Cảm nghĩ về bài văn mẹ tôi lớp 7 hay nhất

Mỗi một tác phẩm văn học khi qua đi đều để lại trong trái tim chúng ta một dư âm nào đó. Có thể là một bài học triết lí nhân sinh, cũng có thể là tình cảm cao đẹp còn đọng lại. Bài văn “Mẹ tôi” của tác giả Ét-môn-đô đờ A-mi-xi là một tác phẩm như vậy.

Các bài viết liên quan tới chủ đề cảm nghĩ về bài văn mẹ tôi đáng chú ý:

  • Soạn bài Mẹ tôi lớp 7
  • Bài viết số 3 lớp 7: Cảm nghĩ về người thân(Ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, bạn, thầy, cô giáo)
  • Soạn bài Mẹ tôi ngắn gọn lớp 7
  • Kể về một lần em mắc lỗi lớp 6

Chúng ta sẽ còn nhớ mãi về tình mẹ thiêng liêng cao cả, tình cho tận tuỵ yêu thương và những bài học đáng giá về đạo làm con. Để cảm nhận về bài văn này, trước hết chúng ta phải giới thiệu qua về tác giả, tác phẩm, kể tóm tắt lại nội dung của bức thư mà người bố gửi con. Có nhiều cách để cảm nhận tác phẩm, nhưng hôm nay mình sẽ hướng dẫn các bạn cảm nhận theo bố cục: tình yêu thương của người mẹ, thái độ nghiêm khắc của người cha và bài học về đạo làm con. Cuối cùng, các bạn có thể rút ra bài học cho bản thân mình qua câu chuyện để bài làm văn được đầy đặn hơn. Chúc các bạn thành công!

BÀI LÀM VĂN SỐ 1 CẢM NGHĨ VỀ BÀI VĂN “MẸ TÔI” LỚP 7

Trong trái tim mỗi chúng ta luôn tồn tại những tình cảm cao đẹp. Lòng nhân ái, tình phụ tử hay tình bà cháu,… nó khiến cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng có lẽ tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và gắn kết khó có thể tách rời. Viết về tình mẫu tử, bức thư mà người bố gửi cho Enrico trong bài văn “Mẹ tôi” có lẽ thể hiện được sâu sắc nhất.

Văn bản “Mẹ tôi” được trích trong tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, một nhà văn của nước Ý. Câu chuyện được kể dưới hình thức một bức thư, tạo nên hiệu ứng thú vị cho người đọc. Theo lời của người cha, Enrico đã có những lời nói và hành động thiếu lễ độ với mẹ trước mặt cô giáo. Điều ấy làm cho người bố phải phiền lòng và suy nghĩ nên đã viết thư răn bảo đứa con trai. Qua nội dung ấy, toát lên là tình mẫu tử thiêng liêng và cũng là tình cảm cha con đầy gắn bó.

Trước hết, văn bản để lại cho chúng ta dấu ấn đậm nét về một người mẹ tần tảo hi sinh vì con. Người mẹ ấy, trong lúc con bị bệnh đã thức suốt đêm, lo lắng đến quằn quại chỉ vì sợ sẽ mất đi đứa con của mình. Cũng chính người mẹ ấy, sẵn sàng đổi lấy một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, chỉ mong sao con được an lành. Và bạn có biết không, có một người mẹ sẵn sàng đi ăn xin để nuôi sống con, sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng vì con. Đó có lẽ chính là biểu hiện cao nhất của tình mẫu tử. Dường như, ta nhận ra mỗi người mẹ của mình trong bức tượng đài sừng sững ấy. Nhân hậu và bao dung, mẹ sẵn sàng tha thứ cho con những sai lầm, mẹ sẵn sàng đánh đổi để đem đến điều tốt đẹp cho con. Chúng ta có thể phủ định mọi thứ, nhưng tình mẫu tử không bao giờ hết thiêng liêng. Bố của Enrico đã kể về người mẹ với tất cả sự ngưỡng mộ, đáng kính, để đứa con hiểu được rằng, mẹ quan trọng như thế nào.

Trước thái độ vô lễ với mẹ của Enrico, người bố đã thể hiện rõ sự nghiêm khắc của mình. Ông kể về sự hi sinh của người mẹ như một lời nhắc nhở, để khắc sâu hơn lòng biết ơn trong tâm trí Enrico. Người bố đã nói một cách rõ ràng rằng, sự hỗn láo của Enrico như một nhát dao đâm vào trái tim người bố vậy, và ông không thể nén cơn tức giận mỗi khi nghĩ đến điều ấy. Rõ ràng, trước sai lầm của con trai, ông đã thể hiện rõ sự nghiêm khắc tôn kính của một người cha, để đứa con nhận ra sai lầm của mình. Ông cũng khuyên con đừng hôn bố nữa, vì bố không thể chấp nhận nụ hôn ấy. Đứa con nào nghe những câu ấy mà không khỏi đau lòng sợ hãi? Nhưng trong bức thư ấy, ta vẫn thấy rõ tình yêu thương và thái độ mềm mỏng của người cha. Ông nhắc đến hình ảnh, khi mẹ chết, đứa con sẽ đau khổ và hụt hẫng đến nhường nào? Đó như một đòn tâm lí mạnh mẽ, để đứa con thức tỉnh mà sửa sai. Ở người cha ấy, ta cũng thấy tràn đầy một tình yêu thương con, luôn muốn con sống có tình có nghĩa, sống cho phải đạo làm người.

Cuối cùng, người bố khuyên nhủ Enrico, cũng là lời khuyên đối với mỗi chúng ta. Người bố khuyên con rằng, tình yêu thương kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Con không bao giờ được vô lễ với mẹ một lần nữa, hãy cầu xin sự tha thứ và xin mẹ hôn lên trán con. Mỗi đứa con cũng tự nhìn thấy mình trong đó. Đã bao nhiêu lần bạn có lỗi với cha mẹ? Bao nhiêu lần bạn phớt lờ lời xin lỗi? Nếu đã từng là Enrico, hãy sửa sai lỗi lầm của mình bằng những hành động thiết thực nhất. Hãy yêu thương và tôn kính cha mẹ, hãy biết xin lỗi và cảm ơn khi cần. Đừng để đau lòng những đấng sinh thành!

Một bài văn thôi nhưng để lại cho ta những ý nghĩa sâu xa không tưởng. Ta nhận thức về tình mẫu tử, ta biết tôn kính cha mẹ mình. Có lẽ bởi vậy mà đến bây giờ, “Mẹ tôi” vẫn mãi trường tồn cùng thời gian.

BÀI LÀM VĂN SỐ 2 CẢM NGHĨ VỀ BÀI VĂN “MẸ TÔI” LỚP 7

Ét-môn-đô-đơ A-mi-xi là nhà hoạt động xã hội, nhà văn hóa, nhà văn lỗi lạc của nước Ý. Ông để lại sự nghiệp văn chương đáng tự hào hơn một thế kỷ qua, trẻ em trên khắp các hành tinh đều được đọc và học tác phẩm của ông. Tên tuổi của ông đã trở thành bất tử qua tác phẩm “Những tấm lòng cao cả”. “Mẹ tôi” là đoạn trích tiêu biểu trong tác phẩm giáo dục con người về chữ hiếu đối với cha mẹ. 

“Mẹ tôi” là bức thư của bố gửi cho En-ri-cô vào thứ năm ngày 10-11 trích trong “Những tấm lòng cao cả”. Phần đầu tác phẩm giới thiệu lý do bố viết thư và cảm xúc tâm trạng của En-ri-cô khi đọc thư. En-ri-cô đã rất xúc động khi đọc thư của bố bởi: “Bố để ý là sáng nay, lúc cô giáo đến thăm, khi nói với mẹ con có nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ”. 

Thái độ và tâm trạng của người bố là vô cùng tức giận, bực bội, đau xót khi chứng kiến sự vô lễ của con: “Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy”, “Bố không thể nén được cơn tức giận đối với con”, “Con mà lại xúc phạm đến mẹ con ư?”. Bố đã khơi dậy cho En-ri-cô về hình ảnh người mẹ thương yêu, giàu đức hi sinh cao cả: “Mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con”,  “Mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn”, “Người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con như bao người mẹ khác. Mẹ En-ri-cô rất mực yêu thương con, lo âu đau đớn khi nghĩ rằng có thể mất con, chịu khổ sở đói rét, không quản ngại vất vả và hi sinh tất cả bằng tấm lòng, bằng sức lực, hạnh phúc riêng tư và cuộc sống của mình cho con. 

Cha đã đưa ra tình huống trong đời: “Con có thể trải qua những ngày buồn chán nhưng ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ” để khẳng định một chân lý, một quy luật của muôn đời: tình mẹ con, sự gắn bó giữa mẹ và con vô cùng khăng khít bền vững muôn đời. Cha muốn nhấn mạnh cho con hiểu rằng trong nhiều tình cảm cao quý thì tình yêu thương,kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Những lời lẽ của bố đã khơi gợi những tâm tư, tình cảm suy nghĩ của En-ri-cô về mẹ rất chân thành, nhẹ nhàng, sâu sắc. Lời lẽ, giọng điệu của bố vừa kiên quyết vừa như ra lệnh nhưng lại rất chân tình, khuyên nhủ. Người bố không nói trực tiếp với con mà lại viết thư bởi đây là một cách giáo dục con rất sâu sắc. Bố muốn nói riêng cho người con biết rằng con đã có lỗi – điều đó được giữ kín đáo và không làm cho con mất đi lòng tự trọng. 

Tác phẩm hấp dẫn người đọc với lối viết thư nhẹ nhàng, sâu sắc, thấm thía đan xen yếu tố nghị luận. Giọng văn nhẹ nhàng vừa chân thành, tha thiết vừa nghiêm khắc, dứt khoát vừa thấm thía, sâu sắc, đầy sức thuyết phục phù hợp với tâm lý trẻ thơ. “Mẹ tôi” là bài ca tuyệt đẹp của những tấm lòng cao cả mà tác giả để lại trong lòng người đọc về hình ảnh thân thương của người mẹ hiền, qua đó giáo dục chúng ta về đạo hiếu với cha mẹ, về tình cảm thiêng liêng cao quý.

“Mẹ tôi” vẫn mãi là những trang viết đượm hồn, đượm tình, nhắc nhở con người về tình yêu thương, kính trọng với cha mẹ, cảnh tỉnh cho những người con bạc tình bạc nghĩa phải thay đổi, sống hiểu thảo và trân quý tình cảm gia đình nhiều hơn. 

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *