cùng khó khăn, nguy hiểm, phải có quyết tâm cao, nghị lực lớn mới chiến thắng thử thách, mới giành được thắng lợi vẻ vang. 

Hai câu thơ đầu miêu tả cảnh đi đường của người tù là vô cùng khó khăn, gian khổ:

  • “Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan 
  • Trùng san chi ngoại, hựu trùng san”

Có đi đường mới biết đường đi khó. Câu khai đề của bài thơ như một nhận xét, một trải nghiệm rút ra từ thực tế. Nếu Bác Hồ không đi đường nhiều đến thế thì có lẽ cũng không rút ra được kết luận đó. Bác Hồ bị bọn giặc giải đi hết nhà tù này đến nhà tù khác, phải chịu bao nhọc nhằn, vất vả gấp nhiều lần so với khách bộ hành bình thường. Câu thơ “Trùng san chi ngoại, hựu trùng san” gợi lên lớp lớp những dãy núi chồng chất, liên tiếp nhau. Người tù bị giải trên đường đi, không biết đâu là nơi cuối trời, vượt qua dãy núi này rồi lại tiếp đến một dãy núi khác tưởng như bất tận và chỉ dừng lại khi tới một nhà tù khác hoặc trời quá tối, có khi tạm nghỉ trên một đống rạ ngoài đồng trống. Câu thơ còn có ý nghĩa như một lời triết lý đầy suy ngẫm: con đường đi hay chính là con đường đời, con đường cách mạng, càng đi càng thấy khó khăn, chông gai chồng chất, đòi hỏi phải có ý chí nghị lực để vượt qua.

Hai câu thơ kết lại, hình ảnh người đi đường đứng trên đỉnh núi cao chót vót hiện lên thật hiên ngang với một tâm hồn phơi phới niềm vui: 

  • “Trùng san đăng đáo cao phong hậu 
  • Vạn lí dư đồ cố miện gian.”
  • (Núi cao lên đến tận cùng,
  • Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.)

Câu thơ thứ ba như cầu nối, mạch thơ tiếp tục diễn tả những dãy núi cao nhưng là một sự cao hơn, cao đến tận cùng. Nhịp thơ như nhanh hơn, khẩn trhương hơn, có phần thanh thoát như một cuộc chuẩn bị. Phảng phất trong câu thơ một thứ âm nhạc tâm hồn khoan khoái, xốn xang. Vậy điều gì đã xảy ra sau đó? Một sự gục ngã? Một sự chiến thắng? Người đọc đã trút đi được gánh nặng ngàn cân và thở phào nhẹ nhõm bởi câu thơ kết: “Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”. Chỉ trong chớp mắt, tình thế đã thay đổi, tâm trạng đã thay đổi. Từ tư thế con người bị đày đoạ tới kiệt sức tưởng như tuyệt vọng, người đi đường cực khổ ấy bỗng trở thành du khách ung dung, say sưa ngắm cảnh thiên nhiên, đất trời. Câu thơ tả cảnh nhưng không giấu nổi một tiếng reo vui hạnh phúc ở bên trong, niềm hạnh phúc chân chính của một con người đã vượt qua bao chặng đường khổ ải, đã đi và đã đến với cái đích, đang ở đỉnh cao vời vợi. Câu thơ mang một ý nghĩa triết lí trong cuộc sống: vượt qua khó khăn thử thách con người sẽ đi đến đích của thành công. Câu thơ đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn ý chí nghị lực của Hồ Chí Minh: dù khó khăn, vất vả đến đâu, người chiến sĩ ấy vẫn không ngã lòng. “Đi đường” hay chính là con đường mà Người đang theo đuổi để thực hiện lý tưởng cao đẹp. Người đã chủ động, chấp nhận mọi khó khăn, vượt lên trên hoàn cảnh. Cách mạng phải lâu, gian khổ nhưng nhất định sẽ thắng lợi.

Bài thơ khép lại trong ý thơ triết luận về một chân lý giản đơn, cụ thể mà thật sâu sắc: đường đi – đường đời của mỗi con người. Đi đường cần quyết tâm vượt núi trèo đèo để lên tới đỉnh cao nhất, tới đích. Cố gắng vượt qua tất cả những chông gai thử thách, chúng ta sẽ trưởng thành, sẽ làm chủ được mọi nỗi buồn vui trong cuộc sống. Có lẽ vì thế chỉ với bốn câu thơ cô đọng, hàm súc, ta bắt gặp cả ba khía cạnh của con người Hồ Chí Minh: nhà hiền triết, nhà chiến sĩ và nhà thơ. 

Bài thơ như một lời ca ngợi ý chí, sự chiến đấu của con người trước những thử thách cuộc đời trên con đường đến với ước mơ. Dù được ra đời cách đây đã hơn nửa thế kỉ nhưng bài thơ hôm nay và mai sau vẫn luôn mới mẻ với con người, là người bạn đường của con người.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *