Bài viết số 1 lớp 7 đề 2: Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự

Người ta thường nghĩ, thơ thiên về cảm xúc, còn truyện lại chỉ có phần tự sự. Nhưng thật ra, trong thơ luôn có truyện. Không một bài thơ nào được tạo nên chỉ bởi những cảm xúc vẩn vơ, đều phải từ một sự kiện mà phát triển nên ý. Hướng dẫn làm bài văn kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự lớp 7 mở bài thân bài kết bài trong tập làm văn số 1 của sách ngữ văn lớp 7 đề thứ 2 về kể câu chuyện trong bài thơ có tính tự sự

Các bài viết về chủ đề Bài viết số 1 lớp 7 được quan tâm :

  • Bài viết số 1 lớp 7 đề 3: Miêu tả một cảnh đẹp mà em đã gặp trong mấy tháng nghỉ hè
  • Bài viết số 1 lớp 7 đề 4: Miêu tả chân dụng một người bạn của em
  • Bài viết số 1 lớp 7 đề 1: Kể cho bố mẹ em nghe một chuyện lí thú mà em đã gặp ở trường
  • Dàn ý bài viết số 1 lớp 7 đề 3: Miêu tả một cảnh đẹp mà em đã gặp trong mấy tháng nghỉ hè
  • Dàn ý Bài viết số 1 lớp 7 đề 4: Miêu tả chân dung một người bạn của em
  • Dàn ý Bài viết số 1 lớp 7 đề 1: Kể cho bố mẹ em nghe một chuyện lí thú mà em đã gặp ở trường

Bởi vậy, chúng ta thường được yêu cầu kể lại câu chuyện trong một bài thơ có tính chất tự sự. Những bài thơ như “Lượm”, “Tiếng gà trưa”,… đều bao bọc một lớp truyện bên trong. Mục đích của bài tập làm văn này là để chúng ta nắm bài thơ ấy cho chắc, cho sâu chứ không phải chỉ hời hợt bên ngoài. Muốn làm được, chúng ta cần chọn được bài thơ mà yếu tố tự sự nổi lên sắc nét nhất. Ta có thể kể lại câu chuyện theo trình tự thời gian của bài thơ, cũng có thể kể theo những ấn tượng chủ quan của mình. Quan trọng, bạn cần phải biết bài thơ của mình kể chuyện gì và kể như thế nào. Các bạn hãy cố gắng kể lại câu chuyện một cách chân thực nhất nhé. Chúc các bạn thành công!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 BÀI VIẾT SỐ 1 ĐỀ 2 LỚP 7: KỂ LẠI NỘI DUNG CÂU CHUYỆN ĐƯỢC GHI TRONG MỘT BÀI THƠ CÓ TÍNH CHẤT TỰ SỰ LỚP 7 – ĐÊM NAY BÁC KHÔNG NGỦ

Mỗi trang lịch sử của dân tộc Việt Nam đều ánh lên màu vàng chói lọi của cả hạnh phúc và đau thương, của niềm tin và lí tưởng. Dựng nên trang sử ấy, ta không thể phủ nhận công lao to lớn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, người đã dìu dắt cả một dân tộc. Có rất nhiều câu chuyện kể về bạn đã hoá thành thơ, để nghìn đời sau còn biết đến. “Đêm nay Bác không ngủ” của nhà thơ Minh Huệ là một bài thơ như thế.

Câu chuyện ấy diễn ra vào năm 1951, khi Bác Hồ trực tiếp chỉ huy chiến dịch Biên giới 1950. Ăn ngủ cùng bộ đội, Bác không chỉ là người lãnh đạo, mà còn thực sự là một người cha. Câu chuyện kể về một đêm ở trong rừng, khi mọi người đã say giấc ngủ thì một anh bộ đội chợt tỉnh giấc. Trời lúc này đã khuya lắm rồi. Không gian của núi rừng cô quạnh, chỉ còn những tiếng kêu ran của ếch nhái. Vậy mà, vẫn có một bóng hình lặng lẽ ngồi kia. Bóng lưng gầy ấy chẳng phải là Bác sao? Ngọn lửa hồng bập bùng soi sáng Người, đêm nay Bác không ngủ sao?

Ngoài trời mưa vẫn còn đang lâm thâm, cái lạnh cái rét ùa vào đến run người. Mái nhà tranh đã xơ xác vì phải hứng chịu nắng gió. Nhưng giữa khung cảnh ấy, Bác vẫn ngồi thật trầm ngâm. Khuôn mày chau lại như suy nghĩ điều gì hệ trọng lắm. Có phải Bác đang lo lắng cho chính dân quân của mình? Anh đội viên cứ thế lặng lẽ nhìn Bác mà trong lòng thổn thức không yên. Bác gầy, Bác khắc khổ quá rồi, mái tóc bạc đã trùm kín cả mái đầu. Dường như những suy nghĩ cho vận mệnh đất nước lại làm Bác càng già hơn. Đến cả khi mọi người được nghỉ, Bác cũng chẳng an tâm. Càng nhìn, anh đội viên càng thương Bác nhiều hơn.

Sau khi đốt lửa cho các anh nằm, Bác nhẹ nhàng đứng dậy. Bác nhón đi trên những đầu ngón chân thật khẽ khàng, có lẽ là không muốn làm các cháu tỉnh dậy. Anh đội viên lặng lẽ quan sát bóng lưng Bác. Bác đến từng người một, khẽ khàng chỉnh lại chăn cho các cháu khỏi lạnh. Trên gương mặt ấy chứa đầy âu yếm yêu thương, lại có cả âu lo khắc khoải. Bác nhìn các anh trìu mến như nhìn những đứa con thơ. Trong lòng Bác bây giờ có lẽ ngổn ngang lắm. Thương các cháu phải ra chiến trường trong tuổi còn được vui chơi, thương nhân dân cả đời chịu khổ. Trở về bên bếp lửa, Bác lại nghĩ mãi, nghĩ mãi…

Ánh lửa hồng soi chiếu bóng Bác, lồng lộng che đi tất cả, khiến anh đội viên mơ màng như ở trong giấc mộng. Bác thật vĩ đại, thật ấm áp quá. Nhưng đã muộn thế này rồi mà Bác vẫn còn chưa ngủ, liệu có hại lắm không? Mai Bác lấy sức đâu mà chiến đấu. Nghĩ vậy, anh đội viên lại bồn chồn không ngủ được, anh khẽ hỏi Bác:

-Bác ơi, sao giờ mà Bác còn chưa ngủ? Bác có lạnh lắm không hả Bác?

Bác nở một nụ cười thật hiền từ, bao giờ Bác cũng hiền như vậy:

-Chú hãy cứ ngủ đi, để ngày mai còn có sức đi đánh giặc

Không thể cãi lời Bác, anh nhắm mắt mà bụng vẫn còn bồn chồn. Anh chỉ nằm lo Bác ốm vì rừng hoang sương muối thật hại đến sức khoẻ. Bác cứ thức bao nhiêu, thì lòng anh lại bề bộn bấy nhiêu. Anh chẳng thể ngon giấc khi người cha của mình còn thức. Chiến dịch vẫn còn dài lắm, rừng lại lắm dốc lắm ụ. Bây giờ Bác không ngủ thì biết lấy sức đâu mà đi?

Thiếp đi được một lúc, anh lại hoảng hốt giật mình. Vì Bác vẫn ngồi lặng lẽ bên bếp lửa ấy. Chòm râu dài quen thuộc im phăng phắc, dường như người trước mặt mải suy nghĩ điều gì đó mà quên hết đi xung quanh. Nhưng nếu Bác không ngủ, thì lấy sức đâu mà đánh giặc nữa? Anh đội viên lại một lần nữa nằng nặc:

-Bác hãy ngủ đi Bác ơi, trời đã sắp sáng mất rồi!

Đến bây giờ, Bác vẫn không thôi nghĩ ngợi. Bác trả lời anh đội viên:

-Chú hãy cứ ngủ thật ngon để ngày mai đi đánh giặc đi. Bác thức vì lòng Bác còn nhiều lo toan trắc trở. Bác còn đang thương cho đoàn dân công khi phải ngủ ngoài rừng, không chăn không chiếu, chỉ có lá cây và tấm áo mỏng. Trời hôm nay lại mưa lâm thâm, làm sao cho các anh em đồng đội không bị ướt. Càng nghĩ, Bác càng nóng ruột, lại không thể ngủ được. Bác chỉ mong trời sáng thật nhanh để cùng bộ đội được chiến đấu.

Anh đội viên nghe như nuốt từng lời của Bác. Giờ đây, anh đã bừng tỉnh nhận ra rằng: Bác là Hồ Chí Minh, Bác không ngủ mới là lẽ thường tình. Tấm lòng của Bác có bao giờ hết bao la như vậy. Anh lặng lẽ nhìn Bác, Bác lại nhìn ngọn lửa hồng mà lòng vui sướng mênh mông. Vui vì có một vị lãnh tụ đáng kính, vui vì hiều được lòng Bác. Đêm ấy, anh cũng thức chung cùng Người.
Một câu chuyện đơn giản như vậy thôi nhưng đủ cho ta thấy tấm lòng người lãnh tụ, dành cả cuộc đời để lo cho dân cho nước, thật đáng kính biết nhường nào!

BÀI VĂN MẪU SỐ 1 BÀI VIẾT SỐ 1 ĐỀ 2 LỚP 7: KỂ LẠI NỘI DUNG CÂU CHUYỆN ĐƯỢC GHI TRONG MỘT BÀI THƠ CÓ TÍNH CHẤT TỰ SỰ LỚP 7

Nga 1963.

Ngoài trời, tuyết rơi trắng xóa. Đường phố vắng tanh, không một bóng người. Thỉnh thoảng chỉ nghe vang vọng đâu đây tiếng “cờ rộp, cờ rộp” của chiếc xe ngựa chạy vội trong đêm. Mọi nhà đều đã thắp đèn đi nghỉ. Chỉ còn le lói vài ánh đèn vàng mờ rồi bỗng vụt tắt. Tôi vẫn chưa ngủ. Cái buốt giá của mùa đông thấu tận trong tâm can khiến tôi bất giác nhớ lại những ngày tháng ấm áp của tuổi thơ. Bên chiếc lò sưởi bập bùng ánh lửa, tôi chợt nhớ đến bà, nhớ đến những hồi ức có bà ở bên, bên bếp lửa nồng đượm tình yêu thương.

Lim dim đôi mắt, tôi nhớ lại cái năm tôi lên bốn tuổi. Thời kì này, cái đói, cái thiếu thốn hoành hành khắp nơi. Ngân khố nhà nước cũng chỉ vẻn vẹn có vài đồng. Người Việt Nam quen gọi cái sự kiện kinh hoàng này là “nạn đói năm 45”. Cái đói triền miên dai dẳng, cái đói vắt kiệt sinh lực của biết bao nhiêu con người. Số người chết vì đói gấp rất nhiều lần số người chết vì bệnh tật. Những người còn lại sống vật vờ như những bóng ma trong đêm. Bố tôi đi đánh xe ngựa với con ngựa gầy còm, ốm yếu, tất cả trong mùi khói hun đến nghẹt thở, nao lòng cả tuổi thơ. Tuổi thơ của tôi không phải là vòm trời cổ tích cao rộng và nhuốm màu lãng mạn của những phép màu kì diệu, mà đúng hơn khói bếp đã bao trùm ấn tượng suốt khung trời tuổi thơ. Tôi chợt thấy sống mũi của tôi xộc lên một thứ gì đó cay nồng khiến cho hàng lệ bất giác tuôn rơi. Dư vị một thời thơ bé vẫn còn ám ảnh đâu đây, nghĩ lại vẫn thấy xót thương trong hồi ức về bà.

Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, ba mẹ tôi phải đi ra chinh chiến ngoài mặt trận. Họ gửi tôi cho bà chăm sóc. Suốt thời gian đó tôi cùng bà nhóm lửa. Tám năm chưa phải là dài so với một đời người nhưng đối với tôi, nó như kéo dài đến triền miên, vô tận bởi tám năm ấy chỉ hai bà cháu tôi nương tựa vào nhau. Bà thường ôm tôi vào lòng, bên chiếc bếp bập bùng ngọn lửa, bà kể cho tôi những câu chuyện hồi bà còn ở Huế. Vào những ngày hè rực nắng, tiếng chim tu hú kêu tha thiết nhưng nghe như khắc khoải, giục giã cả một khoảng trời. Mỗi khi nghe tu hú kêu, tôi thường đứng lặng hàng giờ, tôi nói với cánh chim ngoài đồng kia: “Tu hú ơi! Sao mày không đến ở cùng bà, sao cứ kêu hoài trên những cánh đồng xa kia vậy?”. Ba mẹ tôi đi rồi nên việc chăm sóc, dạy dỗ tôi đều nhờ cả vào đôi bàn tay bà. Bà bảo tôi những điều hay lẽ phải, bà dạy tôi những bài học bổ ích. Mỗi việc làm của bà đều thấm đượm tình yêu thương. Để có thể học ở Trường Đại học Tổng hợp KF như bây giờ có lẽ cũng đều nhờ công sức bà dạy dỗ cho tôi. Nghĩ vậy lòng tôi lại dâng lên lòng nhiệt huyết, tôi sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt sao cho xứng đáng với những gì bà mong đợi.

Chiếc lò sưởi bỗng cháy lên dữ dội. Cái ngọn lửa đó đưa tôi về cái năm giặc đốt phá làng cháy tàn, cháy rụi. Sau những ngày tháng đi tản cư, cả dân làng trở về lầm lụi. Hàng xóm bốn bên giúp hai bà cháu tôi dựng lại túp lều tranh nhỏ để có chỗ che nắng che mưa. Gian khổ là thế, vậy mà bà vẫn vững lòng. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của bà “Mày có viết thư cho ba mẹ chớ có kể này kể nọ, cứ bảo là nhà vẫn được bình yên”. Hồi đó tôi chưa đủ chín chắn để có thể hiểu được câu nói của bà. Tôi chỉ thắc mắc tại sao bà lại nói dối trong khi bà luôn dạy tôi phải luôn trung thực. Sau này tôi mới hiểu và cảm thấy xúc động vô cùng khi biết đó chính là hành động hy sinh âm thầm của bà. Bà đã nhận về mình tất cả những mất mát, khổ đau để cho ba mẹ tôi có thể yên tâm đánh giặc cứu nước. Tấm lòng của bà thật bao la, độ lượng làm sao!

Cơ hàn rồi giặc giã… lại vẫn chỉ có hai bà cháu tôi sớm tối. Tôi thương bà lắm nhưng chẳng biết làm thế nào cho bà đỡ khổ. Rồi sớm rồi chiều, ngày lại qua ngày, bà vẫn nhen lên bếp lửa và ấp ủ trong lòng ngọn lửa tình thương bà dành cho tôi, của niềm tin vào một ngày chiến thắng, các con sẽ trở về đoàn tụ. Suốt một đời gian nan, vất vả, bà tôi tần tảo chăm sóc cho con, cho cháu. Hình ảnh bà tôi với mái tóc bạc phơ luôn đi đôi với bếp lửa rực hồng. Bếp lửa do tay bà nhen nhóm tỏa hơi ấm khắp căn lều nhỏ và sưởi ấm cả lòng tôi, khơi gợi những tâm tình thiết tha của thời thơ dại.

Giờ đây tôi đã trưởng thành, được Tổ Quốc chắp cho đôi cánh để bay vào bầu trời thênh thang của tri thức và khoa học. Tôi đã được khám phá biết bao điều mới mẻ nhưng tôi không bao giờ quên được hình ảnh bếp lửa bà nhen lên mỗi sớm mỗi chiều ở quê nhà. Bởi đó là cội nguồn, bởi cuộc đời tôi đã được nhen lên bởi ngọn lửa ấy. “Bà ơi, giờ đây bà đã đi xa, cháu chẳng bao giờ có thể gặp lại bà được nữa, nhưng hình ảnh bà sẽ mãi như ngọn lửa bà nhen, hừng hực cháy trong trái tim cháu để cháu có thêm động lực, để bước tiếp trên con đường tri thức”

Tôi thiếp đi lúc nào không hay. Tôi đã mơ một giấc mơ thật đẹp. Tôi lại trở thành cậu bé năm ấy và bà hiện lên thật đẹp, hiền từ và nhân hậu như bà tiên trong câu chuyện cổ tích…

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *